Bài văn kể lại chuyện tình thầy trò Đó là bài dài hơn 2.800 chữ, tràn kín 10 trang giấy thi nhưng vẫn bị điểm 0 vì hoàn toàn lạc đề.
Bài văn này gây chấn động dư luận bởi người viết kể lại câu chuyện của một cô bạn thân tuổi học trò yêu thầy giáo dạy mình, với những ngôn ngữ trái với đạo đức thầy, trò... gây hiếu kỳ cho nhiều người. Bài văn có những câu: “Mười tám tuổi, lần đầu tiên tôi được một người đàn ông ôm, trong lòng tôi trào lên một cảm xúc rạo rực”, hay “Hai tháng sau, cái bụng tôi ấm ách, tôi có thai...”.
Sau khi đăng tải lên mạng, bài văn này đã được cô giáo Hoàng Thúy Nga, giáo viên dạy Văn, trường THPT Năng khiếu Trần Phú, người trực tiếp chấm bài thi thử kể trên, khẳng định đây là bài làm của thí sinh là học sinh lớp 12 của trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng), thi thử với tên giả.
Cô Nga cho rằng, thí sinh làm bài trong lúc tâm lý không bình thường, có thể bị ảnh hưởng các truyện trên mạng. Sau đó, chủ nhân của bài văn cũng thừa nhận câu chuyện viết trong bài thi này hoàn toàn hư cấu và không lường trước được hậu quả của sự việc.
Bài văn về nạn bạo lực học đường Sau đó, một bài văn lạ với đề bài “phân tích vấn nạn bạo lực học đường” bị điểm 0 tiếp tục xôn xao dân mạng.
Nội dung bài văn được lưu truyền như sau: "Bạo lực học đường là một vấn đề vô cùng nhức nhối. Bạo lực không chỉ xuất hiện ở nam sinh hay nữ sinh, mà còn bạo lực về cả vấn đề tâm lý, hay người ta còn gọi là khủng bố tinh thần. Ví dụ tiêu biểu là học sinh không được đáp ứng những nhu cầu cần thiết trong giờ học. Ví dụ mùa hè, quạt trong phòng học chỉ mang tính chất minh họa, không có giá trị thực tiễn. Một phòng học chỉ có 5 cái quạt, một cái ở chỗ ngồi giáo viên, hai cái ở giữa lối đi cho giáo viên đi lại, và hai cái dành cho 50 học sinh còn lại. Với chiều dài mỗi cánh quạt là 50cm, khoảng cách từ quạt đến mặt đất là 3m, quạt chạy trong hiệu điện thế 220V, sử dụng dòng điện của máy phát điện xoay chiều 3 pha.
Từ đó ta tính được quạt có thể làm mát được 1 khu vực có bán kính hơn 1m hay xấp xỉ là 3 bàn học. 3 bàn /7 bàn nên tức là 4 bàn bị nóng, ở 2 dãy sẽ là 8 bàn, mỗi bàn có 4 người nên sẽ có 32 người bị nóng. 32/50 người, một con số vô cùng lớn.... Tác hại của việc bị nóng: Cơ thể của một người trưởng thành có 70% là nước. Nhiệt độ mùa hè trung bình vào khoảng 35 độ C tức là tốc độ trung bình của sự bốc hơi nước là vào khoảng 0.15l/giờ, nên trong mộtbuổi học kéo dài 1h cơ thể sẽ mất 0.6l nước. Cơ thể người có khoảng 30l nước, tức là chúng ta mất khoảng 2% lượng nước trong cơ thể. Cơ thể chúng ta khi mất từ 2-5% lượng nước sẽ dẫn đến tình trạng hoa mắt, chóng mặt, não bộ mât khoảng 7-8% khả năng hoạt động nên ảnh hưởng vô cùng lớn tới việc học, đấy là chưa kể đến sự ức chế có thể gây ra do nóng bức".
Mặc dù bài văn được cư dân mạng đánh giá cao nhưng thực tế tác giả bài viết không chỉ nhận điểm 0 mà còn nhận lời phê "Ý thức kém, em cần chỉnh sửa ngay" của giáo viên.
Bài văn về 'chửi bậy' Gần đây, dân mạng lại xôn xao với bài văn trình bày suy nghĩ về hiện tượng nói tục, chửi bậy trong học đường.
V.H.L - học sinh lớp 12, chủ nhân của bài văn này - đã khiến nhiều người phải giật mình, choáng váng vì độ “hồn nhiên” và… thô thiển. Trong từng câu văn, nam học sinh đã sử dụng khá nhiều những tiếng lóng thô tục đang rất “thịnh hành” trong giới trẻ. Bài văn mở đầu bằng cách tự đặt ra cuộc vấn -đáp: ”Nhắc đến vấn đề nói tục chửi bậy thì nó là một trò bình thường vãi. Mục đích của nó là gì? Ý nghĩa của nó là chi? Để mọi người có thể mắng nhiếc ư?”. Sau đó, học sinh này cũng rất ngang nhiên thừa nhận: “Mình cũng hay nói bậy lắm”. Và có lẽ để minh chứng cho việc “ai mà chẳng nói tục chửi bậy”, bạn học sinh này đã dẫn ra những cuộc hội thoại thường ngày nói với bạn bè, hoặc tưởng tượng ra tình huống chia tay của một đôi nam nữ… Cuối cùng, nam sinh này kết luận: “Trường hợp nào chúng ta cũng có thể nói bậy. Cơ bản là vì nó ăn sâu vào máu rồi, người nào mà chẳng chửi…”.
Tuy bài văn của nam sinh này chỉ được chụp lại trang đầu tiên, nhưng có thể thấy khá nhiều từ tục, lời lẽ tự do, thoải mái. Vì thế, bài văn đã nhận điểm 0 cùng lời phê: “Cần xem lại đạo đức bản thân” của giáo viên.
Tri Thức (Theo Tri Thức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.