Dạy nghề cho vùng chuyên canh

Thứ năm, ngày 14/07/2011 06:42 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Với phương pháp đào tạo “cầm tay chỉ việc”, chương trình kéo dài suốt mùa vụ, trực tiếp thực hành trên ruộng mẫu nên học viên rất nhớ và dễ áp dụng. Đó là cách dạy nghề trồng cây thuốc lá đang được áp dụng ở nhiều tỉnh thành.
Bình luận 0

Thu nhập tăng cao

Ngày 12.7, tại Bắc Giang, Tổng Công ty Thuốc lá VN và Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH) tổng kết mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng chuyên canh trồng cây thuốc lá giai đoạn 2009 –2011. Ông Nguyễn Ngọc Phi - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH nhận định, thực hiện Đề án 1956 về: “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, nghề trồng cây thuốc lá đã được dạy thí điểm cho lao động vùng chuyên canh với nội dung và chương trình đào tạo bài bản.

img
Cán bộ khuyến nông hướng dẫn bà con cách chăm sóc cây thuốc lá.

Trong vòng 3 năm, Tổng Công ty Thuốc lá VN phối hợp với Tổng cục Dạy nghề mở 65 lớp học cho 1.930 người. Trong đó các đối tượng chủ yếu là đồng bào dân tộc (chiếm 60%).

Điểm đặc biệt của các lớp học này là mở ngay tại các vùng sản xuất hoặc vùng quy hoạch phát triển sản xuất cây thuốc lá của các công ty thành viên thuộc Tổng Công ty Thuốc lá VN như Lạng Sơn, Lào Cai, Bắc Giang, Gia Lai… Nhờ dạy nghề bài bản, nhận thức của nhân dân các vùng chuyên canh cây thuốc lá nâng lên, bà con đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình trồng cây thuốc lá. Năng suất tăng từ 1,7 lên 2 tấn/ha. Thu nhập bình quân 50 triệu đồng/ha, 100% sản phẩm đạt tiêu chuẩn và tiêu thụ tốt.

Kinh phí đào tạo nghề thuốc lá trong giai đoạn 2009-2011 là khoảng 5 tỷ đồng trong đó ngân sách nhà nước là 3,85 tỷ đồng còn lại là kinh phí đối ứng của Tổng Công ty Thuốc lá.

Anh Đặng Đình Nguyên -nông dân xã Tân Thịnh (Lạng Giang, Bắc Giang) cho biết: “Chương trình đào tạo nghề tại địa phương đã giúp gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân khác hiểu biết về cây thuốc lá và áp dụng những kiến thức đã học vào việc gieo trồng, chăm sóc, thu hái, sấy thuốc lá. Do vậy mà năng suất tăng rõ rệt từ 65kg thuốc khô/sào tăng lên 80kg thuốc khô/sào. Thu nhập của gia đình tôi tăng thêm 4,2 triệu đồng/sào”.

Anh Phan Văn Cường (Cao Bằng) thì bày tỏ: “Tôi thấy cần phải tiếp tục mở các lớp học giúp bà con nắm bắt những tiến bộ kỹ thuật mới, có cơ hội tham quan và trao đổi kinh nghiệm trong nghề trồng cây thuốc lá để phát triển kỹ thuật đồng đều, chất lượng ổn định”.

Còn nhiều trăn trở

Tuy nhiên, khi tiếp cận với những nông dân đã từng học nghề, chúng tôi nhận thấy bà con phàn nàn nhiều vì thủ tục hồ sơ của lớp học còn quá nhiều, triển khai chưa đồng bộ. Trong khi đó, về phía các địa phương thì kêu việc vận động nông dân tham gia học nghề vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Kinh phí hỗ trợ cho nông dân tham gia lớp học còn thấp. Thời gian tổ chức các lớp học chưa đúng thời vụ. Địa bàn tổ chức lớp học còn phân tán, giao thông đi lại khó khăn gây trở ngại cho giáo viên và người dân. Lực lượng giảng viên đã qua đào tạo cho chương trình còn mỏng.

Ngành thuốc lá Việt Nam hiện cần trên 70.000 tấn nguyên liệu. Niên vụ 2009-2010, toàn ngành chỉ thu mua được 68.796 tấn nguyên liệu, vẫn còn hụt so với nhu cầu.

Để hạn chế tồn tại trên, ông Trần Văn Quang –Phó Giám đốc Công ty cổ phần Hoà Việt- một trong những đơn vị tham gia dạy thí điểm, khẳng định: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ kết hợp với chính quyền địa phương định hướng và lập kế hoạch cho phù hợp với điều kiện của từng địa phương, bố trí địa điểm học thuận lợi cho các học viên cả về lý thuyết và trên ruộng đồng”.

Thời gian tới (giai đoạn 2010-2015), Bộ LĐTBXH đặt mục tiêu tại vùng chuyên canh trồng cây thuốc lá, mỗi hộ nông dân sẽ có ít nhất 1 người được đào tạo nghề trồng cây thuốc lá với tổng số khoảng 200 lớp, mỗi lớp có (30 học viên/lớp) là các đối tượng chính sách và các đối tượng khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem