Đây là mô hình trồng hạnh nhân, hoa cải dầu, trồng nho ở một trang trại khổng lồ bên nước Úc

Lại Trọng Tình (Úc) Thứ bảy, ngày 24/02/2024 12:11 PM (GMT+7)
Tôi ngồi xuống bờ cỏ, lưng dựa vào bức tường rêu phong đã đổ nát của Đình Tây, nhìn về phía cánh đồng xa xa. Đất Úc rộng, nhiều vùng rất khô cằn và toàn sỏi đá. Rất nhiều nơi canh tác được hay không hoàn toàn nhờ cả vào trời. Nhưng đã là đất nông trại thì không có đất bỏ hoang.
Bình luận 0

 Không gian dậy lên một màu xứ sở. Có mùi bùn non thoảng qua. Lúp xúp dưới bờ mương, thím Sậu đang mói bùn be bờ làm làn trồng khoai nước. Trong cái lạnh khoét vào xương của mùa đông Bắc Bộ, hình ảnh người phụ nữ như một làn hơi ấm, tần tảo báo xuân về...

Hôm nay hóa ra là một ngày hè ở xứ Nam xa xôi. Tôi, Phi và Hiếu nhận đi trồng một ruộng nho mới hơn ba ngàn hốc cho nhà Phillip. Trời mùa hè bỏng rát trên đất pha cát Mc Laren Vale. Ba anh em khô khát trong gió nóng, mà những gốc nho mới trồng thì ngược lại, thỏa thuê trong nước nhểu xuống đều đặn từ ống nước giăng bên trên. Đất màu gặp nước sình lên, mỗi lần vun gốc là bám riết lấy đôi ủng. Trưa nắng, đất dính càng làm cho những bước chân tha hương thêm nặng nề.

Giờ nghỉ trưa, chúng tôi chọn một gốc bạch đàn cổ thụ để dựa lưng và nương bóng. Cả lũ uể oải nhìn hộp cơm, chỉ có mấy chai nước là gần cạn. Đêm qua thức khuya, sáng lại dậy sớm để lái xe đón mấy anh em cùng làm, tôi thiếp đi lúc nào không biết. Và trong giấc mơ đột xuất giữa trưa nắng mùa hè, tôi đã thấy lại mùi bùn quen thuộc của đồng chiêm.


Đây là mô hình trồng hạnh nhân, hoa cải dầu, trồng nho ở một trang trại khổng lồ bên nước Úc- Ảnh 1.

Lao động Việt cắt cành nho. T.T

Đây là mô hình trồng hạnh nhân, hoa cải dầu, trồng nho ở một trang trại khổng lồ bên nước Úc- Ảnh 2.

Guy Adam - chủ nông trại 200ha, thế hệ làm nông thứ 5 trong gia đình. T.T

Đây là mô hình trồng hạnh nhân, hoa cải dầu, trồng nho ở một trang trại khổng lồ bên nước Úc- Ảnh 3.

Hoa hạnh nhân. T.T

Đây là mô hình trồng hạnh nhân, hoa cải dầu, trồng nho ở một trang trại khổng lồ bên nước Úc- Ảnh 4.

Vùng nho Mc Laren Vale, Nam Úc. T.T

Đây là mô hình trồng hạnh nhân, hoa cải dầu, trồng nho ở một trang trại khổng lồ bên nước Úc- Ảnh 5.

Nông trại hoa cải dầu (canola) ở Úc. T.T

Đất Úc rộng, nhiều vùng rất khô cằn và toàn sỏi đá. Rất nhiều nơi canh tác được hay không hoàn toàn nhờ cả vào trời. Nhưng đã là đất nông trại thì không có đất bỏ hoang. Sức người và tình yêu với đất dường như không giới hạn. Từ đó, cây cối đơm hoa kết trái.

Ai từng biết đến mùi bùn non ở đất trũng chiêm khê mùa thối, sẽ khó quên lắm. Lâu mấy thì lâu, xa bao nhiêu thì xa, mùi quê ấy vẫn hằn sâu trong tâm trí để nỗi nhớ quê khi nó cồn lên trong dạ, sẽ thấy thoang thoảng vị bùn - vị khó - vị thương.

Mà không phải chỉ có người vùng chiêm trũng nhớ bùn non, người trung du nhớ ngọt của nâu sẫm đất đồi, người trung nhớ vị đắng của khô cằn đá dốc, người miệt thứ nhớ mịn màng của phù sa... Ai cũng có một quê hương, ai cũng ghi trong tâm khảm một màu, một mùi của Đất, vì Đất là Mẹ, là nơi ấy ta sinh ra, trưởng thành, nơi ấy có người ở lại, có người ra đi, rồi trở về. Và cuối cùng tất cả đều trở về!

...

Phía ngoài làn khoai nước trên dệ mương, thím Sậu cắm dặm ít ngọn rau muống. Thức ăn cho lợn và thức ăn cho người sẽ vượt cạn cùng lớn lên. Có đất, có nước, và có sự chịu thương chịu khó của người nông dân sẽ đem mùa xuân về.

Tôi bước thấp bước cao, chân trần dẫm lên những phiến đá xanh lạnh buốt, băng qua những ngày cuối đông, về nhà. Những vệt bùn non nhểu từ bờ ao bà Lãng vào tới sân. Thì ra hôm nay bố mói bùn để đổ mạ trên sân. Từ ngày mẹ mất, nhà hơn mẫu ruộng chỉ còn mình bố. Trời lạnh, thân đơn.

Mấy gánh bùn non đã được trang khắp mặt sân. Đợi khi se mặt, mộng mạ sẽ được gieo xuống để qua Tết sẽ có mạ non đơm đon cấy xuống...

Cấy như tôi và thằng Phi vừa cắm gốc nho con xuống cái lỗ mới đào dưới trời nóng rát kia. Bắc bán cầu thì mùa đông - Nam bán cầu lại giữa hạ. Không phải là sự tương đồng về thời gian, mà là sự tương đồng về khó nhọc. Sao cây trái, vụ mùa cứ nhất định phải chọn lúc khắc nghiệt mà đòi xuống giống. Phải chăng vì cây trái thương người nông dân, nên dẫu lạnh buốt hay nắng bỏng, cũng xuống đồng để không phụ rẫy người chăm, hay là ông trời muốn thử mức độ chịu thương chịu khó của người làm ruộng trên khắp trái đất này.

"Mồ hôi mà đổ xuống đồng

Lúa mọc trùng trùng sáng cả đồi nương" (Thanh Tịnh)

Cách mùa đông Bắc Bộ - nơi thím Sậu và bố tôi mói bùn làm nương khoai, sân mạ hơn 7.000km, ở Virginia - Nam Úc cũng có những nông dân người Việt đang giam mình cả ngày trong những nhà bầu trồng dưa, cà, ớt. Ngoài trời gió nóng hầm hập thổi từ sa mạc, trong nhà quây kín bằng nylon còn nóng hơn.

Người Việt Nam khi đặt chân tới đất Úc mang theo kinh nghiệm canh tác của vùng nhiệt đới, rõ ràng đã đưa trình độ thâm canh lên một đẳng cấp mới. Người Việt tới, đã phát triển những nhà vườn mở nhỏ lẻ thành nhà kính, rồi nhà bầu, rồi nhà bầu trồng thủy canh. Thế hệ thứ hai của những di dân Đông Dương ở Virginia bây giờ đa số là chủ nhân của những nhà vườn thủy canh có giá trị đầu tư triệu đô la

Những người chủ nông trại (farm) ở Úc quả thật họ có tình yêu với công việc khiến cho một người nửa vời như tôi rất khó hình dung. Ở đây, các chủ điền trang luôn là những người làm việc nhiều nhất và giỏi nhất. Chúng tôi thường gọi đùa họ là những người "đẻ ra ở trên farm". Sáng sớm khi nhân công làm thuê chưa tới, họ đã có mặt chuẩn bị mọi nông cụ cần thiết; chiều muộn, khi người làm đã ra về hết, họ vẫn quần quật thu dọn, rửa đồ và chuẩn bị xe máy cho ca tối ở trong khu vực đóng gói và bảo quản. Ngày làm việc của một chủ nông trại không bao giờ dưới mười tiếng… và triền miên như vậy mùa này qua mùa khác. Sự nghỉ ngơi nếu có, chỉ là vài ba ngày lái xe đưa vợ con đi cắm trại mùa hè, hoặc thăm bạn bè khi dịp Giáng sinh. Yêu đồng đất, yêu công việc và hầu như không có nhu cầu gì khác, chính họ, lớp cha trước, lớp con sau, làm cho đồng đất xứ Úc ngày thêm trù phú, mặc dù nhiều nghiên cứu khoa học đã khẳng định lớp đất màu của lục địa Úc là thấp nhất thế giới. Tất nhiên, những người nông dân Úc không cô độc trong hành trình đầy gian khó nhưng cũng rất tự hào của mình. Nghề nông là một nghề được kính trọng, và tất nhiên, luôn được giới khoa học và chính trị quan tâm.

Đồng đất Úc rộng bao la. Nam Úc - nơi tôi đang sống, có diện tích tự nhiên xấp xỉ 1 triệu km2, dân số toàn bang 1,8 triệu người - tức là "diện tích một bang của Úc bằng 3 lần cả Việt Nam, nhưng dân số thì chỉ bằng 1/25". Đất rộng thật và người thưa lắm. Để có những nông trang ngút ngàn tầm mắt và ngăn nắp đến tận chân rào, bờ đập, người nông dân Úc đã truyền đời cho nhau, có nơi tới thế hệ thứ năm rồi.

Năm thế hệ gắn với Đất. Cụ trồng nho, ông trồng nho, bố trồng nho, con trồng nho và cháu sẽ tiếp tục trồng nho. Nông trại táo, nông trại lê, nông trại rau... chỗ nào cũng cha truyền con nối. Ở Waterloo Corner có ông Danny - nông gia có tiếng toàn Nam Úc. Ông có 2 con trai, cậu cả Anthony học quản lý kinh tế để về thay bố làm giám đốc điều hành, cậu thứ hai - Christopher là tiến sĩ về nông học, cũng không phải để làm "ông nọ bà kia" mà để phát triển nông trại gia đình hiện đại hơn.

Ngẫm ra thì tình yêu với đất của người nông dân ở đâu cũng vậy. Không có ai yêu đất và hiểu đất bằng người nông dân. Nông thôn Việt Nam bây giờ, tình yêu với đất của những người nông dân chắc vẫn không thay đổi. Nhưng lại có quá nhiều những "bờ xôi ruộng mật" bỏ hoang, là vì chúng ta ngày càng thiếu vắng những người nông dân. Những chàng trai cô gái chân quê mang bùn non vào khu công nghiệp, như tôi mang sang bước thấp bước cao những sớm mùa đông theo các luống nho. Đất quê, ruộng cũ giờ để lại cho các bậc lão niên, còn tình nhưng không còn sức. Hoặc sang tay cho các xu thế thời trang "bỏ phố về vườn". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem