Dạy và học dưới bóng tử thần

Thứ hai, ngày 19/09/2011 14:54 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trường lớp xuống cấp trầm trọng, thầy cô giáo và chính quyền địa phương kêu cả chục năm nay nhưng không được đầu tư sửa chữa.
Bình luận 0

Nhiều trường phải "ăn nhờ ở đậu" bằng cách mượn nơi khác để học tạm hoặc phải thu hẹp hoạt động dạy và học... Đó là thực trạng của nhiều trường học ở các tỉnh vùng ĐBSCL.

Ở ĐBSCL, ngôi trường "trường thọ" nhất là Trường THPT Gò Đen (huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Năm 2001, do nhiều phòng ốc của trường này chuẩn bị sập nên thầy trò được lệnh dời đến điểm trường mới.

img
Học sinh Trường Tiểu học Phước Lập (huyện Tân Phước, Tiền Giang) "bơi" trong sân trường.

Học với “cụ” trường trăm năm tuổi

"Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa". Gọi là trường "mới" cho oai chứ đây là dãy nhà cấp 4 được xây dựng từ năm... 1903 - tính đến nay đã là 108 năm! Ngôi trường xây từ thời Pháp thuộc giờ đã rệu rã, các bức tường vôi đụng tới là bong ra từng mảng. Cột, kèo, đòn tay, rui, mè... bằng gỗ nhiều chỗ mục gãy, phải dùng cột tạm chống đỡ. Có lớp phải chống đỡ 2 cây cột tạm ở giữa phòng học để không bị sập.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thành Tâm cho biết, một lần nguyên cả kết cấu gỗ nặng hàng trăm kg bị mục rơi xuống ngay bục giảng. "Rất may lúc ấy không có giáo viên và học sinh, nếu không thì..."- thầy Tâm ngao ngán.

Tương tự, nhiều thầy cô ở Trường THCS Nhật Tảo (TP.Tân An, tỉnh Long An) đã từng phát hoảng vì 1 mảng bê tông "từ trên trời rơi xuống" vỡ tan tành ngay chỗ ngồi của học sinh. May mà sự cố diễn ra vào ngày Chủ nhật nên không có thương vong. Ngôi trường chuẩn bị sập này lẽ ra phải đem đập bỏ, nay được giao cho thầy trò Trường THPT Hùng Vương tiếp tục dạy và học...

Ở Tiền Giang, thầy và trò Trường Tiểu học Mỹ Tịnh An (huyện Chợ Gạo) suốt 8 năm qua cũng ngồi học trong nỗi lo... sập trường. Ngôi trường không biết xây dựng từ thời nào đến nay đã xuống cấp nặng nề. Do toàn bộ phần mái bỗng dưng "sụm bà chè" nên địa phương xuất 100 triệu đồng mua tôn thiếc lợp tạm để che nắng che mưa.

Không có tiền đóng la phông, phụ huynh và giáo viên đi nhặt thùng các tông "lợp" đỡ dưới mái tôn cho học sinh bớt nóng. Mỗi khi trời mưa, mái thiếc gây tiếng ồn đinh tai nhức óc nên thầy và trò chỉ còn biết ngồi chờ hết mưa mới có thể học tiếp. Đã vậy, chỉ cần một cơn gió mạnh là phần "la phông" rơi xuống đầu học sinh.

Khai giảng trong nỗi lo dịch bệnh

Theo khảo sát của chúng tôi, nhiều giáo viên ở những ngôi trường bị xuống cấp hiện nay không lo sập trường bằng nỗi lo dịch bệnh bùng phát bởi tình trạng vệ sinh tại trường quá kém.

Có mặt tại Trường Tiểu học Phước Lập 1 (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) vào giờ ra chơi, chúng tôi chứng kiến cảnh các em học sinh lội bì bõm trong khuôn viên nhà trường để ra đường mua quà bánh. Trời không mưa nhưng toàn bộ sân trường vẫn biến thành cái ao, nước ngập quá nửa bắp chân học sinh. Tiếp xúc với nước bẩn lâu ngày nên nhiều em bị nước ăn, các kẽ chân lở loét, chảy nước...

Cùng hoàn cảnh như thế là Trường THCS Tân Kim (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An). Mỗi lần có mưa, sân trường luôn bị ngập sâu, kéo dài nhiều ngày. Vì vậy mà nhiều người giới thiệu vui rằng "trường có hồ bơi". Còn tại Trường THPT Gò Đen (huyện Bến Lức, Long An), mỗi lần trời mưa là cả trường ngập trong biển nước, vừa do nước rút không kịp, vừa do nước ngoài đường tràn vào vì nền trường thấp hơn nền đường. "Nếu mưa nhỏ thì thầy trò còn tát nước trong lớp ra ngoài sân, còn mưa lớn thì lấy máy bơm cũng không xuể" - một giáo viên chua chát.

Ngày 15.9, UBND huyện Chợ Gạo cho hay, UBND tỉnh đã có văn bản thông báo Ngân hàng Công Thương Việt Nam đã đồng ý tài trợ 10 tỷ đồng để xây mới Trường Tiểu học Mỹ Tịnh An. Phần vốn đối ứng hơn 6 tỷ đồng sẽ lấy từ nguồn ngân sách của tỉnh.

Còn tại Trường Tiểu học Mỹ Tịnh An (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang), theo Ban Giám hiệu, mấy năm nay nhà trường buộc phải thu hẹp quy mô giảng dạy khi phải "xóa sổ" các lớp bán trú vì không thể để học sinh học suốt ngày trong điều kiện nguy hiểm, mất vệ sinh.

"Từ ngày xóa bán trú, nhiều cha mẹ học sinh đi làm cả ngày không có nơi gửi con nên đành để mấy cháu lê la hàng quán. Thành ra xung quanh trường tiệm game, tiệm bida mọc lên nhiều hơn trước..." - một phụ huynh bức xúc nói.

Ngoài ra, các lớp học hiện nay của trường đều chỉ được lợp tấm tôn mỏng, rất nóng. Năm 2007, thấy con em không chịu nổi nắng nóng, phụ huynh tự góp tiền làm hệ thống phun nước trên mái tôn, thiết kế kiểu... chuồng gà công nghiệp. Hệ thống này mát thì có mát nhưng các em hít hơi nước bị viêm phổi nên sau đó phải ngừng sử dụng...

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem