Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đặt vấn đề khó khăn đối với các doanh nghiệp nội trong giai đoạn hiện nay sau 9 tháng đầu năm, ông An cho biết 91.000 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường. Số này chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, lĩnh vực thương mại, dịch vụ.
Ông đề nghị Bộ trưởng đánh giá kỹ đối với các chính sách hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông cũng nhấn mạnh vai trò của các ngân hàng trong gói hỗ trợ, cần điều chỉnh mức lãi suất hợp lý, bởi theo vị đại biểu này thời gian qua các ngân hàng đã giảm lãi suất nhưng lợi nhuận ngân hàng vẫn tăng trong khi các doanh nghiệp rời khỏi thị trường liên tục tăng, 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tiếp cận được vốn.
Theo ông An, nếu số doanh nghiệp này không hồi phục kịp thời, mức tăng trưởng 6,5% GDP sẽ rất khó khăn.
Thừa nhận thực trạng mà đại biểu An nêu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, khó khăn hiện nay của doanh nghiệp tập trung chính vào vấn đề tổng cầu, khi sản lượng, doanh thu giảm mạnh.
Tiếp đến là doanh nghiệp khó khăn dòng tiền, không có sản xuất thì không có nguồn thu; Thiếu hụt nguyên liệu đầu vào. Chuỗi cung ứng sản xuất, xuất khẩu bị gián đoạn; Khó khăn về chi phí đầu vào đang tăng rất cao; Khó khăn về vấn đề lao động.
Sau khi có Nghị quyết 105, 128 của Chính phủ, tinh thần doanh nghiệp, theo ông, đã tương đối tích cực hơn, các doanh nghiệp đã mở cửa tái sản xuất.
"Tại các khu công nghiệp phía Nam, 92-96% doanh nghiệp đã khôi phục sản xuất, 70-75% lao động trở lại. Dự kiến đến quý I năm sau, 100% doanh nghiệp sẽ khôi phục hoạt động hoàn toàn", Bộ trưởng Dũng thông tin.
Khó khăn đối với các doanh nghiệp hiện tại còn tiếp tục là khó khăn nguồn vốn, dòng tiền, chi phí đầu vào, chi phí logistic, thiếu hụt lao động, chi phí phòng chống dịch, thực thi phòng chống dịch chưa thống nhất tại các địa phương khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, với vấn đề hỗ trợ, Bộ trưởng cũng thừa nhận, thời gian qua chính sách mới tập trung hỗ trợ vào các doanh nghiệp khỏe, những doanh nghiệp vẫn còn tạo ra doanh thu và lợi nhuận, thông qua các chương trình giảm thuế, hoãn thuế.
"Những doanh nghiệp yếu đúng là chưa được quan tâm hỗ trợ", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết. Các chính sách cho nhóm này vẫn dừng ở các gói hỗ trợ chung, tổng thể. Theo đó, ông Dũng cho rằng cần thiết phải có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn trong thời gian tới.
ĐBQH Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng về việc xây dựng kịch bản để ứng phó với rủi ro, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế
Trả lời nội dung trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ KH&ĐT xây dựng theo 2 kịch bản trong 2 trường hợp không có chương trình phục hồi hoặc có chương trình phục hồi. Trên cơ sở đó, xác định mức nợ công, bội chi, lạm phát với từng kịch bản.
"Về quan điểm, chúng tôi cho rằng phải mạnh dạn hơn để phát triển kinh tế, đảm bảo phục hồi phát triển kinh tế, đặc biệt là sự phục hồi của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vẫn phải đảm bảo tăng trưởng quy mô GDP của nền kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo nhiều việc làm cho xã hội nhưng vẫn đảm bảo an toàn về nợ công và bội chi ngân sách", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu ý kiến.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, công cụ quan trọng nhất là phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của giá cả, nợ xấu… điều chỉnh điều hành linh hoạt cung tiền để giảm áp lực lạm phát.
Qua đó, bảo đảm nguồn cung nguyên nhiên vật liệu, đầu tư công, đảm bảo hiệu quả mang tính dẫn dắt nguồn vốn ngoài Nhà nước cùng tham gia.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lo ngại lạm phát, nợ xấu tăng cao
Trước chất vấn của đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước là một trong những bộ ngành vào cuộc quyết liệt hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo đó, ngay từ năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần lãi suất điều hành từ 1,5 đến 2% - giảm sâu so với khu vực.
Bên cạnh đó, NHNN chỉ đạo kêu gọi các NHTM giảm lãi suất cho vay mới và cũ. Hiện mặt bằng lãi suất cho vay giảm 1,66% so với trước dịch, tổng mức tiền lãi suất giảm 30.000 tỷ.
Từ nay tới cuối năm, các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Ngoài giảm lãi suất, hệ thống ngân hàng giảm hơn 2.000 tỷ đồng các loại phí dịch vụ ngân hàng.
Về dư địa chính sách tiền tệ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, năm 2021, chỉ tiêu đạt lạm phát dưới 4% có thể đạt được nhưng năm 2022, rủi ro lạm phát có áp lực rất lớn. Khi nền kinh tế thế giới đã và dần phục hồi, giá cả hàng hóa đang có xu hướng gia tăng, một số mặt hàng như xăng dầu đã tăng rất cao, nhiều nước phát triển đã ghi nhận mức lạm phát cao nhất lịch sử. Với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu rất lớn.
Các Ngân hàng trung ương trên thế giới hiện cũng giảm dần nới lỏng chính sách, tạo áp lực điều hành cho Việt Nam thời gian tới.
Đồng thời, nợ xấu của các tổ chức tín dụng cũng đang gia tăng. Các ngân hàng giảm lãi suất bằng chính nguồn lực chứ không phải từ ngân sách. Khi nợ xấu gia tăng các tổ chức cũng phải dùng nguồn lực để xử lý.
"Nếu nguồn lực của tổ chức tín dụng suy giảm sẽ ảnh hưởng tới hoạt động, tính an toàn của hệ thống", bà Hồng nói.
Bài học từ cuộc khủng hoảng 2008-2009 theo bà vẫn còn, nếu tính toán không cẩn thận, rủi ro lạm phát có thể quay trở lại.
Thống đốc cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo cố gắng tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất nhưng phải đảm bảo mức độ an toàn của từng tổ chức tín dụng và hệ thống.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tính toán các gói hỗ trợ lãi suất hợp lý, trên cơ sở ổn định vĩ mô, phòng ngừa rủi ro lạm phát.
Cũng trong phiên sáng 12/11, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng về cách tiếp cận xây dựng chương trình khôi phục nền kinh tế sau đại dịch.
Trả lời vấn đề Đại biểu tới từ Hải Dương, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu 7 định hướng lớn. Trước hết là việc tiếp cận theo diễn biến của tình hình dịch bệnh, tiến độ tiêm vaccine và khả năng cung ứng thuốc điều trị khi chuyển sang trạng thái bình thường mới. Qua đó, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Từ đó chủ động xây dựng phương án và kịch bản để đối phó.
Hai là xây dựng chính sách theo hướng mở để có thể điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với nhu cầu thực tế của các đối tượng cần hỗ trợ trong từng thời gian cụ thể. Ba là vừa hỗ trợ phục hồi nhanh trong ngắn hạn vừa lồng ghép với chiến lược, kế hoạch 5 năm trong dài hạn.
Bốn là các chính sách phải bảo đảm kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế như an toàn tài chính quốc gia, hoạt động của các tổ chức tín dụng và các chỉ tiêu về nợ công, lạm phát.
Năm là các chính sách này hướng tới tác động cả về phía cung và phía cầu, cả về kinh tế và an sinh xã hội, lao động việc làm và phải có trọng tâm trọng điểm. Sáu là phù hợp với khả năng huy động và trả nợ. Cuối cùng là có nhóm giải pháp kiểm soát, giám sát chặt chẽ trong việc thực hiện để đạt các mục tiêu đề ra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.