Đầu năm, bàn chuyện liên kết vùng

Nam Cường – Công Xuân – An Sơn Thứ hai, ngày 06/02/2017 14:11 PM (GMT+7)
Đầu năm mới Đinh Dậu (2017), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm và làm việc với 4 tỉnh miền Trung, gồm TT Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Quảng Nam. Với thông điệp mạnh mẽ, câu chuyện phát triển liên kết vùng một lần nữa được Thủ tướng nhắc đến, như một nhắc nhở các lãnh đạo địa phương cần tăng tính liên kết nhiều hơn nữa…
Bình luận 0

Vẫn là “đường ai nấy đi”

Không khó để nhận ra ở 4 địa phương Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi, hiện chỉ có 3 tỉnh phía Nam đang sở hữu những nhà đầu tư mang tính chiến lược, trọng tâm, góp phần lớn doanh thu cho tỉnh. Trong khi đó, với nhà máy bia (Huda), nhiều năm qua TT Huế vẫn chưa “trình làng” được một nhà đầu tư nào có tính chiến lược, là “quả đấm thép” tạo nên cú hích doanh thu, cỡ như NMLD Dung Quất (Quảng Ngãi), Thaco Trường Hải (Quảng Nam) hoặc SunGroup (Đà Nẵng). Và câu chuyện liên kết vùng, đặc biệt là du lịch giữa các địa phương sau bao nhiêu năm vẫn đang còn tình trạng “đường ai nấy đi”.

img

    Hải Vân quan sắp tới sẽ được đầu tư mạnh mẽ.   ảnh: Nam Cường

Làm việc tại Quảng Ngãi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, 2 tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và TP Đà Nẵng cần kết hợp làm một bằng chương trình hành động cụ thể, sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền trong tổ chức thực hiện, để cùng nhau tạo thêm sức mạnh lớn hơn trong phát triển kinh tế khu vực những năm sắp đến. Quảng Ngãi cần phải có thêm nhiều chính sách ưu đãi để kêu gọi các dự án lớn. Việc kêu gọi đầu tư phải đảm bảo yếu tố môi trường. Cụ thể hóa những ưu tiên phát triển cho Quảng Ngãi, đồng thời tăng thêm tính liên kết, Thủ tướng Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua danh mục các Dự án đầu tư đầu tư cho miền Trung, trong đó riêng Quảng Ngãi có cầu Cửa Đại, cùng với việc khơi thông tuyến ven biển sẽ tạo thêm nhiều động lực cho địa phương phát triển kinh tế …

Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Bộ Chính trị đã có nghị quyết đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước, trong đó chú trọng tỉnh trọng điểm du lịch là Thừa Thiên - Huế. Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các cấp, ngành của tỉnh phải chỉ đạo cụ thể hơn, quyết liệt hơn, rõ nét hơn để Huế trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn, nổi tiếng trên bản đồ du lịch thế giới.           Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cũng như các địa phương trong vùng, du lịch Thừa Thiên- Huế muốn phát triển cần phải có sự kết nối với các tỉnh, thành phố liền kề. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các địa phương cùng nhau hình thành một không gian phát triển du lịch thống nhất. Hiện các tỉnh, thành miền Trung đang dần hình thành một không gian kinh tế, không gian phát triển du lịch nối liền. Đây là cụm điểm đến cần được đầu tư mạnh mẽ hơn nhằm tạo nên sự kết nối, tương trợ để cùng nhau phát triển.

Từ năm 2007 đến nay, ba địa phương gồm Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam đã liên kết phát triển du lịch bằng mô hình “Ba địa phương- một điểm đến”. Qua sự liên kết này, ba địa phương đã tổ chức xúc tiến, quảng bá du lịch tại các thị trường quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, xúc tiến mở thêm các đường bay để mở rộng quảng bá các sản phẩm du lịch của từng địa phương. Đáng chú ý là chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch hằng năm với chủ đề "Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam- Điểm đến của thiên đường biển đảo và di sản thế giới" đến thị trường trong nước và quốc tế. Sự liên kết này được đánh giá là tốt nhất Việt Nam hiện nay và đã góp phần thu hút lượng lớn du khách đến các địa phương này.

Mặc dù đã mang lại những kết quả tích cực nhưng mô hình liên kết “Ba địa phương- một điểm đến” vẫn còn nhiều bất cập. Theo ông Lê Hữu Minh- Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Thừa Thiên- Huế, sự liên kết phát triển du lịch giữa tỉnh này với Đà Nẵng, Quảng Nam mới chỉ dừng lại ở cấp độ các cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội du lịch cùng nhau xúc tiến quảng bá, tổ chức các đoàn famtrip (chương trình du lịch miễn phí mang tính chất tìm hiểu, tiếp thị), trao đổi kinh nghiệm quản lý, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực. Điều quan trọng nhất là sự liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch để tạo ra sản phẩm dùng chung cho ba địa phương thì lại còn rất yếu, do doanh nghiệp chưa thực sự bắt tay với nhau. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, sẽ có những thay đổi mạnh mẽ về liên kết vùng trong thời gian tới, đặc biệt về du lịch và nông nghiệp như gợi ý của Thủ tướng. “Ví dụ bảo tồn, khai thác Hải Vân quan chẳng hạn. Hiện Đà Nẵng và Huế đang khẩn trương bắt tay cùng làm. Đây là điểm đến của du khách trong ngoài nước, là điểm nhấn Hàng lang kinh tế Đông – Tây, nếu được đầu tư, sẽ là một nơi hấp dẫn”. Được biết bao năm nay, Hải Vân quan hoang phế, chưa được chú trọng đầu tư một phần bởi chưa có sự đồng nhất quan điểm giữa 2 tỉnh TT Huế và Đà Nẵng.

Doanh nghiệp nói gì?

img

Trả lời câu hỏi của PV báo NTNN, đa số doanh nghiệp 4 tỉnh miền Trung đều cho rằng, một trong những rào cản lớn hiện nay trong việc liên kết phát triển du lịch giữa Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam là chưa có sự thống nhất về cơ chế chính sách của ba địa phương. Đơn cử như cơ chế chính sách về giao thông, dịch vụ mỗi địa phương thực hiện một kiểu.

Xung quanh vấn đề này, ông Đặng Minh Trường (ảnh) – Phó Chủ tịch HĐQT, TGĐ Sun Group chia sẻ ít nhiều về kinh nghiệm cũng như hướng phát triển liên kết du lịch.

PV: Trở về nước và đặt dấu ấn tại Đà Nẵng năm 2007, tròn 10 năm phát triển ở miền Trung và cả nước, Sun Group đã tạo được dấu ấn to lớn, đặc biệt về du lịch, xin ông cho biết những thành tựu, thuận lợi và khó khăn khi kinh doanh du lịch ở miền Trung nói riêng và cả nước nói chung? Ví dụ như môi trường đầu tư, chính sách mời gọi, hành lang pháp lý…?

Ông Đặng Minh Trường: Trở về Việt Nam và chọn Đà Nẵng là nơi khởi nghiệp, với tâm nguyện đóng góp vào sự phát triển của đất nước, thúc đẩy những vùng đất giàu tiềm năng nhưng chưa được khai thác đúng tầm, Sun Group chọn Du lịch nghỉ dưỡng, Vui chơi giải trí và Bất động sản cao cấp làm lĩnh vực đầu tư chính. Sun Group đã kiến tạo nên những công trình tạo dấu ấn cho phát triển du lịch như: InterContinental Da Nang Sun Peninsula Resort- duy nhất trên thế giới ba năm liền đạt giải thưởng “Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới” của World Travel Awards, Bà Nà Hills hai năm liên tiếp được Tổng Cục du lịch trao tặng danh hiệu “Khu du lịch hàng đầu Việt Nam”, hay Asia Park- công viên đã tạo nên biểu tượng Sunwheel cho Đà Nẵng… Sun Group đã chính thức khai trương Khu nghỉ dưỡng 5 sao ++ đầu tiên tại Nam Phú Quốc: JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay hứa hẹn sẽ mang lại nhiều giải thưởng quốc tế. Những dự án du lịch mà chúng tôi đã và đang thực hiện tại Sa Pa, Hạ Long đã góp phần đánh thức tiềm năng và thay đổi diện mạo du lịch của các địa phương, đem đến cho người dân những cơ hội mới.

Chính vì lẽ đó, ở tất cả các vùng đất nơi Sun Group đặt chân đến, chúng tôi đều được chính quyền địa phương và người dân ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi hết sức, đặc biệt là tại Đà Nẵng. Có lẽ không cần phải nói nhiều hơn về những thành tựu, thuận lợi trong việc kinh doanh du lịch ở Miền Trung, mà cụ thể là ở Đà Nẵng, bởi những gì mà chúng tôi làm được tại đây suốt thời gian qua là minh chứng rõ rệt nhất.

Tại các vùng đất khác nơi có dự án du lịch của Sun Group, chúng tôi cũng được tạo mọi điều kiện thuận lợi về hành lang pháp lý, môi trường đầu tư kinh doanh… Trong danh sách mời gọi đầu tư cho du lịch của các địa phương, Sun Group luôn vinh dự nằm trong top các nhà đầu tư hàng đầu. Phát triển ngành công nghiệp không khói mang lại nhiều lợi ích cho người dân và địa phương thì lãnh đạo các tỉnh thành phố đều đã nhìn thấy. Nhưng quan trọng hơn, họ đã thấy sự chuyên nghiệp, “chất lượng, đẳng cấp và sự khác biệt” trong mỗi dự án của chúng tôi, và đó là lý do họ luôn tin tưởng khi mời gọi Sun Group đầu tư. Niềm tin ấy cho chúng tôi thêm động lực để tạo nên những dự án, những công trình đưa du lịch Việt Nam vươn ra thế giới.

PV: Dưới góc nhìn của một Doanh nghiệp, ông thấy bài toán liên kết vùng nên được phát triển như thế nào đối với các tỉnh Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và cả miền Trung?

Ông Đặng Minh Trường: Nhìn từ góc độ của một doanh nghiệp làm du lịch, chúng tôi cũng như nhiều doanh nghiệp khác đều nhận thấy rõ tiềm năng du lịch của các tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi… là vô cùng lớn, chúng ta cần tạo nên được những sản phẩm du lịch độc đáo xứng tầm để hấp dẫn du khách tới, đem đến những lợi ích cho cộng đồng địa phương.

Nếu chỉ dựa vào những gì mà thiên nhiên ban tặng thì dù cho miền Trung có giàu tiềm năng du lịch đến đâu chăng nữa cũng vẫn không thể tạo cho mình một sự khác biệt được. Chính vì vậy, việc tập trung đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí có chất lượng cao và đẳng cấp quốc tế nên được xem là một chiến lược. Ngoài ra, các tỉnh miền Trung rất cần có sự hợp tác chặt chẽ và trong việc xây dựng những không gian kinh tế du lịch vùng, kết nối các tour, tuyến, điểm, các khu du lịch để đa dạng hóa các loại hình du lịch (du lịch biển đảo, núi, du lịch di sản văn hóa…) bởi các địa phương này đều có những điểm chung nhất định về tiềm năng du lịch.

Một điều quan trọng nữa là việc liên kết vùng trong tổ chức các sự kiện du lịch, festival. Huế có Festival Huế có thể coi là thương hiệu, Nha Trang có Festival biển, Đà Nẵng năm nay sẽ có Lễ hội pháo hoa và sẽ được tổ chức thường niên, kéo dài hai tháng, hứa hẹn trở thành một thương hiệu quốc tế… Nếu có sự liên kết trong việc đưa du khách tới lễ hội và du lịch theo một tour miền Trung thì có lẽ hiệu quả sẽ cao hơn việc chỉ đến Đà Nẵng hay Huế và trải nghiệm lễ hội.

Trở về nước và đặt dấu ấn tại Đà Nẵng năm 2007, tròn 10 năm phát triển ở miền Trung và cả nước, SunGroup đã tạo được dấu ấn to lớn, đặc biệt về du lịch. Đến nay, SunGroup đã kiến tạo nên những công trình tạo dấu ấn cho phát triển du lịch như: InterContinental Da Nang Sun Peninsula Resort - duy nhất trên thế giới 3 năm liền đoạt giải thưởng “Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới” của World Travel Awards, Bà Nà Hills hai năm liên tiếp được Tổng cục Du lịch trao tặng danh hiệu “Khu du lịch hàng đầu Việt Nam”, hay Asia Park là công viên đã tạo nên biểu tượng Sunwheel cho Đà Nẵng… 
 

PV:  Những kỳ vọng về du lịch và các sản phẩm du lịch trong năm mới của Sun Group?

Ông Đặng Minh Trường: Năm 2017 và những năm tới, riêng tại Đà Nẵng, Tập đoàn Sun Group sẽ triển khai nhiều dự án mới với quy mô lớn để mang đến cho người dân và du khách nhiều không gian công cộng mới. Tại các địa phương khác như Lào Cai, Quảng Ninh… các dự án của Sun Group vẫn đang tiếp tục. Tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc chúng tôi vừa khởi công dự án Khu du lịch sinh thái Tam Đảo cuối năm vừa qua. Với thủ đô Hà Nội, dự án công viên Kim Quy cũng đang được triển khai. Ở Cát Bà, Sun Group sẽ xây dựng một khu du lịch sinh thái thông minh…

Bằng việc chọn du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí làm lĩnh vực đầu tư, chúng tôi đặt kỳ vọng rất lớn vào du lịch Việt Nam. Chúng tôi luôn hy vọng, và bằng mọi nỗ lực của mình để tạo nên những sản phẩm du lịch có chất lượng cao nhất, góp phần ghi danh Việt Nam lên bản đồ du lịch cao cấp của thế giới. 

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem