Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội luôn có nhiều đại biểu đăng ký phát biểu (trong ảnh: Đại biểu Vương Ngọc Hà (Hà Giang) phát biểu). Ảnh: Đàm Duy
Thông báo nêu rõ: Theo chương trình kỳ họp đã được thông qua, ngày 9.6, Quốc hội sẽ thảo luận toàn thể tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017. Đây là nội dung quan trọng, luôn thu hút sự quan tâm, theo dõi của các vị đại biểu Quốc hội cũng như cử tri và nhân dân cả nước.
Ngay tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, mặc dù thời gian thảo luận về kinh tế - xã hội không nhiều nhưng đã có 50 đại biểu đăng ký phát biểu, có 25 đại biểu đã phát biểu. Tại kỳ thứ 2 Quốc hội khóa XIV, có đến 91 đại biểu phát biểu sau 2 ngày Quốc hội thảo luận về tái cơ cấu nền kinh tế và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Tại kỳ họp này, căn cứ kết quả thảo luận tại tổ và để có thêm thời gian cho nhiều vị đại biểu phát biểu, các thành viên Chính phủ giải trình, làm rõ vấn đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với đề nghị của các vị đại biểu Quốc hội cho phép kéo dài thời gian phiên họp chiều 9.6 đến 18h30.
Như vậy, đây là lần đầu tiên trong vài nhiệm kỳ gần đây, Quốc hội sẽ phá lệ, tăng thời gian thảo luận thêm 1 giờ 30 phút.
Đây không chỉ là điểm mới duy nhất của kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV. Một điểm mới cũng rất được dư luận chú ý đó là kỳ từ họp này Quốc hội sẽ tăng thời lượng chất vấn và trả lời chất vấn lên 3 ngày (thay cho 2,5 ngày).
Khác với các kỳ họp trước, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ không làm việc vào ngày thứ Bảy, để các đại biểu dành thời gian nghiên cứu tài liệu. Tuy nhiên, các cơ quan của Quốc hội vẫn làm việc thứ bảy để chuẩn bị nội dung kỹ hơn cho tuần làm việc tới.
Ngay vào tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 3, sau phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, thấy còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức một hội nghị vào ngày thứ Bảy để nghe các ý kiến góp ý của các vị đại biểu Quốc hội cho dự luật này.
Những kỳ họp gần đây, tại các phiên thảo luận về các dự án luật, chương trình giám sát, thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, chất vấn và trả lời chất vấn... Quốc hội đã áp dụng hình thức cho đại biểu giơ biển xin tranh luận với các ý kiến trước đó. Khi đại biểu xin tranh luận, người điều hành phiên họp sẽ ưu tiên cho phát biểu trước các đại biểu đăng ký phát biểu thông thường, thời gian để mỗi đại biểu tranh luận là 3 phút.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.