Trong tổng số 30.300 lao động nông thôn toàn tỉnh đã được đào tạo nghề, có 540 người có trình độ trung cấp, 7.175 người có trình độ sơ cấp, còn lại 22.585 người được đào tạo nghề thời hạn 3 tháng. Từ năm 2009 đến nay, Hội ND Thanh Hóa đã phối hợp Trường Cao đẳng Nghề nông nghiệp và phát triển nông thôn Bắc Bộ mở được 11 lớp trung cấp nghề cho hơn 500 lao động nông thôn về các nghề trồng trọt, chăn nuôi thú y và nông nghiệp tổng hợp.
Ảnh minh họa
Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND thuộc Hội ND tỉnh đã trực tiếp tổ chức dạy nghề may công nghiệp và cấp chứng chỉ cho lao động nông thôn được 16 lớp, với 412 lao động; liên kết đào tạo nghề ngắn hạn 12 lớp với 950 học viên. Số lao động nêu trên sau khi học nghề xong đều được trung tâm tìm việc làm ổn định ở trong nước và giới thiệu đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài.
Cũng từ năm 2009 đến nay, Hội ND Thanh Hóa được UBND tỉnh và T.Ư Hội NDVN giao chỉ tiêu đào tạo 58 lớp nghề cho 1.950 lao động. Theo đó, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND tỉnh Thanh Hóa đã trực tiếp mở lớp và liên kết với các doanh nghiệp mở lớp dạy nghề ngắn hạn (3 tháng) cho ND.
Các ngành, nghề đào tạo đang từng bước phù hợp với từng vùng, miền, từng nhóm đối tượng và gắn với tạo việc làm tại chỗ hoặc nhu cầu sử dụng lao động thị trường như: Nghề may công nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi thú y, tiểu thủ công nghiệp…
Ngoài ra, Hội ND Thanh Hóa còn tổ chức dạy một số ngành, nghề theo nội dung và mục tiêu của chương trình, dự án hỗ trợ ND tại các khu vực, địa bàn nông thôn để thực hiện chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho hàng nghìn lượt người; góp phần xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả. Phần lớn lao động sau khi được học nghề đã tìm được việc làm mới, có thu nhập ổn định, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.