Dậy sóng với cách đánh vần mới

Việt Phương Thứ tư, ngày 29/08/2018 06:24 AM (GMT+7)
Gần đây, một đoạn clip ghi lại cảnh được cho là cô giáo tiểu học đang dạy cho học sinh đánh vần trước sự chứng kiến của phụ huynh gây xôn xao dư luận vì cách đánh vần “lạ”. Nhiều người lo ngại không biết dạy con thế nào.
Bình luận 0

Lạ chỉ vì… chưa quen?

Trong clip, cô giáo tiểu học chỉ ra các chữ “k”, “qu” theo chương trình mới đều phải đọc là “cờ”, hay thay đổi cách đánh vần của các vần “iên”, “uôn”. Đây là cách đánh vần theo chương trình sách tiếng Việt Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại. Cụ thể hơn là cách đánh vần này được dạy trong cuốn tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1 (gồm 3 tập, do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành). Hiện tại, chương trình phổ thông có 2 bộ sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1, một cuốn khác là tiếng Việt lớp 1 (gọi là bộ sách hiện hành).

img

Chương trình sách tiếng Việt Công nghệ Giáo dục đang được triển khai tại nhiều trường tiểu học. Ảnh: Lê Hiếu 

"Bất kể một sáng  kiến nào cũng sẽ vấp phải sự phản đối do suy nghĩ quen nếp của những người lần đầu tiếp xúc. Nếu tìm hiểu kỹ về phương pháp này, các phụ huynh sẽ hiểu và không có ý kiến phản đối nữa”.

TS Vũ Thu Hương –
nguyên giảng viên khoa
Giáo dục tiểu học,
ĐH Sư phạm Hà Nội)

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GDĐT), ông Phạm Ngọc Định khẳng định cách dạy đánh vần của cô giáo trong clip là đúng theo chương trình được GS Hồ Ngọc Đại khởi xướng từ rất lâu rồi. "Cách dạy tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại thực ra rất khoa học và dễ cho học sinh nắm bắt được tiếng Việt. Phương pháp này đã được triển khai trên 43 tỉnh và có tỉnh đã áp dụng hoàn toàn phương pháp này vào dạy học".

Ông Định cho biết việc phương pháp này bất ngờ bị "xới" lên trong dư luận bởi vì nhiều người chưa nắm được cách dạy mới này của bậc tiểu học. "Học theo phương pháp này thì cách phát âm của các con cũng rất chuẩn, không bị nặng theo vùng miền. Ví dụ như việc nhầm L và N của một số vùng cũng được khắc phục nếu học sinh dùng phương pháp này để đánh vần".

"Ngày xưa tôi thường nói với các cô giáo tiểu học, phương pháp của thầy Đại học sinh học một sẽ biết 10, không cần phải nhớ hết tất cả các loại vần. Đây là cách dạy rất hay của GS Hồ Ngọc Đại" - nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học chia sẻ.

Đã thực nghiệm thành công?

Được biết, chương trình này đã triển khai từ năm 1978 tại Trường Thực nghiệm (Hà Nội), sau đó được mở rộng ra các trường tiểu học ở nhiều tỉnh thành khác.

img

 Cô giáo dạy cách đánh vần gây “bão” trên mạng xã hội. (ảnh cắt từ clip). Ảnh: I.Timg

GS-TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Trung tâm tim mạch Đại học Y Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIV là học sinh khóa 1 của trường Thực nghiệm. Với tư cách là một trong những học sinh đầu tiên được trải nghiệm phương pháp đánh vần của GS Hồ Ngọc Đại, ông Hiếu cho biết: “Trước hết phải khẳng định cách học tiếng Việt của trường Thực nghiệm có sự khác biệt. Khi các bạn học đánh vần từng từ thì chúng tôi học thơ lục bát. Chúng tôi học âm trước rồi đến chữ rồi mới ghép vần. Nên cách tiếp cận này trở nên lạ lùng với những ai học chữ bằng đánh vần đầu tiên. Thơ lục bát có 6 âm ở câu trên và 8 âm ở câu dưới với nguyên tắc âm thứ 6 của câu trên đồng với âm thứ 6 của câu dưới”.

GS Hiếu giải thích thêm: “Mỗi chữ cái đều có tên gọi. Ví dụ chữ C ta đọc là xê (trong vitamine C) đó là tên của chữ cái đó. Nhưng âm phát ra khi đọc nó là cờ. Đó chính là sự khác biệt giữa âm và chữ. Để dễ hiểu tôi xin lấy ví dụ: Chữ Q và K tên của nó là quy và ca (như khi trong bộ bài tú lơ khơ ta vẫn gọi là quy cơ, ca bích...) nhưng âm của nó phát ra khi ghép vào từ thì vẫn là cờ.

Đấy là về mặt nguyên lý khoa học, còn về thực tế, học sinh của chúng tôi là bằng chứng rõ ràng nhất. Hiện nay, các em đều trở thành những người có ích cho xã hội, đặc biệt không ai… phát âm sai tiếng Việt như nhiều thông tin trên mạng xã hội đang lo ngại phương pháp đánh vần của thầy Đại sẽ làm “hỏng” tiếng Việt các em học sinh lớp 1”.

Tuy các nhà giáo dục khẳng định cách phát âm nghe lạ nhưng không mới và hiệu quả trong giảng dạy nhưng nhiều phụ huynh phản ứng gay gắt, lo ngại về cách đánh vần này bởi vì nó khác so với cách mà họ được học trước đó. Không những thế hàng loạt các cải cách giáo dục trước đó cũng khiến phụ huynh hoang mang. Đơn cử như mô hình trường học mới (VNEN) hoạt động trên nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên sẽ là người cụ thể hóa mục tiêu, thiết kế và tổ chức các hoạt động học phù hợp với học sinh đã triển khai được 7 năm tại Việt Nam. Sau quá trình triển khai, chương trình cũng gặp những vấn đề khó khăn nhất định đối với giáo viên, công tác quản lý trong nhà trường và kể cả cơ sở vật chất, sĩ số học sinh... nhiều địa phương vì thế đã dừng triển khai mô hình này .

img

Đừng “lên đồng” phản đối
 “Phương pháp của thầy Hồ Ngọc Đại được gọi là Công nghệ Giáo dục và được viết để dạy học sinh học vần nhanh chóng. Học vần bằng cách này hoặc cách cũ đều cho kết quả như nhau là trẻ biết đọc và biết viết. Đương nhiên, sau khi học phương pháp học vần này, các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt vẫn giữ nguyên giá trị, chữ K vẫn là chữ K, chữ “qu” vẫn là chữ “qu”, không có biến tướng gì hết. Đây đơn giản chỉ là phương pháp học vần, nó hoàn toàn không liên quan đến sáng kiến đặc biệt của GS Bùi Hiền về cải cách chữ viết. Phần lớn các phụ huynh có con đã hoặc đang theo học phương pháp này thì không có ý kiến, số đang “lên đồng” phản đối phần lớn là lần đầu tiên được tiếp cận với công nghệ giáo dục.

TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên khoa Tiểu học,
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

img

Không có gì lạ!
"Đây là cách đánh vần không lạ đối với các cô giáo tiểu học dạy theo chương trình mới, tuy nhiên cô giáo trong clip cần phải giải thích rõ hơn để tránh gây hiểu nhầm cho học sinh và phụ huynh. Ví dụ chữ cái c, k đều đọc là "cờ" nhưng mỗi chữ khi viết lại chỉ được ghép với các phụ âm nhất định như c thì phải đi với a, e, ê... chứ không thể đi với i, y...
Cách đánh vần của GS Hồ Ngọc Đại rất hay ở điểm sẽ làm cho các em học sinh nắm được quy tắc trong viết chính tả, đánh vần theo trật tự thế nào thì khi viết ra sẽ đúng theo trình tự đó. Theo GS Đại thì chữ viết là ký hiệu cố định để truyền đạt ý nghĩa của ngôn ngữ âm thanh, trong đó chữ viết là vật giả, tiếng nói là vật thật, vì vậy việc đánh vần từ trái qua phải theo chương trình mới giống như viết cũng giúp cho học sinh ít mắc các lỗi về phát âm hay chính tả hơn".

Bà Lê Thị Thanh Hương - nguyên giáo viên dạy văn Trường Tiểu học Thực nghiệm (Hà Nội)

img

Bộ GDĐT đã cho phép

“Cái “lạ” này xảy đến bởi các phụ huynh trước đây quen với cách đánh vần như chương trình đại trà hiện hành. Nhưng tài liệu tiếng Việt 1 theo chương trình Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại thì đi theo hướng ngữ âm học và bao nhiêu năm nay đã tổ chức, triển khai dạy học như thế rồi chứ không phải năm nay mới có, thực chất không phải cái gì đó mới hay phát hiện mới lạ. Có thể với những phụ huynh thấy lạ tai nên câu chuyện mới xôn xao như vậy, chứ những năm trước đây những trường, địa phương theo chương trình này đã dạy học như vậy mà không có vấn đề gì.
Chương trình Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại nghiêng về ngữ âm học cho nên người ta dạy theo hướng đó và Hội đồng thẩm định quốc gia của Bộ GDĐT đã thẩm định là không sai khi đưa ra một cách tiếp cận mới, nhưng khác hay như các phụ huynh nói là “lạ” với cách của chương trình đại trà hiện hành. Hội đồng thẩm định quốc gia đã thẩm định và chấp nhận cho phép địa phương nào muốn thì tổ chức dạy học theo tài liệu của chương trình của GS Hồ Ngọc Đại”.

Ông Nguyễn Đức Hữu- Phó Vụ trưởng phụ trách
Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT)

Hà My (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem