Dạy thêm liên kết tràn lan: "Chương trình mới không đủ đào tạo học sinh một cách toàn diện?"
Dạy thêm liên kết tràn lan: "Không lẽ chương trình mới không đủ đào tạo học sinh một cách toàn diện?"
Tào Nga
Thứ năm, ngày 28/09/2023 09:06 AM (GMT+7)
Điều mà các phụ huynh băn khoăn chính là: chương trình tổng thể mới được áp dụng vài năm nay đã được thực nghiệm hay chưa. Vì sao lại phải có các lớp học liên kết? Vì sao lại cần học thêm?
Dạy thêm liên kết tràn lan: Choáng với lịch học của học sinh
"Con tôi ngày nào đi học cũng trĩu ba lô trên vai vì quá nhiều sách vở. Dù cảm thấy không cần thiết lắm nhưng nhà trường tổ chức cho con học thêm tiếng Anh liên kết nên tôi đành cho con theo vì sợ con thiệt thòi so với các bạn cùng lớp.
Thấy trong thời khóa biểu của con sáng con học tiếng Anh của Bộ GDĐT, chiều học Toán - tiếng Anh rồi học tiếng Anh với người nước ngoài. Mà học phí thì đâu phải thấp, mỗi tháng riêng tiền tiếng Anh ở trên lớp đã mất gần 1 triệu mà về con không nói được câu tiếng Anh nào", chị Hoàng Lan Hương, một phụ huynh ở Hà Nội chia sẻ.
Thời khóa biểu một lớp học gây tranh cãi. Ảnh: CMH
Tình trạng dạy thêm, học thêm từ lâu đã thành một "vấn nạn" trong ngành giáo dục bởi năm nào cũng nhắc đến nhưng chưa năm nào không gây bức xúc. Vấn nạn này làm khổ phụ huynh, học sinh với nhiều hình thức từ ở nhà, ở các trung tâm lẫn tại trường học.
Tuỳ từng chương trình học, số lượng tiết học mà học phí dao động từ vài trăm đến hàng triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, cũng như chị Hoàng Lan Hương, điều khiến phụ huynh bức xúc là những tiết học mất nhiều tiền nhưng lại không hề hiệu quả.
Vẫn biết là vậy nhưng không ít phụ huynh phải cắn răng cho con tiếp tục học vì sợ cô giáo thờ ơ, không quan tâm. Sự việc này xảy ra ở không ít các trường hiện nay khi phụ huynh không đăng ký con học thêm các lớp tiếng Anh, lớp trải nghiệm thì con phải... ra khỏi lớp lang thang. Còn ở nhà cô, nếu học sinh nào không đi học, lập tức bị cô giáo "hành" đến mức đăng ký đi học mới thôi.
Chia sẻ với PV, một giáo viên ở Hà Nội thừa nhận, có một khoản thu gây bức xúc cho phụ huynh cấp 1, 2 là tiếng Anh có yếu tố nước ngoài. Cụ thể, phụ huynh phải đóng 50.000 đồng/tiết/học sinh cho giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh. Nói là giáo viên nước ngoài nhưng trên thực tế không ai biết họ là giáo viên hay không. Các giáo viên này nhận thù lao cực kỳ cao. Nếu lớp có 45 học sinh, có thể tính nhanh mỗi tiết học có mức giá 2,25 triệu đồng/tiết. Nếu giáo viên này dạy một buổi 4 tiết thì là 10 triệu đồng bằng 2 tháng lương của giáo viên trẻ mới ra trường.
Điều đáng nói nhiều trường bố trí tiếng Anh này vào thời biểu chính khóa nên bắt buộc học sinh nào cũng phải tham gia. Học sinh nào không tham gia thì lại lang thang trong trường.
Một hiệu trưởng trường tiểu học ở Hoàng Mai, Hà Nội sau khai gây tranh cãi với tình trạng cho học sinh không học tiếng Anh liên kết vào phòng chức năng hoặc thư viện đã thẳng thắng thừa nhận với PV báo Dân Việt rằng: Rất khó để xếp tiết học tiếng Anh vào tiết cuối cùng vì ở trường có quá nhiều lớp sẽ thiếu giáo viên.
Không chỉ có tiếng Anh, còn nhiều lớp học thêm khác như STEM, giáo dục kỹ năng sống thì mỗi trường cả nghìn học sinh cũng là nguồn thu nhập khủng cho các trung tâm liên kết, nhà trường. Không đi học thì lo bị trù dập, không đăng ký học phụ huynh lo con bị... đuổi ra khỏi lớp, đó là lý do vì sao phụ huynh không có lựa chọn nào khác ngoài đăng ký cho con theo học dù là ở nhà cô hay ở trường. Và tình trạng này sẽ còn tiếp diễn hết năm này đến năm khác nếu không có biện pháp mạnh.
"Không lẽ chương trình mới không đủ đào tạo học sinh một cách toàn diện?"
Liên quan đến vấn nạn dạy thêm, học thêm tràn lan, chuyên gia giáo dục độc lập, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, nhiều phụ huynh vì điều kiện khác nhau mà không cho con học các tiết liên kết trong nhà trường.
Tại Điều 4 Thông tư 17/2012 của Bộ GDĐT quy định, các trường không được dạy thêm với học sinh đã được nhà trường tổ chức học 2 buổi/ngày. Không dạy thêm với học sinh tiểu học, trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Không thể nói hiệu trưởng không biết mình đang làm sai nguyên tắc khi cố tình đưa giờ liên kết, cụ thể như tiếng Anh với người nước ngoài vào giờ học chính khóa, thay vì bố trí ở tiết cuối cùng để em nào không học có thể ra về. Bố mẹ không thể bỏ dở công việc để về đón con khi thời gian mới vào đầu giờ chiều được.
Học sinh ở Hà Nội trong một tiết học. Ảnh: Tào Nga
Tại sao các trường phải mở thêm các lớp, thiết kế thêm các tiết dạy tăng cường xen vào giờ học chính khóa của học sinh. Không lẽ Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ GDĐT ban hành không đủ để đào tạo học sinh một cách toàn diện?
"Có một điều mà tất cả các giáo viên đều công nhận là chương trình 2018 nặng hơn chương trình cũ. Mang trọng trách giảm tải nhưng chương trình mới lại đòi hỏi học sinh phải biết khá nhiều trước khi đi học. Nếu không học trước, các con sẽ tương đối vất vả khi vào lớp 1. Điều này đi ngược lại với yêu cầu giảm tải và gây sức ép lên vai những đứa trẻ.
Chương trình cũng bị đẩy ép xuống lớp dưới khiến phụ huynh và học sinh hoảng hốt. Các lớp tiểu học bị gây sức ép khá nặng khiến phụ huynh lo lắng dẫn đến việc đề nghị học thêm. Các lớp lớn hơn áp lực thi cử nên cũng ép học sinh đi học cả ở trường lẫn ở nhà.
Rõ ràng chương trình có một phần lỗi như vậy chứ không phải hoàn toàn vô can. Tuy nhiên, khi các trường lạm dụng học thêm, học liên kết để đưa thêm nhiều các nội dung tiếng Anh vào trường, một lần nữa sức ép lại đổ lên vai trẻ em.
Điều mà các phụ huynh băn khoăn chính là: chương trình tổng thể mới được áp dụng vài năm nay đã được thực nghiệm hay chưa. Vì sao lại phải có các lớp học liên kết? Vì sao lại cần học thêm?
Nếu mục tiêu của chương trình phổ thông tổng thể là tạo một nền tảng kiến thức cơ bản cho học sinh thì với mật độ học thêm quá nặng như vậy, các học sinh có thể tải hết được trong 12 năm? Và liệu rằng nền tảng kiến thức của học sinh Việt Nam cao hơn các nước khác hay không, hay học rất nhiều nhưng không nhớ được bao nhiêu. Đã đến lúc chúng ta cần xem xét lại cả chương trình tổng thể và cả những buổi học bổ sung trong và ngoài trường", bà Hương cho hay.
Bộ GDĐT lý giải nguyên nhân
Trước vấn đề gây bức xúc này, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GDĐT cho hay: "Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm định hướng khung thống nhất với những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời mở và trao quyền chủ động, trách nhiệm cho địa phương, nhà trường.
Đối với tiểu học, chương trình quy định tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút.
Theo đó, kế hoạch giáo dục của nhà trường phải bảo đảm thực hiện dạy học các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc, môn học tự chọn, đảm bảo tổng số tiết/năm học được quy định trong chương trình cấp tiểu học; bố trí thời khóa biểu thực hiện phải có tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với học sinh, bảo đảm học sinh được học đầy đủ các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc của chương trình.
Khi đã thực hiện đủ định mức tiết dạy của giáo viên hiện có, nhà trường có trách nhiệm thực hiện khảo sát, tổng hợp nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện để tổ chức các hoạt động giáo dục theo nhu cầu người học và theo các quy định về hoạt động này do địa phương quản lý theo thẩm quyền như học tiếng Anh với người nước ngoài, tăng cường giáo dục nghệ thuật, các câu lạc bộ, hoạt động trải nghiệm STEM...".
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học thừa nhận: "Cho dù các văn bản quy định về nội dung liên quan đã được Bộ GDĐT ban hành, tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện tại các cơ sở giáo dục, công tác quản lí các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa có nơi còn lúng túng trong tổ chức thực hiện, có hiện tượng buông lỏng quản lí hoặc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền trách nhiệm, dẫn đến những băn khoăn, lo lắng và tạo ra một số dư luận xã hội không tốt về loại hình hoạt động giáo dục này, rất cần được chấn chỉnh kịp thời đối với những nơi đang thực hiện chưa đúng các quy định.
Trong thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ ban hành văn bản yêu cầu các Sở GDĐT nghiêm túc báo cáo thực trạng quản lý, tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục tăng cường, ngoài giờ chính khóa theo nhu cầu của người học tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông để đánh giá đúng thực trạng, bổ sung các văn bản chỉ đạo để thực hiện đúng và hiệu quả hoạt động này".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.