ĐB Nguyễn Thị Kim Bé: Biến đổi khí hậu đến với ĐBSCL quá nhanh, mong giải pháp "8G" của Thủ tướng sớm thành hiện thực

Khương Lực Thứ hai, ngày 29/03/2021 12:17 PM (GMT+7)
Thảo luận về báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ ngày 29/3, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé bày tỏ chia sẻ với tâm trạng sốt ruột của Thủ tướng khi thấy đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trù phú mà vẫn chưa phát triển, phát huy hết tiềm năng và mong giải pháp 8G của Thủ tướng biến thành hiện thực để nông nghiệp ĐBSCL phát triển.
Bình luận 0

Sáng 29/3, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ. ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) trực tiếp góp ý vào những hạn chế trong báo cáo Chính phủ nêu để nông nghiệp vùng ĐBSCL phát triển đúng với tiềm năng, lợi thế sẵn có.

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé: Mong giải pháp 8G của Thủ tướng đừng dừng lại trên giấy để nông nghiệp ĐBSCL phát triển - Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang): "Giải pháp 8G của Thủ tướng nêu là một động lực rất lớn cho ĐBSCL, tôi rất mong giải pháp này thành hiện thực trên kế hoạch, trên dự án. Kiến nghị Chính phủ có giải pháp triển khai nghị quyết 120 quyết liệt hơn". Ảnh: QH

Mong giải pháp 8G của Thủ tướng thành hiện thực

Thảo luận tại hội trường, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) đánh giá cao những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2016-2020 công tác của Chính phủ. Góp ý trực tiếp vào những hạn chế của Chính phủ, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé chia sẻ tâm trạng sốt ruột của Thủ tướng Chính phủ khi thấy ĐBSCL là nơi trù phú mà vẫn chưa phát triển, phát huy hết tiềm năng.

"Nhiệm vụ của ĐBSCL đã được xác định rõ trong Nghị quyết của Đảng, khó khăn của ĐBSCL đã được các nhà chuyên gia, quản lý phân tích, chính sách đã được tăng cường cho ĐBSCL như Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các nội dung của Nghị quyết còn chậm trong khi tác động biến đổi khí hậu đến vùng này nhanh hơn và phức tạp hơn" - ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé nói.

Thiên tai, nhân tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu gây thiệt hại rất nặng nề, nhất là sự cố ô nhiễm môi trường ở ven biển miền Trung năm 2016, dịch tả lợn châu Phi năm 2019, hạn hán, xâm nhập mặn ở Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, bão lũ lịch sử ở miền Trung.
Đặc biệt là đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay đã tác động mạnh đến mọi mặt đời sống xã hội; sản xuất kinh doanh đình trệ; hàng triệu lao động thiếu, mất việc làm, giảm sâu thu nhập; hoạt động văn hóa, xã hội và đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Bày tỏ chia sẻ với tâm trạng sốt ruột của Thủ tướng khi thấy ĐBSCL là nơi trù phú mà vẫn chưa phát triển, phát huy hết tiềm năng, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé cho biết, gần đây Thủ tướng Chính phủ tiếp tục khảo sát, đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết 120 và đưa ra nhiều giải pháp để vực dậy ĐBSCL.

"Giải pháp 8G của Thủ tướng nêu là một động lực rất lớn cho ĐBSCL, tôi rất mong giải pháp này thành hiện thực trên kế hoạch, trên dự án. Kiến nghị Chính phủ có giải pháp triển khai nghị quyết 120 quyết liệt hơn" - ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé nhấn mạnh.

Phát biểu ý kiến thảo luận về báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, trong báo cáo Chính phủ đã chỉ rõ hạn chế phát triển nông nghiệp vẫn còn những yếu tố thiếu bền vững. Tiếc rằng, Chính phủ không chỉ ra những nguyên nhân khiến nông nghiệp phát triển thiếu bền vững.

"Phải chăng những nguyên nhân chính là quy hoạch nông nghiệp nói riêng và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung chưa phù hợp, chưa hợp lý, chú trọng phát triển số lượng hơn chất lượng, chưa phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chưa có sự liên kết giữa công nghiệp chế biến, thương mại với nông nghiệp, nông dân, chưa có giải pháp về phòng khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh" - ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy nêu vấn đề.

Nhận định nông nghiệp và nông dân đóng vai trò rất quan trọng, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy kiến nghị Chính phủ cần sớm chỉ ra nguyên nhân hạn chế và đề ra các giải pháp để khắc phục các hạn chế này để đời sống nông dân được cải thiện, nông nghiệp đóng góp nhiều hơn nữa vào sự thịnh vượng của đất nước.

Cẩn trọng, tỉnh táo trong xây dựng đô thị bên bờ sông Hồng

Góp ý về phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2021-2025 của Chính phủ, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) đề nghị Chính phủ cần tăng cường công tác chỉ đạo bảo vệ môi trường, khẩn trương xây dựng đề án trồng 1 tỷ cây xanh.

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé: Mong giải pháp 8G của Thủ tướng đừng dừng lại trên giấy để nông nghiệp ĐBSCL phát triển - Ảnh 3.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) lưu ý, cần cẩn trọng, tỉnh táo trong xây dựng đô thị bên bờ sông Hồng và khu vực thoát lũ có thể gây hệ lụy lớn và lâu dài về môi trường và đời sống nhân dân, sản xuất kinh doanh vùng hạ lưu vì cái lợi trước mắt mà bỏ cái lợi lâu dài. Ảnh: QH

ĐBQH Lưu Bình Dưỡng lưu ý, cần cẩn trọng, tỉnh táo trong xây dựng đô thị bên bờ sông Hồng và khu vực thoát lũ có thể gây hệ lụy lớn và lâu dài về môi trường và đời sống nhân dân, sản xuất kinh doanh vùng hạ lưu vì cái lợi trước mắt mà bỏ cái lợi lâu dài.

"Tôi coi sông Hồng là động mạch của quốc gia vì vậy cần trồng cây xanh để tạo lá phổi xanh cho quốc gia để bảo vệ thủ đô, bảo vệ đất nước" - ông Nhưỡng khẳng định.

Về nông nghiệp, ĐBQH Lưu Bình Dưỡng nhấn mạnh, Việt Nam cần phấn đấu xây dựng vị trí là một cường quốc nông nghiệp. "Tận dụng mọi tiềm năng sẵn có và thành tựu khoa học kỹ thuật để tổ chức một nền nông nghiệp tiên tiến, hữu cơ, nông nghiệp sạch có chất lượng cao phục vụ nhu cầu ngày càng cao, an toàn trong nước và thế giới. Tôi coi nông nghiệp vừa là bà đỡ, vừa là chị nuôi vừa là bác sỹ" - ông Nhưỡng nói.

Nông nghiệp tăng trưởng 3,16% trong quý I/2021

Ngày 24/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2020 của Chính phủ. Với những kết quả được mô tả là "đáng mừng", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết nông nghiệp Việt Nam được cả mùa lẫn giá trong 3 tháng đầu năm 2021.

Thủ tướng nhận định, Việt Nam đang xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả cao và "thuận thiên" thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống, khẳng định vai trò là "trụ đỡ" của nền kinh tế, cả trong bối cảnh dịch Covid-19.  

Triển khai Nghị quyết 120 năm 2017 của Chính phủ khá thành công về tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu phát triển bền vững và phát triển hạ tầng quan trọng tại ĐBSCL. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 2016 - 2020 về đích sớm trước gần 2 năm.

Theo số liệu cập nhật mới nhất từ Tổng cục Thống kê, trong quý I/2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%, đóng góp 8,34% vào mức tăng trưởng chung.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong quý I/2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước do năng suất lúa, sản lượng cây lâu năm đạt khá, dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát tốt, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng khá, đồng thời thị trường xuất khẩu các mặt hàng gỗ và lâm sản được mở rộng.

Chữ G đầu tiên là Giao thông, phải dành nguồn lực và tập trung ưu tiên phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, gắn với tầm nhìn chung của toàn vùng ĐBSCL, nhất là hệ thống cao tốc, tạo sự liên kết, kết nối thuận tiện, chi phí thấp, thúc đẩy giao thương, mở mang kinh tế cho người dân…làm cơ sở ứng phó hiệu quả với thách thức của biến đổi khí hậu.

8 chữ G theo mong muốn của Thủ tướng Chính phủ là gì?

Phát biểu kết luận tại Hội nghị lần thứ ba về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (diễn ra tại TP Cần Thơ) ngày 13/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra quan điểm chiến lược tiếp cận mới đối với sự phát triển vùng ĐBSCL với 8 nội dung có các từ khóa đều bắt đầu bằng chữ G.

Chữ G đầu tiên là Giao thông, phải dành nguồn lực và tập trung ưu tiên phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, gắn với tầm nhìn chung của toàn vùng ĐBSCL, nhất là hệ thống cao tốc, tạo sự liên kết, kết nối thuận tiện, chi phí thấp, thúc đẩy giao thương, mở mang kinh tế cho người dân…làm cơ sở ứng phó hiệu quả với thách thức của biến đổi khí hậu.

Chữ G thứ hai là Giáo dục, đây vừa là "chìa khóa vàng" của phát triển bền vững, vừa là đáp án cho bài toán phát triển ngắn hạn lẫn dài hạn.

ĐBSCL phải đảm bảo tất cả trẻ em đều được học hết bậc phổ thông, không được phép để trẻ em nào không được đến trường vì không có điều kiện tài chính.

Người dân phải được đảm bảo có cơ hội tiếp cận giáo dục nghề, việc làm cơ bản. Ngoài ra, người dân cần được tiếp cận giáo dục trình độ cao, để giúp tăng thu nhập.

Chữ G thứ ba là giang, tức là con sông - hình ảnh mang đậm chất văn hóa miền Tây. Chiến lược phát triển ĐBSCL cần tận dụng lợi thế và vai trò của các con sông để phát triển kinh tế nông nghiệp, lúa gạo, trái cây, thủy sản.

Chữ G thứ tư là Gắn, tức gắn kết giữa Trung ương với địa phương, nhà nước với thị trường, người dân với doanh nghiệp, trong nước và các tổ chức quốc tế, nhất là thúc đẩy liên kết vùng ĐBSCL.

Chữ G thứ 5 là Giàu, đó là cần tiếp tục thu hút người giàu, người khá giả đến đầu tư, làm ăn, sinh sống tại vùng. Muốn vậy các địa phương trong vùng phải tạo môi trường đầu tư kinh doanh, điều kiện sống thuận lợi.

Chữ G thứ 6 là Giỏi, vùng cần có chính sách để thu hút được các nhân tài đóng góp trí tuệ đối với sự phát triển của vùng đất "chín rồng".

Chữ G thứ 7 là Già, chính là thách thức của già hóa dân số ở ĐBSCL, bởi tốc độ già hóa dân số ở vùng cao hơn bình quân chung cả nước và dân số già dễ bị tổn thương về kinh tế, xã hội và môi trường. Do đó vùng cần có chính sách chủ động cho vấn đề này, hình thành mạng lưới an sinh xã hội tốt hơn.

Chữ G thứ 8 là Giới, đó là phải thúc đẩy bình đẳng giới, tiếp cận cơ hội việc làm và phát huy vai trò, vị trí của người phụ nữ.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem