Đẩy mạnh thông tin đối ngoại về tình hình nhân quyền nhằm nâng cao vị thế Việt Nam
Đẩy mạnh thông tin đối ngoại về tình hình nhân quyền nhằm nâng cao vị thế Việt Nam
V.N
Thứ tư, ngày 07/08/2024 17:01 PM (GMT+7)
Việt Nam chủ trương thúc đẩy đối thoại và hợp tác về nhân quyền, không chính trị hoá. Với các nước, Việt Nam sẵn sàng trao đổi, hợp tác trên các vấn đề cùng quan tâm với cả các nước phương Tây và các nước đang phát triển, đồng quan điểm. Với các cơ chế nhân quyền, Việt Nam thể hiện thiện chí đối thoại, hợp tác.
Ngày 7/8, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ phối hợp với Tỉnh ủy Hòa Bình tổ chức Hội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại và nhân quyền năm 2024 cho lãnh đạo, cán bộ tại 14 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ và đại diện một số cơ quan báo chí.
Tại Hội nghị, Đại diện Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ đã trình bày các báo cáo, tham luận chuyên đề về việc triển khai nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Nghị quyết số 47/NQ-CP ngày 15/4/2024 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ đến năm 2030 thực hiện Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị gắn với đặc thù của 14 tỉnh, thành phố khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ; những nội dung cốt lõi, trọng tâm trong Kết luận số 71-KL/TW ngày 16/2/2024 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ, giải pháp lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng được nghe chuyên đề về quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề quyền con người; thành tự bảo đảm quyền con người ở Việt Nam; ứng xử của Việt Nam đối với vấn đề nhân quyền tại các diễn đàn đa phương, định hướng công tác nhân quyền trong thời gian tới, nhấn mạnh trọng tâm công tác thông tin đối ngoại về nhân quyền.
Chủ động tham gia đối thoại, hợp tác quốc tế về nhân quyền
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Vũ Minh, Phó Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã chủ động tích tham gia tất cả các diễn đàn LHQ về quyền con người, đặc biệt ta đã từng là thành viên UBNQ (2000-2003), 2 lần làm thành viên HĐNQ (2014-2016, 2023-2025), 02 lần làm thành viên ECOSOC (1998-2000, 2016-2018)… Việt Nam đang tích cực tham gia HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025, với 8 lĩnh vực ưu tiên để thúc đẩy hợp tác.
Đối với các vấn đề chung, ta chủ trương thúc đẩy đối thoại và hợp tác, không chính trị hoá. Với các nước, ta sẵn sàng trao đổi, hợp tác trên các vấn đề cùng quan tâm với cả các nước phương Tây và các nước đang phát triển, đồng quan điểm để đề cao mặt hợp tác, tăng cường quan hệ và nâng cao vị thế, uy tín của ta. Với các cơ chế nhân quyền, ta thể hiện thiện chí đối thoại, hợp tác.
Việt Nam cũng đã chủ động có nhiều đóng góp thực chất với các sáng kiến cụ thể, được đông đảo các nước trên khắp các khu vực ủng hộ. Việt Nam còn có cơ chế đối thoại song phương cấp Vụ trưởng hằng năm với một số nước, đối tác, hiện là với Mỹ, EU, Australia; thường xuyên trao đổi, tiếp xúc với Mỹ và các nước phương Tây về vấn đề dân chủ nhân quyền; có cơ chế trao đổi hằng năm nhóm nhóm G4 (Canada, Na Uy, Thuỵ Sỹ, New Zealand) ở cấp Đại sứ tại Hà Nội; duy trì trao đổi, tham vấn định kỳ với các nước Nga (hằng năm): với Trung Quốc, Lào (dù chưa chính thức thể chế hoá) để cùng chia sẻ kinh nghiệm, quan tâm trong lĩnh vực này.
Ông Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình cho biết, Ban Chỉ đạo thông tin đối ngoại tỉnh đã biên soạn, phát hành 1.000 Cuốn Sổ tay công tác thông tin đối ngoại.
Ban Chỉ đạo nhân quyền tỉnh đã chủ động trong công tác tham mưu cho chính quyền các cấp triển khai các chính sách, pháp luật về bảo đảm, thúc đẩy quyền con người; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội; chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, nâng cao cảnh giác, phát hiện âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền trên địa bàn tỉnh; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, cũng như quyền của đồng bào dân tộc được bảo đảm và quan tâm.
Ban Chỉ đạo nhân quyền tỉnh cũng đẩy mạnh lồng ghép các nguồn lực để đầu tư; huy động các nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ cho các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh; tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đổi mới tư duy, phương thức triển khai công tác thông tin đối ngoại
Đánh giá một năm triển khai Kết luận số 57-KL/TW về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TTĐN trong tình hình mới, ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Ban Ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng, Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố đã nghiêm túc quán triệt, nghiên cứu, cụ thể hoá, tham mưu ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện một cách đồng bộ các nội dung của Kết luận, đặc biệt là 5 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm theo đúng phương châm "Chủ động, đồng bộ, kịp thời, sáng tạo, hiệu quả".
Tuy nhiên, thông qua các báo cáo và khuyến nghị, đề xuất của các tỉnh, thành phố, công tác thông tin đối ngoại nói chung và hoạt động của các Ban Chỉ đạo nói riêng còn một số hạn chế, cần khắc phục trong thời gian tới.
Chúng ta đang ở giai đoạn quan trọng chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng cùng với việc đảm nhiệm trọng trách trên bình diện quốc tế, đặc biệt là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (nhiệm kỳ 2023-2025) và tái ứng cử nhiệm kỳ 2026-2028, thời cơ, thuận lợi đan xen mới những thách mới, trong đó sẽ có những luồng thông tin trái chiều, xuyên tạc tình hình trong nước.
Trong bối cảnh đó, Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị cần quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại, bảo đảm và thúc đẩy nhân quyền, đẩy mạnh thông tin đối ngoại về tình hình nhân quyền Việt Nam nhằm nâng cao hình ảnh, vị thế của đất nước.
Ngoài ra cũng cần tăng cường đổi mới tư duy và phương thức triển khai công tác thông tin đối ngoại; đẩy mạnh luồng thông tin, tuyên truyền về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người Việt Nam; những thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực nhân quyền.
Thực hiện công tác thông tin đối ngoại hướng vào việc đổi mới, sáng tạo trong nội dung và phương thức thông tin trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và chuyển đổi số.
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương cũng cho rằng chúng ta cần kiên quyết, kiên trì đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị; nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác nghiên cứu, dự báo và khả năng, cơ chế phản ứng nhanh trước những chuyển biến chiến lược của môi trường quốc tế và khu vực, đảm bảo thế chủ động, ưu thế trên mặt trận truyền thông trong nước và quốc tế.
Việc huy động mọi nguồn lực trên cả ba phương diện nhân lực, vật lực và tài lực, cả trong nước và nước ngoài sẽ phục vụ hiệu quả nhiệm vụ thông tin đối ngoại, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển vùng, phát triển đất nước mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.