Dấu ấn nguồn vốn chính sách trên quê hương nông thôn mới

Huyền Anh Thứ năm, ngày 03/08/2023 08:08 AM (GMT+7)
Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, hàng nghìn người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên cả nước đã có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống của người dân nông thôn, góp sức xây dựng nông thôn mới.
Bình luận 0

"Mười năm trước nếu ai rời xa quê hương và hôm nay trở lại chắc chắn sẽ không nhận ra bởi những thay đổi đến ngỡ ngàng". Bà Lê Thị Phách, người dân xã Minh Quang (Vũ Thư, Thái Bình) tự hào chia sẻ với chúng tôi về sự "thay da đổi thịt" của quê hương mình.

Dưới cái nắng oi ả chiều tháng 7, bà Lê Thị Phách hồ hởi khoe, xã Minh Quang nằm liền kề thị trấn Vũ Thư, có nhiều lợi thế về giao thông và phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2014, đây là một trong những xã đầu tiên của huyện Vũ Thư về đích nông thôn mới. Mới đây, Minh Quang cũng là một trong 25 xã được Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình ban hành quyết định công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2019 – 2022. Trong hành trình ấy, có phần không nhỏ của đồng vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).

Liên hệ câu chuyện của bản thân, bà Phách chia sẻ, gia đình bà trước đây có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nhất là khi nguồn thu nhập duy nhất đến từ trụ cột của gia đình là ông N.V.B (chồng bà Phách – PV) không còn nữa. Áp lực tài chính trở thành "gánh nặng" và chỉ đến khi có được chút "vốn mồi" từ NHCSXH tại địa phương, cuộc sống của bà Phách và các thành viên khác trong gia đình mới có cơ hội bước sang một trang mới.

"Không có công ăn việc làm ổn định, gia đình đông con nên khó khăn chồng chất. Thế nhưng, với số vốn vay từ NHCSXH, tôi mua 2 bò sinh sản về nuôi. Hơn 3 năm sau, đàn bò đã phát triển thành 5 con, bán 2 con, thu về hơn 40 triệu đồng. Có vốn, tôi tiếp tục nhân đàn, vừa tạo công ăn việc làm cho các con. Đến nay, dù chưa trả nợ vốn vay nhưng gia đình tôi không còn phải lo lắng về chi phí sinh hoạt hàng ngày", bà Phách nói.

Hay như gia đình bà P.T.Xá, nhờ vay vốn NHCSXH làm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, từ một hộ gia đình khó khăn quanh năm chật vật nhưng chẳng để dư được đồng nào, nay gia đình bà đã thành công thoát nghèo.

Bà Phạm Thị Đào, đại diện tổ tiết kiệm và vay vốn Hội Phụ nữ thôn La Uyên, Minh Quang (Vũ Thư, Thái Bình) cho biết, nhiều năm qua việc vay vốn NHCSXH đã trở thành kế sinh nhai, như "cần câu" giúp bà con ở địa phương chỉ thoát nghèo, thậm chí nhiều gia đình còn không ngừng mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh, làm giàu chính đáng.

"Vươn lên thoát nghèo, tăng thu nhập, làm giàu cho chính mình cũng chính là góp phần xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tại địa phương", bà Phạm Thị Đào chia sẻ.

Dấu ấn nguồn vốn chính sách trên quê hương nông thôn mới - Ảnh 1.

Trụ sở xã khang trang của xã Minh Quang, huyện Vũ Thư, Thái Bình.

Về Tam Quan (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) những ngày này, đâu đâu cũng bắt gặp những gương mặt rạng ngời, thân thiện. Đi khắp mọi nẻo đường điều dễ thấy nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn đã được đầu tư nâng cấp, thôn nào cũng có những con đường rực rỡ sắc hoa.

"Nếu không có nguồn vốn ngân hàng, đặc biệt là nguồn vốn từ NHCSXH, giờ đây bộ mặt của xã Tam Quan không được như thế này, phải khẳng định như vậy", ông Dương Văn Tuyến - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quan, Tam Đảo, Vĩnh Phúc nhấn mạnh.

Dấu ấn nguồn vốn chính sách trên quê hương nông thôn mới - Ảnh 2.

Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, hàng nghìn người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên cả nước đã có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế. (Ảnh: Thanhnien)

Đến với Đại Từ chúng tôi cũng cảm nhận được sự "thay da đổi thịt" của vùng đất khu vực tây bắc của tỉnh Thái Nguyên.

Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng của NHCSXH huyện Đại Từ đã phát huy vai trò là công cụ hữu hiệu thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội. Nhờ nguồn vốn này, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và có đời sống khấm khá, góp phần giúp các địa phương hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Gia đình anh Nguyễn Công Nghĩa, ở xóm Phố, xã Phú Thịnh là một trong những hộ thoát nghèo tiêu biểu tại địa phương. Với số vốn "mồi" 40 triệu đồng vay từ NHCSXH thuê máy xúc san gạt đất đồi để trồng chè, rồi làm gạch nung. Sau 4 năm, gia đình anh Nghĩa chính thức thoát nghèo. Năm 2021, anh tiếp tục vay NHCSXH 50 triệu đồng để mở xưởng sản xuất gỗ nan. Đến nay, xưởng của anh đã đi vào hoạt động ổn định với gần 10 lao động thường xuyên, có thu nhập bình quân 6-9 triệu đồng/người/tháng.

Có thể nói, những câu chuyện thoát nghèo và làm giàu nhờ "bà đỡ" tín dụng từ NHCSXH như bà Phách hay ông Nghĩa không còn là "chuyện xưa nay hiếm". Đây cũng là những nhân chứng sống khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách. Từ đó thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới/nông thôn mới kiểu mẫu trên cả nước.

Hiện vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước. Số liệu thống kê từ NHCSXH cho thấy, tính đến ngày 30/6/2023, tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách đạt 318.278 tỷ đồng, tăng 21.261 tỷ đồng (tăng 7,2%) so với năm 2022, trong đó vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 34.527 tỷ đồng, tăng 3.925 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 10,8%.

Đáng chú ý, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 304.431 tỷ đồng, tăng 21.082 tỷ đồng (+7,4%) so với năm 2022 với hơn 6,6 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khách còn dư nợ. Trong đó, dư nợ theo các chương trình được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 259.589 tỷ đồng, tăng 16.903 tỷ đồng (tương đương tăng 7%) so với cuối năm 2022.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem