ĐBQH Dương Trung Quốc nói về bài học lớn nhất thu được trong năm 2020 và cả nhiệm kỳ

Lương Kết Thứ bảy, ngày 02/01/2021 08:03 AM (GMT+7)
Theo Nhà sử học, ĐBQH Dương Trung Quốc, qua thử thách khó khăn từ thiên tai vừa qua, rồi dịch bệnh có tính toàn cầu (đại dịch Covid -19), chúng ta càng nhận ra những giá trị mà mình đã có, cần phải được củng cố và phát huy, đó chính là tinh thần đoàn kết một lòng.
Bình luận 0

Nhân dịp bước vào năm mới 2021, Nhà sử học, ĐBQH Dương Trung Quốc có chia sẻ với PV Dân Việt về những vấn đề của năm qua và dự cảm trong năm mới.

ĐBQH Dương Trung Quốc: Bài học lớn nhất chúng ta thu được trong năm 2020 cũng như trong nhiệm kỳ - Ảnh 1.

Nhà sử học, ĐBQH Dương Trung Quốc (ảnh Q. P).

Bước vào năm mới 2021, trước thềm Đại hội XIII của Đảng, người dân nói chung và các giới trong xã hội đều mang suy nghĩ, sự kỳ vọng về bước phát triển mới của đất nước. Là nhà nghiên cứu lịch sử, đại biểu Quốc hội, ông có suy nghĩ gì?

- Tôi thường hay nhắc câu cửa miệng của người xưa "nhật tân, nhật tân hựu nhật tân", nghĩa là mỗi ngày một mới. Mới ở đây được hiểu là sự phát triển, sự thay đổi, đương nhiên có yếu tố mà nhiều người quan tâm cũng như thực tiễn đang đòi hỏi là đổi mới phải bền vững. Sự bền vững hiện nay đứng trước nhiều thách đố, nếu như trước đây sự thách đố của xã hội thì hiện nay chung ta phải đứng trước thách đố của thiên nhiên, của dịch bệnh có tính toàn cầu (đại dịch Covid-19).

Có thể nói bài học lớn nhất chúng ta thu được trong năm 2020 cũng như trong nhiệm kỳ vừa qua chính là lòng dân. Lòng dân được củng cố đó là nền tảng của tất cả mọi thành công, để đạt những thành tựu mới cũng như vượt qua những thử thách mới. Muốn như thế tôi rất mong từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII chúng ta có được bộ máy lãnh đạo luôn phát huy tinh thần gương mẫu, tinh thần truyền thống của cha ông để góp phần cho đất nước phát triển.

Phải nói qua thử thách khó khăn vừa qua, kể cả yếu tố có tính toàn cầu chúng ta càng nhận ra những giá trị mà mình đã có, cần phải được củng cố và phát huy, đó là tinh thần đoàn kết một lòng.

ĐBQH Dương Trung Quốc: Bài học lớn nhất chúng ta thu được trong năm 2020 cũng như trong nhiệm kỳ - Ảnh 2.

Đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới (ảnh TTXVN).

Theo ông hiện nay chúng ta có những thuận lợi và những khó khăn gì trong chặng đường tiếp theo?

- Rõ ràng câu chúng ta thường hay dùng "biến nguy thành cơ" nghĩa là chúng ta cũng có cơ hội rất lớn. Chính sự thành công của chúng ta thời gian vừa qua đã tạo tiền đề để có những cơ hội mới. Chúng ta giữ được môi trường chính trị, xã hội ổn định, chúng ta ngăn cản được dịch bệnh, từ đó những nguồn lực từ bên ngoài đến với đất nước. Vấn đề còn lại là chúng ta có đón nhận được cơ hội đó không.

Sự đón nhận ở cả hai phương diện, đó là nhà nước và người dân. Nhà nước đón nhận bằng chính sách, nhưng đổi mới không phải của nhà nước mà còn là chính người dân, do đó người dân cũng phải đủ năng lực để tiếp nhận. Rõ ràng vấn đề rất lớn của chúng ta hiện nay là nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu mới nếu không chúng ta sẽ lại mất cơ hội và đã có nhiều bài học sâu sắc về vấn đề này. 

Một vấn đề lớn lâu nay chúng ta thường hay nói và luôn muốn giữ vững đó là niềm tin hay còn là lòng tin của người dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, ông nghĩ gì về điều này?

- Nói đến niềm tin hay còn gọi lòng tin của người dân, tôi muốn nói đến một khái niệm mà Cụ Hồ có nhắc đến. Chúng ta thường hay nói đến quyết tâm nhưng Cụ Hồ dùng chữ tín tâm, rất nhiều lần Cụ nói. Chữ tín nghĩa là lòng tin tưởng thực sự, không phải tin tưởng mù quáng, cứ lãnh đạo là đi mà tin tưởng rằng đó là sự lãnh đạo đúng đắn, người lãnh đạo sáng suốt, gương mẫu, do đó tín tâm đến từ hai phía, người dân tin Nhà nước nhưng Nhà nước cũng phải tin người dân thì mới có tín tâm.

Còn như người dân cứ tuân phục nhà nước thì điều đó chưa chắc là tốt, bởi thần dân khác với công dân. Nếu anh chỉ đóng vai một thần dân tuân thủ mọi thứ từ nhà nước, điều đó không phải không tốt nhưng chưa đủ và nó không tạo được một sự phát triển bền vững; ở vào trường hợp nếu một nhà nước không xứng đáng với vai trò của mình thì có thể đưa người dân đi tới chỗ không thành công.

Ở góc độ là nhà nghiên cứu lịch sử, ông thấy giai đoạn vừa qua đất nước ta đã tạo được được dấu ấn gì trong dòng chảy của lịch sử?

- Không thể không đặt Việt Nam trong dòng chảy của thế giới được bởi chúng ta đã hội nhập rất sâu. Trong rất nhiều yếu tố đó tạo nên thành quả của đất nước có sự tích tụ của một quá trình phát triển. Nhưng phải nói từ đại dịch Covid-19 nó là cú hích rất lớn, đòi hỏi chúng ta phải thay đổi tất cả, chúng ta vẫn gọi là bình thường mới, nghĩa là chúng ta phải thích ứng và buộc phải thích ứng. Nếu nhìn vào lịch sử, bên cạnh họa ập đến nhưng không phải tất cả là họa mà đôi khi là phúc, nó mở ra cái mới. 

Các dịch bệnh lớn trên thế giới được ghi trong lịch sử nó đều là cú hích, tạo bước nhảy thậm chí nhảy vọt của con người. Con người phải tiến bộ hơn, phải sáng suốt hơn, thông minh hơn và phải vượt lên trở ngại lớn đấy và đó cũng là bước tiến tới văn minh. Chúng ta hy vọng điều đó sẽ diễn ra với Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

Xin cảm ơn ông (!).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem