Trung tâm Dạy nghề: Dạy nhiệt tình, hỗ trợ hết mình

Thu Hà Thứ hai, ngày 11/04/2016 06:40 AM (GMT+7)
Hơn 10 năm nay, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (TT DN HTND) thuộc Hội ND tỉnh Hải Dương là địa chỉ tin cậy của nhiều hội viên, ND trên địa bàn. Không chỉ dạy ND nghề, TT DN HTND còn hỗ trợ bà con nhiều lĩnh vực nhằm phát huy nghề, nâng cao thu nhập…
Bình luận 0

  Nửa đêm đi chữa bệnh cho cá

Cùng anh Nguyễn Hữu Học – Trưởng phòng Hỗ trợ kiêm giáo viên dạy nghề nuôi trồng thủy sản của TT DN HTND tỉnh Hải Dương đi thăm các mô hình nuôi trồng thủy sản của bà con sau học nghề, chúng tôi thấy điện thoại của anh liên tục đổ chuông. Thì ra, bà con ND các nơi điện thoại nhờ anh Học tư vấn  cách xử lý các tình huống kỹ thuật trong nuôi cá.

Nhận rất nhiều câu hỏi của bà con nhưng anh Học vẫn nhiệt tình giải đáp hết thắc mắc. Anh thổ lộ: “Là giáo viên, chúng tôi không chỉ dạy xong là hết bổn phận. Sau học nghề, chúng tôi thường xuyên liên lạc, trao đổi, nắm bắt tình hình sản xuất của học viên để từ đó có định hướng và hỗ trợ họ kịp thời. Nếu cá, tôm có biểu hiện bệnh nhẹ, tôi hướng dẫn họ cách xử lý qua điện thoại. Còn đối với ca bệnh nặng, khó xử lý, chúng tôi phải trực tiếp về ao cùng ND chữa trị cho cá…”.

imgBên cạnh dạy nghề, TT DN HTND tỉnh Hải Dương còn hỗ trợ nông dân về giống, máy móc, vật tư nông nghiệp, quảng bá giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm...  Ảnh: Đ.T

Gần 10 năm công tác tại TT DN HTND tỉnh, anh Học không nhớ bao nhiêu lần nửa đêm vẫn đi xuống ao nuôi cá của học viên. “Cá bị thiếu ô xy, biểu hiện bệnh thường về nửa đêm gần sáng, nếu không xử lý kịp thời, cá sẽ chết trắng ao. Bao nhiêu công sức, của cải bà con dồn tất cả vào ao cá. Khi họ cần chúng tôi không thể từ chối” - anh Học chia sẻ.

"Năm 2016, và các năm tiếp theo, hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ, dạy nghề sẽ được chúng tôi mở rộng thêm ở nhiều lĩnh vực, theo nhu cầu ND và tín hiệu theo thị trường, xã hội, xu hướng hội nhập...”.

Ông Nguyễn Ngọc Tuyến - Giám đốc TT DNHT ND.

Anh Vũ Văn Luật- hội viên Hội ND xã Quang Khải (Tứ Kỳ) là một trong rất nhiều học viên được TT DN HTND tỉnh Hải Dương hỗ trợ hiệu quả sau học nghề. Anh Luật bày tỏ: “Năm 2014, ao cá của gia đình tôi bị bệnh mà kiến thức học được của tôi tự tin để xử lý. Khi thông báo tình hình là hơn 2 giờ sáng, nhưng thầy Học đã lập tức về tận ao nuôi cá của tôi để chữa trị. Cả nhà tôi ai cũng xúc động. Ngoài ra, thầy Học và TT DN HTND tỉnh còn hỗ trợ những hộ nuôi cá chúng tôi rất nhiều việc khác như cung ứng trả chậm con giống, thức ăn, các chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thủy sản…”.

Theo anh Học, phòng Hỗ trợ của TT DN HTND tỉnh có chức năng chính là tìm kiếm, phối hợp với các doanh nghiệp, sở, ban, ngành để cung ứng vật tư nông nghiệp có uy tín, chất lượng và triển khai các chương trình hỗ trợ khác đến ND.

Dạy nghề từ nhu cầu thực tế

Ông Nguyễn Ngọc Tuyến – Giám đốc TT DN HTND tỉnh Hải Dương cho biết, Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm  thuộc Hội ND tỉnh Hải Dương, được thành lập từ năm 2004. “Ngay từ khi thành lập, trung tâm  đã được Sở LĐTBXH tỉnh đánh giá đạt, đủ các điều kiện để tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Hiện, TT DN HTND tỉnh có bộ máy tổ chức khá hoàn chỉnh với đội ngũ cán bộ, giáo viên 100% tốt nghiệp đại học chính quy…” - ông Tuyến chia sẻ.

Những năm qua, cùng với tổ chức, nâng cao chất lượng dạy nghề, Hội ND tỉnh và TT DN

HTND tỉnh còn đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ ND. Trong 5 năm qua (2010 – 2015), TT DN HTND tỉnh đã trực tiếp tổ chức đào tạo được 165 lớp nghề cho hơn 5.700  lao động nông thôn. Sau đào tạo nghề, các cấp Hội ND trong tỉnh đã hỗ trợ việc thành lập 65 câu lạc bộ (CLB) thủy sản, chăn nuôi với hơn 2.000 thành viên tham gia. Các CLB này thường xuyên được TT DN HTND tỉnh tư vấn kiến thức KHKT; cung ứng vật tư, thức ăn chăn nuôi, các chế phẩm sinh học…

Theo ông Tuyến, TT DN HTND tỉnh đã tích cực phối hợp các doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí trị giá hàng tỷ đồng để thực hiện mô hình trình diễn gắn với dạy nghề. 5 năm qua, trung tâm đã cung ứng trên 3.000 tấn phân bón trả chậm, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thủy sản…

Thông qua trung tâm, Hội ND tỉnh còn giúp hội viên, ND tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ lãi suất của tỉnh, vốn vay ưu đãi như Quỹ HTND, Ngân hàng CSXH... Các nguồn vốn này đã giúp xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế theo chuỗi giá trị tại địa phương…

Tiến tới dạy theo đơn đặt hàng

Không chỉ làm tốt chức năng, nhiệm vụ về dạy nghề, hỗ trợ nông dân, TT DN HTND tỉnh Hải Dương còn phối hợp tốt với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, tổ chức dạy tiếng, giáo dục định hướng cho ND và con em ND. 5 năm qua, trung tâm đã tổ chức được 34 lớp cho gần 700 du học sinh và lao động đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…

Năm 2014, trung tâm đã được đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, công trình ký túc xá và trang thiết bị phục vụ công tác dạy nghề. “Trung tâm đã khai thác tối đa và hiệu quả cơ sở vật chất, trong đó có hoạt động xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản cho ND…” - ông Tuyến cho biết thêm.

Theo bà Phạm Thị Thu Bình – Chủ tịch Hội ND tỉnh Hải Dương, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh thống nhất quan điểm chỉ đạo là dạy thật, học thật, từ chính nhu cầu thực tế của bà con, không chạy theo thành tích hay kế hoạch phân công. Dạy nghề cho lao động nông thôn phải tiến tới dạy theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp để đảm bảo sau học nghề người lao động có việc làm và thu nhập cao.

“Hội ND tỉnh giao nhiệm vụ tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ và dạy nghề  cho TT DN HTND. Hoạt động dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho ND phải đi liền với hướng dẫn thành lập các tổ, nhóm liên kết trong sản xuất kinh, doanh...”-bà Phạm Thị Thu Bình nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem