Dạy thêm, học thêm: Cha mẹ kỳ vọng, con cái kiệt quệ
Dạy thêm, học thêm: Cha mẹ kỳ vọng, con cái kiệt quệ
Thứ hai, ngày 13/03/2023 07:02 AM (GMT+7)
Với tâm lý sợ con thua kém bạn bè, nhiều bậc cha mẹ không chỉ cho con đi học thêm một, hai môn, mà có những em phải học xuyên suốt cả tuần để trở thành “con ngoan, trò giỏi”.
Chị Lê Thu Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, con chị đang học “tiền tiểu học”. Có nghĩa là cháu sẽ phải học đọc, học viết, học làm toán khi đang ở cấp mầm non. Một ngày, con chị đi học tại trường mầm non từ tám giờ sáng, đến bốn giờ chiều thì được mẹ đón. Sau đó, cháu sẽ đến các câu lạc bộ năng khiếu hoặc đi học thêm tập viết, toán, tập đọc. Giờ học kết thúc vào lúc chín giờ tối, sau khi mẹ kiểm tra lại bảng chữ cái, bài tập cộng trừ, nhân chia của con. Chị cho biết: “Học như vậy, để hy vọng con vào lớp 1 sẽ không “đuối” hơn bạn bè cùng trang lứa”.
Chị Thủy Tiên (Ba Vì, Hà Nội) chia sẻ, cháu của chị đang học lớp ba. Nhiều ngày đến mười hai giờ đêm cháu mới được ngủ vì phải làm bài tập về nhà, bài tập ở lớp học thêm, quay video, tìm tài liệu cho bài của các lớp bồi dưỡng năng khiếu. Thậm chí nhiều khi cháu còn không có thời gian ăn cơm vào buổi chiều, sau khi tan học là “cuống cuồng” đến những lớp học khác nhau. Chị Thủy Tiên kể: “Không chỉ học những môn văn hóa, cháu còn phải học chơi cờ vua, đánh bóng bàn, đá bóng. Đến cuối tuần, bố mẹ sẽ gửi cháu đến những lớp luyện đọc sách dành cho trẻ nhỏ nằm ở trong nội thành Hà Nội”.
Với tâm lý đầu tư cho con học từ sớm để các em có nhiều cơ hội thành công trong tương lai, rất đông phụ huynh đưa con đi học thêm từ lúc bốn, năm tuổi. Nhiều cháu vừa vào lớp một đã biết viết, biết đọc, không chỉ biết làm các phép tính thông thường mà còn thành thạo “mê cung” trong toán học.
Khi lên các lớp lớn, phụ huynh sợ con có nhiều thời gian chơi sẽ vướng vào những “cạm bẫy” xã hội nên lại xếp lịch học cho con ngoài giờ học chính khóa. Từ học thêm các môn văn hóa đến các câu lạc bộ như múa, vẽ, võ thuật... Tuy nhiên, đi ngược với kỳ vọng của nhiều bậc phụ huynh, học thêm đang dần trở thành “gánh nặng” cho các em.
Một khảo sát toàn quốc cho thấy, có 54,7% học sinh phổ thông cho rằng bố mẹ luôn đặt kỳ vọng quá nhiều vào các em, muốn con học tập tốt hơn hoặc trở thành một người giỏi hơn. Các bậc phụ huynh thường nghĩ, với lịch học “dày đặc” như vậy, các em sẽ phát triển toàn diện, được như “con nhà người ta”. Nhưng thực tế, việc đi học liên tục, không có thời gian nghỉ, khiến học sinh kiệt quệ cả về tinh thần và thể chất.
Theo một nghiên cứu do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam công bố, áp lực học tập là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ em và trẻ vị thành niên ở nước ta gặp các rối loạn về sức khỏe tâm thần. Nghiên cứu trên cũng cho thấy, hiện tượng trẻ bị trầm cảm, âu lo, rối loạn cảm xúc vì học tập có chiều hướng tăng.
Việc học thêm vốn để bổ sung kiến thức, giúp các em phát triển khả năng, thì nay lại trở thành áp lực “đè” lên học sinh. Khi mỗi ngày, các em phải ra khỏi nhà từ lúc sáu, bảy giờ sáng để kịp buổi học trên trường và trở về nhà vào lúc tám, chín giờ tối sau những lớp học thêm mệt mỏi.
Cấm thì cấm, học thêm vẫn học
Chị Nguyễn Hoàng Oanh (Dịch Vọng, Hà Nội) cảm thấy rất ngạc nhiên khi biết có quy định giáo viên không được dạy thêm học sinh mình đang dạy ở trường. Con chị đang học lớp 6, phần lớn các em trong lớp đều theo học giáo viên dạy Toán, dạy Văn ở trên trường. Chị Hoàng Oanh cho rằng: “Học như vậy, sẽ giúp cô theo sát được tình hình học tập của con”. Chị cũng cho biết, khi bố mẹ kèm hoặc học cùng gia sư, các em sẽ không tập trung bằng đến lớp học thêm do giáo viên ở trường tổ chức.
Chị Bùi Vân Thanh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, con chị đang học lớp 4, mỗi tuần đều học thêm Tiếng Anh, Toán và Văn. Hiện tại, con chị học thêm khoảng 4 buổi/tuần. Đối với chị, việc học thêm là để con “phổ cập kiến thức” vì nếu chỉ học trên lớp, các con không thể đáp ứng được các kỳ thi ở trường. Mặc dù chị biết Bộ GD-ĐT đã có quy định cấm học thêm dành cho học sinh tiểu học và cấm các em được học trước chương trình, nhưng chị vẫn lo học trên trường thôi là chưa đủ: “Bố mẹ chẳng có kỹ năng sư phạm để dạy con hiểu bài, cô giáo trên lớp cũng không thể giải đáp cặn kẽ cho một lúc 40 – 50 học sinh. Cho nên, vợ chồng tôi phải gửi con đến các lớp học thêm”.
Theo báo cáo từ nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, trung bình, gia đình học sinh Việt Nam đóng góp khoảng 24% tổng chi phí cho học sinh đi học. Đóng góp của gia đình có xu hướng tăng dần theo cấp học. Trong đó, chi phí học thêm là khoản lớn nhất đối với gia đình học sinh phổ thông. Đối với tiểu học là 32%; THCS là 42% và THPT là 43%.
Từ năm 2012, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 17 quy định, hướng dẫn việc học thêm, dạy thêm. Theo đó, quy định rõ các trường hợp không được dạy thêm, học thêm. Thứ nhất, không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức học 2 buổi/ngày. Thứ hai, không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Thứ ba, giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của các đơn vị công lập không được dạy thêm ngoài nhà trường, dạy chính học sinh của mình khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
Tuy nhiên, thực tế, việc cấm thì vẫn cấm, còn tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn tiếp tục diễn ra. Thậm chí, việc học thêm còn có xu hướng “phát triển” mạnh mẽ, khi lứa tuổi học ngày càng “trẻ hóa”. Từ những học sinh ở cấp tiểu học, trung học, thì bây giờ, ngay từ mầm non, các em đã được bố mẹ đầu tư học các lớp “tiền tiểu học”.
Việc học thêm nhiều như vậy không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh mà khiến các em ngày càng thụ động với việc học. Nhiều học sinh hiện chỉ đến trường với tâm lý “chấm công”, đi học cho đủ số buổi, số tiết trên lớp. Còn kiến thức thì các em dựa dẫm hoàn toàn vào học thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.