Giá bán giảm, giá xuất khẩu thấp
Theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát tiển nông thôn (Bộ NNPTNT), xuất khẩu cà phê tháng 6/2019 ước đạt 165.000 tấn, giá trị đạt 274 triệu USD; lũy kế xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 943.000 tấn và 1,6 tỷ USD, giảm 9,2% về khối lượng và giảm 19,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Thị trường cà phê trong nước cũng biến động giảm cùng xu hướng thị trường thế giới. Trong 6 tháng đầu năm 2019, giá cà phê trong nước giảm 500 - 800 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, do cà phê Việt Nam sản xuất chủ yếu phục vụ xuất khẩu, nên tình hình giao dịch trên sàn kỳ hạn có ảnh hưởng rất lớn đến giá cà phê trong nước. Có thời điểm đầu tháng 5, giá cà phê tụt xuống chỉ còn khoảng 29.000 đồng/kg khiến nông dân thua lỗ nặng.
Hiện, nguồn cung cà phê trong nước đã cạn kiệt và người dân không muốn bán với mức giá dưới 35.000 đồng/kg, giao dịch khá trầm lắng, ngoại trừ các hợp đồng xuất khẩu đã được ký kết từ trước đó.
Giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam thấp hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại của các nước khác. (ảnh: tư liệu)
Trước đó, theo báo cáo của Bộ Công Thương, Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất vào thị trường Hàn Quốc với khối lượng lên tới 11.000 tấn trong 6 tháng đầu năm 2019. Song, tại xứ sở kim chi, giá cà phê Việt xuất khẩu chỉ đạt 1,8 USD/kg, thấp bằng một nửa giá cà phê nước này nhập khẩu. Trong khi Brazil là nước đứng thứ 2 về khối lượng với gần 10.600 tấn vào Hàn Quốc, nhưng giá xuất khẩu đạt 2,6 USD/kg, còn cà phê Colombia đứng thứ 3 với trên 9.000 tấn, giá bình quân đạt 3,2 USD/kg. Riêng Mỹ, mới chỉ xuất khẩu vào Hàn Quốc khoảng 3.000 tấn cà phê, nhưng giá xuất khẩu đạt mức gần 11 USD/kg.
Nguyên nhân khiến cà phê Việt Nam là thế mạnh tỷ đô, đứng top 2 thế giới, nhưng giá xuất khẩu lại thấp nhất so với các nước được lý giải là do cà phê Việt Nam chủ yếu xuất thô (80% lượng cà phê xuất khẩu đều là hàng thô). Cùng với đó, nguyên liệu thu hoạch không đáp ứng đủ tiêu chuẩn về độ chín, cà phê còn lẫn các tạp chất... dẫn đến chất lượng cà phê còn thấp.
Tìm đường sang Nhật
Theo thống kê từ Hải quan Nhật Bản, nhập khẩu cà phê của nước này tháng 5/2019 đạt 39.700 tấn, trị giá 12,32 tỷ yên (tương đương 114,5 triệu USD), tăng 0,3% về lượng, nhưng giảm 5,3% về trị giá so với tháng 5/2018. Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu cà phê của Nhật Bản đạt 198.800 tấn, trị giá 61,78 tỷ yên (tương đương 574,1 triệu USD), tăng 14,7% về lượng và tăng 6,8% về trị giá so với 5 tháng đầu năm 2018.
Nguyên nhân khiến cà phê Việt Nam là thế mạnh tỷ đô, sản lượng đứng top 2 thế giới, nhưng giá xuất khẩu lại thấp nhất so với các nước được lý giải là do cà phê Việt Nam chủ yếu xuất thô và nguyên liệu thu hoạch không đáp ứng đủ tiêu chuẩn về độ chín, cà phê còn lẫn các tạp chất... |
Đáng chú ý, nhập khẩu cà phê hạt rang hương (mã HS 090190100) của Nhật Bản tăng tới 785,5% về lượng và tăng 1.108,3% về trị giá so với tháng 5/2018. Song, lượng nhập khẩu ở mức thấp là 230 tấn, trị giá 5 triệu Yên (tương đương 46.000 USD) trong tháng 5/2019.
Giá nhập khẩu bình quân cà phê của Nhật Bản 5 tháng đầu năm 2019 đạt mức 2.887 USD/tấn, giảm 6,9% so với 5 tháng đầu năm 2018. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Nhật Bản từ Việt Nam ở mức thấp nhất 1.690 USD/tấn, giảm 14,5% so với 5 tháng đầu năm 2018. Giá nhập khẩu bình quân cà phê của Nhật từ Brazil đạt 2.786 USD/tấn, giảm 9,5%.
Điều đáng lo ngại là 5 tháng đầu năm 2019, Nhật Bản đẩy mạnh nhập khẩu cà phê từ Brazil, Columbia, Etiopia… trong khi giảm nhập khẩu từ Việt Nam, Indonesia, Peru và Lào. Hiện, Brazii là nguồn cung cà phê lớn nhất cho Nhật Bản với lượng đạt trên 76.000 tấn, trị giá 22,81 triệu USD trong 5 tháng đầu năm 2019, tăng 49,9% về lượng và tăng 35,6% về trị giá so với 5 tháng đầu năm 2018. Nhờ đó, thị phần cà phê Brazil trong tổng lượng nhập khẩu Nhật Bản tăng từ 29,3% trong 5 tháng đầu năm 2018, lên 38,3%.
Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn thứ 2 cho Nhật Bản trong 5 tháng đầu năm 2019, song nhập khẩu giảm 15,6% về lượng và 27,9% về trị giá. Theo đó, thị phần cà phê Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu Nhật Bản giảm từ 26,6% trong 5 tháng đầu năm 2018, xuống còn 19,5% thị phần trong 5 tháng đầu năm 2019.
Columbia là nguồn cung cà phê lớn thứ 3 cho Nhật Bản với tốc độ tăng trưởng 8,8% về lượng, tăng 1,3% về trị giá so với 5 tháng đầu năm 2018, đạt 26.600 tấn, trị giá 9,38 triệu USD.
Như trên có thể thấy, ngành cà phê Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh rất lớn với các đối thủ Brazil, Columbia, Etiopia… Do đó, để nâng cao sức cạnh tranh và gia tăng giá trị xuất khẩu, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng ngành cà phê Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là đối với cà phê thành phẩm, đồng thời tham gia đầu tư sản xuất và chế biến sâu các sản phẩm cà phê chất lượng cao...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.