Dạy tiếng Anh bằng... tiếng Việt!

Thứ ba, ngày 15/12/2015 10:33 AM (GMT+7)
Trong một khảo sát nhỏ của nhóm giảng viên của ĐH Sư Phạm TP.HCM trên 143 học sinh (HS) THPT và 10 giáo viên, cán bộ quản lý tại Trường Trung học thực hành sư phạm (thuộc ĐH Sư Phạm TP) cho thấy chỉ có 14,7% HS cho rằng giáo viên sử dụng 100% tiếng Anh trong tiết dạy.
Bình luận 0

Ngoài ra, 70% HS cho rằng giáo viên sử dụng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Đáng nói, 15,3% HS cho rằng giáo viên sử dụng quá nhiều tiếng Việt khi dạy tiếng Anh. Rất ít giáo viên sử dụng tài liệu từ nước ngoài và phương tiện nghe nhìn để giảng dạy cho HS. 

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Thực trạng dạy học tiếng Anh trong việc đảm bảo chất lượng đầu vào và kết quả đầu ra môn tiếng Anh của học sinh các cấp phổ thông các tỉnh/thành phía nam” sáng 14-12. Hội thảo do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 tổ chức.

30 tỉnh thành: chỉ 7 giáo viên THCS đạt chuẩn! 

Chính thực tế này cho thấy việc dạy và học tiếng Anh tại đây chưa thực sự hiệu quả, và nhất là có đến 98,6% HS cho rằng không thể đạt được bốn kỹ năng nghe-nói-đọc-viết theo chuẩn đầu ra. Thậm chí 55,2% HS không biết gì về chuẩn đánh giá đầu ra do Bộ GD&ĐT quy định.  

Phân tích về vấn đề này, TS Trần Thị Minh Phượng, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, một trong những vấn đề khiến chất lượng dạy và học tiếng Anh hiện nay chưa hiệu quả nằm ở người dạy. Như qua kỳ kiểm tra trình độ giáo viên tiếng Anh của 30 tỉnh thành do Bộ GD&ĐT thực hiện, chỉ có 3% giáo viên THPT và 7 giáo viên THCS đạt chuẩn của đề án ngoại ngữ. Nhiều giáo viên hiện nay thiếu tự tin và chủ động khi soạn đề kiểm tra, đánh giá cho HS. Các đề kiểm tra chủ yếu cóp nhặt từ các đề quốc tế, vốn là đề kiểm tra tổng quát chứ chưa phải kiểm tra quá trình dạy và học.

Còn về phía HS, theo TS Phượng, các em đang phải học quá nhiều môn. Chưa kể sách tiếng Anh nặng cả nội dung lẫn hình thức, thiếu cập nhật thời sự, chưa gắn với đặc điểm về văn hóa, địa lý của nước ta, thiếu phong phú về hình ảnh và màu sắc …

Một khía cạnh khác, Th.S Nguyễn Đình Thanh Lâm, trường THPT Chuyên Nguyễn Thị Minh Khai (Sóc Trăng) cho rằng: Với các vùng sâu vùng xa, giáo viên càng không có điều kiện và môi trường để nâng cao kỹ năng nghe nói tiếng Anh. Muốn tìm người giỏi hoặc người nước ngoài để nói tiếng Anh cũng không có nên đành tự nói với mình thôi. Ai đam mê nghề lắm mới tự học là chính rồi lên lớp nói với HS nhưng cũng rất ít người làm được.

 

img

Một giờ học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài tại trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận 4, TP.HCM

Luẩn quẩn với đọc – viết

Th.S Nguyễn Đình Thanh Lâm cũng bày tỏ, các kỳ kiểm tra, thi cử hiện nay vẫn tập trung chủ yếu là đọc –viết. Vì thế, cả giáo viên lẫn HS cứ loay hoay với ngữ pháp và tự vựng, đọc rồi viết. Cứ như vậy, không ít giáo viên sử dụng ngoại ngữ ngay trong lớp cũng thấy khó khăn chứ chưa nói là vận dụng trong cuộc sống.

"Nếu xem giao tiếp là trọng tâm của ngoại ngữ thì Bộ GD&ĐT nên đổi mới hệ thống kiểm tra đánh giá hiện nay. Hoặc giao cho các trường ĐH và các trung tâm lớn chịu trách nhiệm về tổ chức kiểm tra, đánh giá các kỹ năng và cấp chứng chỉ cho HS. Từ đây, cùng với đầu tư về trang thiết bị, tự học của giáo viên sẽ dần thay đổi chất lượng ngoại ngữ" - Th.S Thanh Lâm kiến nghị.

Đồng tình quan điểm này, Th.S Vương Văn Cho (Nguyên hiệu trưởng trường THCS Phạm Đình Hổ, Quận 6, TP.HCM) thẳng thắn, việc dạy tiếng Anh không nên cào bằng như hiện nay, nghĩa là mỗi giáo viên hiện phải dạy cho HS cả bốn kỹ năng nghe-nói-đọc-viết thì không thể hiệu quả được.

“Mỗi giáo viên có một thế mạnh về kỹ năng khác nhau thì không thể dạy tốt các kỹ năng khác. Nên phân công mỗi giáo viên dạy một kỹ năng khác nhau cho HS. Như thế vừa giúp giáo viên giỏi chuyên sâu hơn và giúp HS học tốt  hơn từng kỹ năng hơn” – Th.S Cho đề xuất.

 

Bộ cũng muốn nhưng phải làm từ từ!

Đổi mới giảng dạy ngoại ngữ là cả một quá trình và nhiệm vụ lớn, phải làm từng bước. Bộ cũng muốn tốt nhưng trong điều kiện thực tế hiện nay, chúng ta vừa làm vừa hoàn thiện từ từ.

Hiện nay, Bộ chỉ mới khuyến khích các địa phương tăng cường tiếng Anh, rèn luyện 4 kỹ năng nghe-nói-đọc-viết cho HS là chính, còn kiểm tra và đánh giá đầy đủ 4 kỹ năng đó không đơn giản. Nó đòi hỏi người dạy cũng phải đáp ứng được bốn kỹ năng để dạy cho người học nhưng thực tế chúng ta chưa làm được. Hơn nữa, chúng ta chưa có một đội ngũ giám khảo chuyên nghiệp về kiểm tra đánh giá ngoại ngữ (nếu có cũng chỉ là lác đác), chưa có một bộ đề khảo thí cho cả bốn kỹ năng nên chỉ có thể tổ chức thi, kiểm tra hai kỹ năng là đọc, viết.  Hiện, Bộ đang xây dựng đề án để vay vốn xây dựng 5 trung tâm khảo thí tại các tỉnh thành lớn, trong đó có môn ngoại ngữ, rồi dần sẽ hoàn chỉnh quy trình đánh giá năng lực ngoại ngữ HS theo khung năng lực.

Về thời lượng môn tiếng Anh, từ lớp 3 đến lớp 12, trung bình 3-4 tiết/tuần đúng là ít. Số tiết này tính theo điều kiện học một buổi một buổi chứ không phải hai buổi như ở nước ngoài. Nếu tăng tiết thêm trong điều kiện hiện nay thì là tăng tải chứ không phải giảm tải nữa.

Một khó khăn nữa là dạy tiếng Anh ở tiểu học là rất quan trọng nhưng hiện Bộ chưa xin được biên chế cho giáo viên dạy tiếng Anh bậc này. Hiện, các đơn vị có điều kiện chủ yếu hợp đồng với giáo viên về dạy rồi phụ huynh trả tiền là chính. Sắp tới, để chuẩn bị cho đổi mới toàn diện giáo dục từ năm 2018, sắp tới, Bộ sẽ đề xuất nâng tỉ lệ giáo viên trên lớp từ 1,5 đến 1,7 giáo viên/lớp. Lúc đó, sẽ ưu tiên tuyển giáo viên ngoại ngữ cho các đơn vị. 

(PGS.TS Nguyễn Sĩ Thư, Trưởng Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 của Bộ GD&ĐT)

Phạm Anh (Pháp Luật TPHCM)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem