Đau đầu, xấu hổ vì bằng đại học giả

Thứ tư, ngày 30/11/2011 07:16 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thời gian qua tại nhiều trường ĐH ở TP.HCM đã phát hiện hàng trăm trường hợp sử dụng bằng giả được làm rất tinh vi. Điều đáng nói là các “cò” vẫn nhởn nhơ mua bán mà không hề bị xử lý.
Bình luận 0

Cứ kiểm tra là phát hiện bằng giả

Vừa qua, Phòng Đào tạo -Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM nhận thư yêu cầu xác minh văn bằng của một thạc sĩ tên Tín của một cơ quan hành chính cấp tỉnh. Trước đó, một ngân hàng cũng đã nhờ Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM xác minh bằng của thạc sĩ tên Tín này. Sau khi đối chiếu các danh sách, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho biết, người có tên là Tín này dùng bằng giả.

img
“Cò” Thắng đang điện thoại cho đối tác để bán bằng giả.

Tương tự, Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh 3 TP.HCM nhờ Trường ĐH Tài chính Marketing xác nhận bằng cử nhân mang tên Lê Anh Khoa (sinh năm 1986), tốt nghiệp ngành tài chính - ngân hàng năm 2009, loại hình đào tạo chính quy. Trường đã tiến hành kiểm tra hồ sơ, xác nhận đây không phải là sinh viên của trường, và bằng đương nhiên là giả.

Ông Hứa Minh Tuấn – Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Tài chính Marketing TP.HCM cho biết, từ đầu năm đến nay trường đã nhận được yêu cầu xác minh và phát hiện hơn 10 trường hợp sử dụng bằng giả. “Đối tượng làm bằng giả sử dụng công nghệ in ấn, sao chụp tinh vi nên khó phát hiện bằng mắt thường, các khoa của trường phải lục lại hồ sơ để đối chiếu”- ông Tuấn nói.

Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng cho biết, hàng loạt các ngân hàng đã nhờ trường xác minh bằng cử nhân và thạc sĩ nghi là giả và trường đã phát hiện 80 trường hợp làm bằng giả. “Nhiều trường hợp phát hiện khi đến nộp để xin việc; một số trường hợp khác thì đang làm việc, mua bằng thạc sĩ để thăng chức và hưởng mức lương cao”- một cán bộ phòng đào tạo cho biết.

Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là các trường hầu như không báo cơ quan chức năng, lực lượng an ninh mà chỉ âm thầm tự xử lý.

Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho biết: “Để hạn chế tình trạng mua bán, sử dụng bằng giả tràn lan như hiện nay, các cơ quan, đơn vị cần kiểm tra chặt chẽ những văn bằng, giấy tờ của nhân viên, người xin việc... Trường hợp nghi ngờ văn bằng có dấu hiệu làm giả thì nhanh chóng gửi văn bản kèm theo bản sao của văn bằng để trường xác nhận thông tin”.

Trường có cách chống giả mạo là đưa danh sách các em nhận bằng lên web và cập nhật thường xuyên. Ông Dũng cũng cho biết thêm: “Từ đầu năm đến nay, qua xác minh, chúng tôi đã phát hiện hơn 30 trường hợp làm bằng giả”.

Khóc, cười với bằng giả

Những “người trong cuộc” buộc phải mua bán bằng giả, khi cầm trên tay tấm bằng dường như lương tâm cũng không thanh thản. Phải rất khó khăn, chúng tôi mới tiếp cận được với một thanh niên tên Dũng, sử dụng bằng giả để xin việc. Dũng kể: Em lên trang mạng www.cho...com rồi hẹn để mua bằng đại học với giá 10 triệu đồng. Dũng đã đặt cọc cho họ 2 triệu đồng, họ hẹn sau một tuần đến lấy bằng và đưa số tiền còn lại.

Khi nhận bằng xong, em nộp hồ sơ xin việc vào một công ty ở quận 2 và lọt qua vòng sát hạch của công ty. Một tuần lễ sau, Dũng được gọi đi làm, nhưng sau 3 tháng làm việc thì phòng tổ chức gọi Dũng lên nói bằng của em là bằng giả. “Thực sự em thấy trình độ của em hoàn toàn đáp ứng được công việc, chỉ vì không có bằng thật mà em bị đuổi việc”- Dũng bùi ngùi.

img Tình trạng bằng giả ở nước ta báo chí đã nói đến nhiều, nhưng cách xử lý ra sao thì rất ít người biết. Nói cho cùng, cũng là do các cơ quan còn quá coi trọng bằng cấp, chức danh này nọ mà chưa đánh giá đúng thực lực; chưa thật minh bạch; xử lý chưa nghiêm. img

TS Nguyễn Tiến Dũng

Anh Cường thì “tiền mất tật mang” vì trót sử dụng bằng giả. Câu chuyện của anh bắt đầu khi anh được đề bạt lên chức phó phòng một công ty lớn ở TP.HCM (thuộc nhà nước). “Khi ấy tuổi tôi còn trẻ, bản thân tôi có nhân thân tốt, học hành đàng hoàng và trời cho khả năng tư duy sáng tạo nên các nhiệm vụ cơ quan giao tôi đều hoàn thành một cách xuất sắc. Khi được đề bạt, bộ phận tổ chức cho rằng tôi chưa có bằng thạc sĩ nên chưa thể đảm nhận được công việc. Vì sốt ruột, tôi đã chạy một cái bằng thạc sĩ giả để nộp”.

Sự việc bại lộ, anh Cường cay đắng xin rút lui khỏi danh sách cơ cấu. Đi đâu nghe chuyện thạc sĩ giả tự nhiên thấy chột dạ. Nghe ai gọi tên kèm theo "học vị" thạc sĩ tim bỗng giật thót. “Đọc báo thấy nói chuyện thạc sĩ, lòng tôi cảm thấy nhục nhã và xấu hổ ê chề. Tôi khuyên các bạn trẻ, hãy cố gắng học tập thật tốt chứ đừng làm những chuyện mua bằng cấp. Phải đi bằng đôi chân và trí óc của mình thì sau này mới tốt được” - anh Cường tâm sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem