ĐB Dương Trung Quốc: Cần thay đổi tâm thế từ bị sang được chất vấn

Lương Kết (thực hiện) Chủ nhật, ngày 11/06/2017 15:51 PM (GMT+7)
"Tôi gặp rất nhiều vị Bộ trưởng, trưởng ngành, qua trao đổi thấy họ có suy nghĩ rất đúng, đó là thay đổi tâm thế từ chỗ "bị" trả lời chất vấn sang được trả lời chất vấn" - Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nói khi trao đổi với Dân Việt trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội.
Bình luận 0

img

ĐBQH Dương Trung Quốc (Ảnh: Đàm Duy)

Dần khắc phục hiện tượng trả lời “câu giờ”

Thưa ông, tuần tới Quốc hội bắt đầu vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Một trong những thay đổi lớn của kỳ chất vấn này là thời gian được tăng lên 3 ngày thay vì 2,5 ngày như trước. Là ĐBQH qua nhiều nhiệm kỳ ông có đánh giá gì?

- Rõ ràng càng ngày chúng ta càng thấy Quốc hội thể hiện rất rõ theo nghĩa là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Điều quan trọng nhất đối với đông đảo cử tri là Quốc hội phải thể hiện được mình. Không phải tự nhiên chữ Quốc hội gắn liền với một yếu tố: Đó là tiếng nói của ĐBQH với tư cách là tiếng nói của người dân.

Vì thế nhu cầu của người dân được chứng kiến, cũng có nghĩa là giám sát việc chất vấn của ĐBQH với đại diện cơ quan hành pháp là yêu cầu chính đáng. Trong mỗi kỳ họp Quốc hội, phiên chất vấn bao giờ cũng được đông đảo người dân quan tâm.

Trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển, từ lâu Quốc hội ta đã phát thanh và truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn, thảo luận những vấn đề quan nhằm đáp ứng mong muốn của quần chúng. Đương nhiên vấn đề thời lượng của các phiên chất vấn luôn là yếu tố được đặt ra.

Nếu như chúng ta nhìn lại toàn bộ hoạt động của các khóa Quốc hội trước đều thấy thời lượng cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn chưa thỏa mãn mong muốn của các ĐBQH và cử tri, không những vậy hiệu ứng của nó cũng có hạn chế.

Tôi lấy ví dụ, cách đây khoảng 5 -7 năm, hiện tượng người dân hay gọi là "câu giờ" khi các Bộ trưởng đăng đàn diễn khá phổ biến, kiểu trả lời này dường như để rút ngắn thời gian trao đổi trực tiếp nội dung cần trao đổi. Tuy nhiên, qua những kỳ họp Quốc hội gần đây vấn đề đó được khắc phục rất nhiều. Bản thân những vị có chức trách bên cơ quan hành pháp cũng ngày càng có ý thức nâng cao kỹ năng trong vấn đề trả lời chất vấn cũng như giải trình các vấn đề trước Quốc hội.

Bên cạnh đó cách thức tổ chức, từ việc lựa chọn đối tượng trả lời cho đến việc đặt ra những câu hỏi, thời lượng cho từng câu hỏi. Hiện nay có nhiều câu hỏi ĐBQH đặt ra không chỉ tập trung vào người đứng đầu một lĩnh vực, có thể câu hỏi đó trở thành một vấn đề liên quan đến nhiều ngành, để giải quyết vấn đề đòi hỏi vai trò của Phó Thủ tướng, Thủ tướng. Nói tóm lại tôi thấy Quốc hội ngày càng cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động.

Một thay đổi nữa là phiên chất vấn lần này sẽ có sự tham gia không chỉ 4 Bộ trưởng trả lời chính. Các Phó Thủ tướng phụ trách và cả Thủ tướng cũng sẽ tham gia trả lời chất vấn. Sự đổi mới này liệu có đem lại hiệu ứng tích cực với cử tri, thưa ông?

- Tôi cho rằng điều đó thể hiện Quốc hội rất ý thức được giá trị của phiên chất vấn, đặc biệt là hiệu ứng đối với công chúng, cử tri. Ngoài cải tiến về mặt thời gian, cải tiến về việc lựa chọn người trả lời chất vấn tôi nghĩ sẽ đem lại hiệu quả tích cực. Hơn thế nữa cũng phải nói các phiên chất vấn không chỉ diễn ra giữa hai kỳ họp Quốc hội, nó còn diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có những phiên điều trần, giải quyết vấn đề cụ thể liên quan đến một số vị Bộ trưởng, trưởng ngành. Cách đổi mới như vậy ngày càng tạo được sự tin tưởng của người dân đối với hoạt động của Quốc hội.

Vẫn còn trưởng ngành trả lời chất vấn với tư thế “gắng thoát hiểm”

Trước đây ông từng góp ý rằng, phiên chất vấn của Quốc hội nên dành cho Phó Thủ tướng phụ trách từng lĩnh vực trả lời và Thủ tướng trả lời thêm, các Bộ trưởng liên quan trả lời bổ sung, như vậy để đảm bảo sự bao quát, vấn đề đặt ra sẽ có phương án giải quyết lập tức chứ không phải lời hứa. Ông có còn giữ quan điểm đó không?

- Do đặc điểm cơ cấu tổ chức của chúng ta, một Bộ, một ngành liên quan đến nhiều vấn đề, có những vấn đề đặt ra có khi một Bộ, ngành không thể giải quyết được nên cần người có thẩm quyền cao hơn. Tuy nhiên việc chọn từng Bộ, ngành để chất vấn cũng có mặt ưu điểm đó là người hỏi sẽ vấn đề nóng, thuộc lĩnh vực cụ thể đang được xã hội quan tâm.

Cách làm hiện nay là chọn ra một số Bộ trưởng, chẳng hạn chọn 4 vị Bộ trưởng trong số hơn 20 vị để đăng đàn trực tiếp. Việc lựa chọn trên cơ sở lấy ý kiến của các vị ĐBQH, ĐBQH lựa chọn người trả lời trên cơ sở thực tiễn đời sống xã hội có những vấn đề nóng, vấn đề dư luận quan tâm xem đó thuộc lĩnh vực nào.

Tuy nhiên khi trả lời, vấn đề không chỉ liên quan đến một Bộ, ngành mà liên quan đến nhiều Bộ, ngành khác và người lãnh đạo cao hơn thậm chí cao nhất của Chính phủ sẽ trả lời. Có thể thấy gần như cả Chính phủ bên cạnh các vị Bộ trưởng khi họ trực tiếp đăng đàn, sẵn sàng trả lời những vấn đề liên quan.

Nói về cách làm, có nhiều cách tổ chức khác nhau, trong quá trình hoạt động sẽ phát hiện ra những phương thức mới có thể sẽ hiệu quả hơn Quốc hội lại điều chỉnh, lựa chọn. Rõ ràng nhìn vào việc Quốc hội điều chỉnh phiên chất vấn lần này thấy ngày càng đi đúng hướng và tạo ra sự quan tâm của xã hội.

Là ĐBQH trải qua 4 nhiệm kỳ liên quan, ông đánh giá thế nào về chất lượng của ĐBQH khi chất vấn tại những phiên gần đây thưa ông?

- Nhìn chung, có thể thấy Quốc hội khóa XIV là khóa mới với 2/3 là ĐB mới lần đầu tham gia Quốc hội. Lúc đầu nhiều người cũng e ngại nghĩ rằng có thể do kỹ năng, do chưa quen nhưng qua 2 kỳ họp trước và kỳ họp thứ 3 này cũng đã trải qua 2/3 thời gian, có thể thấy điểm nổi bật là có rất nhiều ĐBQH đăng ký phát biểu trong các phiên thảo luận, phiên chất vấn, nhiều người muốn bày tỏ quan điểm thông qua việc tranh luận.

Có thể nói bây giờ ĐBQH muốn phát biểu ý kiến cũng không đơn giản, như bản thân tôi tại nhiều hôm đăng ký phát biểu nhưng không tới lượt, lại phải thể hiện bằng cách khác như viết và gửi bản tham luận.

Các ĐBQH tuy mới nhưng có những biểu hiện tích cực. Còn nói đến chất lượng thì vô cùng, rất khó nói. Điều quan trọng là Quốc hội nêu lên được những vấn đề của đời sống xã hội. Về phía các cơ quan chức năng, tôi thấy cũng hạn chế được cách nói vòng vo hoặc né tránh.

Ở các kỳ họp Quốc hội trước, khi trao đổi bên hành lang ông có nói với các Bộ trưởng, trưởng ngành hãy thay đổi tâm thế từ "bị" chất vấn sang được chất vấn. Ông thấy sự thay đổi của các tư lệnh ngành thế nào?

- Tôi gặp rất nhiều vị Bộ trưởng, trưởng ngành, qua trao đổi thấy họ có suy nghĩ rất đúng, đó là thay đổi tâm thế từ chỗ "bị" trả lời chất vấn sang được trả lời chất vấn. Được trả lời nghĩa là anh có cơ hội để bày tỏ quan điểm, bảo vệ quan điểm của mình, tiếp thu những ý kiến tốt, khi các vị lãnh đạo các bộ, ngành coi việc đăng đàn trả chất vấn coi là cơ hội đó là biểu hiện tích cực.

Tôi thấy đã có nhiều vị Bộ trưởng đã làm được như vậy, thậm chí có Bộ trưởng còn tranh luận lại với người chất vấn.

Tuy nhiên không phải không còn người khi trả lời chất vấn vẫn mang biểu hiện cố gắng "thoát hiểm" hay nói cách khác là cố gắng vượt qua nó như một kỳ thi sát hạch. Tôi nghĩ tâm chế được trả lời chất vấn ngày thích hợp bởi nhờ có vậy, người dân sẽ có cơ hội hiểu hơn được tất cả hoạt động các lĩnh vực nói riêng và của Chính phủ nói chung.

Xin cảm ơn ông (!)

Theo chương trình, phiên chất vấn của Quốc hội diễn ra từ 13 đến 15.6. Các Bộ trưởng trực tiếp đăng đàn là Bộ trưởng Bộ NNPTNN, VHTTDL, Y tế, Kế hoạch - Đầu tư. Bên cạnh đó các vị Bộ trưởng, trưởng ngành khác sẽ trả lời những vấn đề liên quan và 4 Phó Thủ tướng sẽ trả lời vấn đề liên quan trách nhiệm của Chính phủ. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng sẽ dành khoảng 40 phút để phát biểu ý kiến và trả lời chất vấn ĐBQH (nếu có).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem