Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. (Ảnh: Lê Hiếu)
Có những kẻ "lội ngược dòng đạo lý"
Mở đầu bài phát biểu, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) bày tỏ sự tán thành với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vì báo cáo đã nêu đầy đủ bức tranh về hoạt động của các cơ quan tư pháp, trong đó có hoạt động của Cơ quan điều tra.
Theo đại biểu Nhưỡng, không ai có thể phủ nhận rằng cơ quan điều tra nói chung, trong đó có cơ quan điều tra Công an nhân dân nói riêng đã có những cống hiến vô cùng to lớn cho hoạt động tố tụng, đã khám phá hàng triệu vụ án lớn nhỏ đem lại sự bình yên cho xã hội.
Biết bao vụ án, câu chuyện ly kỳ để đời như chuyện bắt tướng cướp Bạch Hải Đường, vụ Năm Cam..., hay hiện nay điều tra các vụ án lớn như vụ án Vũ “nhôm”, đại án trong lĩnh vực dầu khí, ngân hàng... Gần đây nhất là khám phá vụ án đánh bạc nghìn tỷ trên mạng có liên quan đến cựu tướng Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa... đã làm nức lòng người dân.
“Tối 8.11 tôi xem chương trình Lần theo dấu vết trên VTV1. Chương trình làm bật lên sự khôn khéo, mưu trí của một nhóm sĩ quan điều tra, trong đó có một gương mặt quen thuộc mà khi ông xuất hiện ở bất kỳ đâu người dân đều có niềm tin vào hoạt động điều tra. Đó chính là Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến – nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an”, đại biểu Nhưỡng chia sẻ. Ông cho biết ông gặp tướng Hồ Sỹ Tiến trong một hoàn cảnh rất "đặc biệt", khi ông tới thôn Hoành, Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội năm 2017 khi sự kiện "Đồng Tâm" đang nóng ran.
Theo đại biểu Nhưỡng, điều đáng tiếc là trong quá trình điều tra vẫn còn có những con người không xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân. “Thậm chí có những kẻ dám dùng bộ trang phục cao quý của lực lượng công an, vận dụng nghiệp vụ chuyên môn do Nhà nước trang bị để lội ngược dòng đạo lý”, ông nói.
Vị đại biểu Bến Tre nhắc lại vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), vụ cụ Trần Văn Thêm (Bắc Ninh), vụ Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận). Theo ông những vụ án oan đó đều khởi nguồn từ việc hoạt động điều tra có sai phạm, vi phạm rất nghiêm trọng pháp luật tố tụng.
Mong một cuộc "đổi mới thực sự"
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết thêm, tại phiên chất vấn ngày 3.11, ông có đề cập tới tình hình sai phạm của lực lượng điều tra trong Công an, trong đó có xử lý tin tố giác tội phạm.
“Hôm nay tôi xin được báo cáo rõ, nếu đem so sánh các vi phạm pháp luật trong hoạt động của các cơ quan điều tra với nhau thì vi phạm của ngành Công an chiếm tỷ lệ nhiều nhất, có những sai phạm chiếm tuyệt đối”, ông nói và cho biết, trong thời gian qua khi nhận được đơn về những vụ việc có dấu hiệu tội phạm ông đã chuyển Bộ trưởng, một số Thứ trưởng của Bộ Công an. Ông cũng nêu rõ một vụ việc chưa được Bộ trưởng Công an trả lời.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh, ông mong muốn rằng sẽ có một cuộc đổi mới thực sự trong lĩnh vực này, để lực lượng điều tra, những người giữ cửa đầu vào của công tác tố tụng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
“Tôi phát biểu như này thể hiện rằng cá nhân tôi và cử tri luôn rất quan tâm, mong ngành công an lấy lại niềm tin yêu, sự khâm phục vốn đã bị sứt mẻ thời gian qua từ nhân dân. Làm thế nào để mỗi cán bộ chiến sĩ luôn quán triệt việc thực hiện nghiêm 6 điều Bác Hồ dạy lực lượng Công an nhân dân, đừng làm những việc gây tổn thương cho người dân, đặc biệt "đừng làm láo nháo, báo cáo thì hay, dối trên gạt dưới, lấy thành tích mà làm những việc trái đạo đức, trái lương tâm, vi phạm pháp luật”, đại biểu Nhưỡng nói.
Chốt lại bài phát biểu, vị đại biểu này cho hay nhiều cử tri ước ao giá cả mỗi tỉnh, thành phố có một người tài như tướng Hồ Sỹ Tiến, Bộ Công an có 10 người như Hồ Sỹ Tiến thì hay biết mấy.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến sinh năm 1957, quê Nghệ An. Năm 1975, ông học trường An ninh. Năm 1981, ông bắt đầu công tác. Ông từng công tác tại Phòng cảnh sát điều tra (Công an TP.Hà Nội); Công an quận Cầu Giấy, Cục Cảnh sát hình sự.
Ngày 3.1.2018, Bộ Công an đã trao quyết định nghỉ chờ hưởng chế độ hưu trí cho Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.