Lấy ý kiến học sinh về Luật Đất đai (sửa đổi): "Thay vì ném đá nên bình tâm suy xét"

Tào Nga Chủ nhật, ngày 12/03/2023 13:44 PM (GMT+7)
Chia sẻ về việc Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tổ chức lấy ý kiến học sinh về Luật Đất đai (sửa đổi), chuyên gia cho rằng dư luận nên xem xét ở nhiều góc độ và nhận thức đầy đủ về vấn đề này.
Bình luận 0

Việc Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức lấy ý kiến học sinh về Luật Đất đai (sửa đổi) mới đây vẫn đang là chủ đề được quan tâm. Hình ảnh các em học sinh cấp 2 ngồi phía dưới hội nghị làm dư luận tranh cãi gay gắt. Nhiều người cho rằng lấy ý kiến trẻ về lĩnh vực đất đai là quá hình thức, không thực tế.

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, TS Đặng Văn Cường, giảng viên bộ môn Luật hình sự, Trường Đại học Thủy lợi cho hay: "Trẻ em tiếp xúc với pháp luật, làm quen với hoạt động xây dựng pháp luật là tốt chứ không có gì xấu. Việc lấy ý kiến của trẻ em đối với các dự án luật là chuyện hiếm gặp ở Việt Nam nhưng không phải không có lý. 

Thực tế tôi gặp rất nhiều trường hợp bố mẹ ly hôn, ông bà nhiều tuổi muốn cho con cháu nhà đất. Tuy nhiên thủ tục để trẻ em đứng tên hiện nay còn nhiều bất cập, chưa phù hợp dẫn đến chưa đảm bảo được quyền có tài sản của trẻ em. Việc lấy ý kiến của trẻ em về vấn đề này rất quan trọng, thể hiện tâm tư nguyện vọng của trẻ em về quan điểm ý kiến của các bậc phụ huynh".

img
img

Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức lấy ý kiến trẻ em về một số nội dung liên quan. Ảnh: Hồng Thái

TS Cường nêu quan điểm: "Việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho trẻ em trong thời gian qua đã được thực hiện khá tốt, sự hiểu biết pháp luật của trẻ em ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, những cơ chế để đảm bảo thực hiện quyền quyền trẻ em thì chưa được chú trọng và quan tâm đúng mức. 

Chương trình do Hội Bảo vệ Quyền trẻ em triển khai tiến hành với góc nhìn của các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng bảo vệ trẻ em. Họ đưa những thông tin, những sự kiện cho trẻ em tiếp cận là một hoạt động ngoại khóa thú vị, có thể sẽ để lại nhiều ấn tượng, ký ức cho các em trong tương lai. Thay vì ném đá, chúng ta nên bình tâm suy xét ở nhiều góc độ và có nhận thức đầy đủ về vấn đề này thì cũng không đáng buồn cười như nhiều người đang xôn xao trên mạng xã hội.

Chúng ta không kỳ vọng trẻ em sẽ đóng góp những ý tưởng để xây dựng pháp luật nói chung và luật đất đai nói riêng. Nhưng hoạt động tuyên truyền về pháp luật đất đai, thăm dò ý kiến của trẻ em về quyền tài sản, về luật đất đai sẽ có những góc nhìn mới mẻ, sẽ có những ý tưởng chân thật, những nguyện vọng chính đáng của trẻ em. Việc tuyên truyền để các em biết về luật đất đai, có ý kiến về luật đất đai là một ý tưởng táo bạo, tiến bộ. 

Bản thân tôi đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của các cán bộ, tình nguyện viên đối với công tác bảo vệ trẻ em. Việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về Quyền trẻ em cần phải kết hợp với việc thúc đẩy những yếu tố để đảm bảo thực hiện quyền trẻ em trên thực tế. Nỗ lực hết sức mình để bảo vệ trẻ em là điều đáng trân trọng".

Vụ lấy ý kiến học sinh về Luật Đất đai (sửa đổi): "Thay vì ném đá nên bình tâm suy xét" - Ảnh 2.

Nhiều học sinh, sinh viên dự Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Hoài Nam

Mới đây, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn đã tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thu hút nhiều nhà quản lý, chuyên gia luật và có cả sự tham gia của nhiều học sinh, sinh viên tại TP.HCM. Chia sẻ bên lề, TS Lê Sơn Hải, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc bày tỏ: "Theo tôi, không có vấn đề gì ở đây. Khi các cháu nói lên nguyện vọng của mình, chúng ta cần phấn khởi vì điều đó".

Ông Hải cho hay, Quốc hội nói rõ lấy ý kiến toàn dân, chứ không phải ý kiến từ người trưởng thành trở lên. Đây cũng là việc khuyến khích các cháu nhỏ tham gia dần dần, từng bước vào các vấn đề đời sống xã hội. Chúng ta cần chắt chiu từng ý kiến nhỏ của trẻ, khuyến khích việc lấy ý kiến của trẻ, tôn trọng trẻ nhỏ. Việc tổ chức thể hiện được sự khách quan, tôn trọng là điều rất đáng khuyến khích, chỉ cần tránh việc tổ chức mang tính hình thức, khiên cưỡng, nhồi nhét.

"Chúng ta đừng xét nét quá", ông Hải bày tỏ.

Luật sư, TS Lương Khải Ân, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, khi lấy ý kiến trẻ em về Luật Đất đai (sửa đổi), điều cần quan tâm là hàm ý của ban tổ chức và cách tổ chức như thế nào. Đây là điều rất quan trọng. Nếu phía tổ chức không nhìn nhận đúng ý nghĩa, tổ chức mang tính hình thức có thể dẫn đến sự phản cảm.

GS.TS. Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và xã hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Giảng viên cơ hữu Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn nhấn mạnh, Luật đất đai sẽ tác động đến rất nhiều bên từ nhà nước, doanh nghiệp cho đến lợi ích của cộng đồng nên sẽ ảnh hưởng ảnh đến tất cả mọi người, mọi lứa tuổi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem