Vô tình thấy 2 con ốc đi lạc, một người Đồng Tháp gây dựng cơ ngơi tiền tỷ, cả phường phục lăn
Vô tình thấy 2 con ốc đi lạc, một anh kỹ sư Đồng Tháp gây dựng cơ ngơi tiền tỷ, khiến cả phường phục lăn
Thứ bảy, ngày 03/12/2022 14:48 PM (GMT+7)
Thu về khoảng trăm triệu đồng mỗi tháng, mô hình khởi nghiệp với sản phẩm ốc gác bếp, hay còn gọi là nghề “ru ốc ngủ” của anh Lê Hồng Lâm (SN 1983) ngụ phường Hòa Thuận, TP Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) giúp gia đình anh có thu nhập ổn định.
Đồng thời mô hình "ru ốc ngủ", kinh doanh ốc đặc sản lạ của anh Hồng Lâm còn quảng bá loại đặc sản ốc gác bếp của quê nhà Đồng Tháp đến gần hơn với bạn bè phương xa...
Ý tưởng khởi nghiệp từ 2 con ốc lác “đi lạc” vào bếp
Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Hóa phân tích, anh Lê Hồng Lâm thử sức với nhiều công việc tại các doanh nghiệp. Đến cuối năm 2014, anh Lâm quyết định chuyển về công tác tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp để tiện bề chăm lo cho gia đình.
Cứ ngỡ anh sẽ gắn bó với công việc ở trường đến lúc về hưu nhưng bất ngờ đến cuối năm 2020, anh Lâm lại quyết định nghỉ việc để khởi nghiệp với mô hình làm ốc gác bếp.
Kể về cơ duyên gắn bó với nghề “ru ốc ngủ” anh Lê Hồng Lâm - “cha đẻ” của thương hiệu “Ốc gác bếp Tình quê” chia sẻ: “Khoảng năm 2017, trong một dịp đi thăm người bạn quê ở An Giang, tôi mua ít ốc lác về ăn.
Về đến nhà, do buộc túi không cẩn thận nên ốc bò lang thang khắp nhà. Sau đó, khoảng hơn nửa năm sau, trong một lần dọn dẹp nhà, tôi phát hiện 2 con ốc lác “đi lạc” ngày trước gần dưới góc bếp vẫn còn sống và đang trong tình trạng ngủ vùi.
Chính phát hiện này, khiến tôi nhớ lại ngày xưa, sau mỗi mùa mưa, ba tôi hay ra đồng bắt cả bao ốc về tuyển lựa cẩn thận rồi làm ốc gác bếp để dành ăn, đãi khách vào những dịp lễ, Tết. Nhớ lại cách làm của ba, tôi mày mò làm lại món ốc gác bếp của tuổi thơ năm nào”.
Kể từ thời điểm đó, khi đến kỳ lĩnh lương, anh Lê Hồng Lâm lại trích một phần lương để mua ốc lác về làm thử nghiệm ốc gác bếp.
Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nên trong những lần thử nghiệm ốc bị chết và ốc không chịu “ngủ”.
Qua mỗi lần thất bại, anh Lâm hiểu hơn về tập tính của loài ốc và cuối năm 2019 mẻ ốc gác bếp đầu tiên của anh Lâm đã thành công.
Theo anh Lâm, chỉ có ốc lác mới có thể làm ốc gác bếp ngon và bảo quản trên cạn được lâu.
Ốc lác được bắt vào cuối mùa mưa khi ốc đã ăn và tích trữ đủ nguồn dinh dưỡng chuẩn bị cho kỳ ngủ vùi dài ngày.
Anh Lê Hồng Lâm bên mô hình ốc gác bếp của mình tại cơ sở làm ốc lác gác bếp của gia đình ở phường Hòa Thuận, TP Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp).
Sau mẻ ốc gác bếp thành công đầu tiên, anh Lâm phấn khởi mang biếu tặng bạn bè và đồng nghiệp. Mọi người đều tấm tắc khen ngợi, khuyên anh Lâm làm nhãn hiệu và phát triển thương mại cho sản phẩm này. Kể từ đó, thương hiệu “Ốc gác bếp Tình quê” chính thức ra mắt thị trường.
Để sản phẩm ốc lác gác bếp thân thiện hơn với môi trường, anh Lâm sử dụng nhiều loại bao bì có nguồn gốc thiên nhiên
Xây phòng “ru ốc ngủ”
Ban đầu, anh Lâm chỉ sản xuất ốc gác bếp thủ công với quy mô nhỏ. Trung bình mỗi tháng, anh Lâm sản xuất khoảng vài trăm ký ốc gác bếp thành phẩm để cung cấp cho hệ thống các nhà hàng và khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Sau nhiều lần tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại trong và ngoài tỉnh, anh Lâm nhận thấy, sản phẩm ốc gác bếp được thị trường đón nhận tích cực nên năm 2021, anh mạnh dạn mở rộng qui mô sản xuất.
Tuy nhiên, từ ý tưởng đến thực tế không phải là chuyện dễ dàng. Để nắm rõ tập tính của loài ốc, anh Lâm trút hết vốn liếng đào ao nuôi ốc. Đồng thời mày mò nghiên cứu máy móc thiết bị để xây dựng phòng “ru ốc ngủ” theo môi trường giả lập ngoài tự nhiên.
Giai đoạn đầu, do chưa nắm được nguyên lý nên số lượng ốc hao hụt khá nhiều, có lúc lên đến vài tấn khiến cho anh Lâm rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Khi vốn liếng lần lượt “đội nón ra đi”, đến đầu năm 2022, sau nhiều lần đúc kết kinh nghiệm, mô hình “ru ốc ngủ” theo quy trình công nghiệp của anh Lâm bắt đầu thu được “quả ngọt” đầu tiên.
Theo anh Lâm, trong sản xuất ốc gác bếp, khâu “ru ốc ngủ” là công đoạn quan trọng nhất. Ốc sau khi được tuyển lựa kỹ lưỡng sẽ được đưa vào phòng “ru ngủ”. Trong phòng này, nhiệt độ lý tưởng để ốc ngủ rơi vào khoảng từ 27 - 34oC, độ ẩm dưới 50% giúp ốc ngủ nhanh và tỉ lệ đạt hơn so với cách làm truyền thống.
Sau khi bước qua giai đoạn ru ngủ khoảng 3 ngày, ốc sẽ được mang ra môi trường bên ngoài để tiếp tục bước vào giai đoạn ngủ sâu. Trong giai đoạn này thường mất khoảng từ 3 - 4 tháng để ốc ổn định, chuyển hóa năng lượng tích trữ, nuôi thân, vỏ.
Sản phẩm ốc gác bếp được đánh giá đạt chất lượng và có thể xuất bán khi thịt ốc trắng, vỏ mỏng, trọng lượng giảm khoảng 10-20%.
Ốc gác bếp thành phẩm có thể bảo quản từ 3 tháng đến 1 năm ở nhiệt độ phòng. Với ưu điểm thịt trắng, thơm ngon, sản phẩm khô ráo dễ bảo quản nên hiện nay sản phẩm ốc gác bếp với nhãn hiệu “Ốc gác bếp Tình quê” của anh Lâm được thị trường ưa chuộng.
Hiện tại, trung bình mỗi tháng, anh Lâm cung cấp cho thị trường khoảng từ 1,5 - 2 tấn ốc gác bếp thành phẩm. Sau khi khấu trừ các khoản chi phí đầu vào, anh Lâm lãi từ 50 triệu - 100 triệu đồng. Để chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán 2023, anh Lâm chuẩn bị khoảng 5 tấn ốc gác bếp thành phẩm phục vụ người tiêu dùng.
Nhằm giúp sản phẩm ốc gác bếp nâng cao giá trị, anh Lâm đang nghiên cứu cho ốc đã ngủ ngâm qua các dưỡng chất từ thiên nhiên, sau đó, tiếp tục cho ốc ngủ lại lần 2. Bằng cách làm này sẽ giúp người tiêu dùng thưởng thức được đa dạng nhiều loại hương vị mới lạ từ món ốc gác bếp dân dã.
Ngoài ra, nhằm tạo cho người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn, hiện anh Lâm đang nghiên cứu hoàn thiện quy trình ngủ vùi cho một số loại ốc nước ngọt đặc sản khác như: ốc bươu, ốc đắng...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.