Dạy nghề để giữ nghề

Thứ ba, ngày 30/10/2012 10:00 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nghề may ở xã Mỹ Thắng (huyện Mỹ Lộc, Nam Định) đang thu hút hơn 80% số lao động địa phương, đem lại cuộc sống sung túc cho người dân nơi đây.
Bình luận 0

Đến đầu xã Mỹ Thắng, chúng tôi đã thấy những chuyến xe đang vận chuyển các kiện hàng lớn, nhỏ quần áo, chăn ga, gối, đệm... đi tiêu thụ.

img
Lao động làm việc tại cơ sở may Anh Thái.

50% GDP từ may

Ông Trần Công Tụ - Chủ tịch Hội ND xã Mỹ Thắng cho biết: "Nghề may ở đây đã có hơn 50 năm. Trước đây, bà con trong xã chủ yếu làm chăn ga, gối, đệm, nhưng nay sản phẩm may phong phú, đa dạng hơn".

Theo ông Tụ, từ khi sinh ra, hầu hết người dân Mỹ Thắng đã gắn bó với nghề may. Cha ông đi trước truyền cho con cháu đi sau. Sau khi học và tay nghề thành thạo, một phần lao động vào các xí nghiệp, công ty trong huyện làm, một phần ở lại xã mở các nhà may riêng rồi thuê nhân công về làm. Nếu như trước đây chỉ có vài chục hộ làm nghề may thì nay đã tăng lên 300 hộ, với 1.100 lao động. Xã có nhiều cơ sở may lớn, như Anh Thái, Anh Trang... Thu nhập từ nghề may chiếm 50% GDP của toàn xã. Các sản phẩm được ND làm ra tiêu thụ khắp các tỉnh trong cả nước và các nước Lào, Campuchia…

Vẫn theo ông Tụ, để nâng cao tay nghề cho lao động tại địa phương, tháng 9 vừa qua, Hội ND xã đã phối hợp Trung tâm Giáo dục cộng đồng, Sở LĐTBXH tỉnh mở lớp dạy may công nghiệp cho 35 học viên là con em trong xã để trang bị cho học viên kỹ năng về cắt may thời trang, tạo mẫu mã sản phẩm đẹp đáp ứng thị hiếu khách hàng.

Đi học cũng có thu nhập

Tới thăm cơ sở may Anh Thái, chúng tôi thấy công nhân đang hối hả, làm việc. Chị Trần Thị Thảo - chủ cơ sở cho biết: "Gia đình tôi làm nghề may hơn 10 năm nay. Ban đầu tôi đến các nhà may trong xã học nghề. Vừa học, vừa làm 3 năm, khi đã vững tay nghề, tôi mở nhà may riêng". Các mặt hàng chủ yếu của cơ sở là quần áo phục vụ từ người già đến trẻ em. Cơ sở của chị Thảo có 11 thợ, lương 3 triệu đồng/người/tháng.

Mỗi ngày chỉ riêng cơ sở Anh Thái đã may hàng trăm bộ quần áo. Thu nhập từ nghề đem về cho cơ sở hơn 200 triệu đồng/năm.

"Công nhân của chúng tôi khi học nghề cũng có lương, mỗi người đảm nhận một công đoạn may. Nghề này có thể làm bất kỳ thời gian nào trong ngày, không phụ thuộc vào thời tiết" - chị Thảo chia sẻ.

Ở Mỹ Thắng không chỉ phụ nữ mà nam giới cũng tham gia may. Anh Trần Trọng Anh (xóm 7) cho hay: "Các sản phẩm chủ yếu do mình tự tạo mẫu, rồi cắt may hoàn thiện.Từ nghề may, tôi là lao động chính nuôi sống cả gia đình".

Thời gian tới, Hội ND xã sẽ tổ chức nhiều lớp học nghề cho ND nâng cao tay nghề. “Nghề may trong tương lai vẫn chiếm tỷ trọng cao trong thu nhập của xã Mỹ Thắng" - ông Trần Công Tụ khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem