ĐBQH góp ý sửa Luật Dược: Sửa thì phải tốt hơn, nếu không đừng sửa
ĐBQH góp ý hoàn thiện Luật Dược: Sửa thì phải tốt hơn, nếu không đừng sửa
Bạch Dương
Thứ ba, ngày 16/04/2024 14:33 PM (GMT+7)
Trong buổi góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược tại trụ sở Đoàn ĐBQH TP.HCM ngày 16/4, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan đã thẳng thắn: "Sửa thì phải tốt hơn, nếu không đừng sửa".
Theo bà Phong Lan, Việt Nam là một trong số những quốc gia hiếm hoi chấp thuận hồ sơ nhập khẩu thuốc rất dễ dàng, chỉ cần xem hồ sơ thấy đạt là cho phép, không có bất cứ hạn chế nào. Nếu so sánh với các nước, Việt Nam có khoảng 800 hoạt chất nhưng có tới 22.000 số đăng ký. Trong khi Singapore có 1.200 hoạt chất nhưng chỉ có 10.000 số đăng ký; Nhật Bản 1.600 hoạt chất cũng chỉ có khoảng 10.000 số đăng ký.
"Số đăng ký càng nhiều, quản lý càng khó, vì thuốc nào cũng tương đồng giống nhau, khiến các bệnh viện rất khó lựa chọn. Vì thế, cần có một chủ trương rõ ràng: Ưu tiên nhập khẩu cái gì? Đồng thời cần phải có tiêu chí kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu", bà Phong Lan nói.
Bà Lan dẫn chứng, các công ty dược trong nước muốn xuất khẩu thuốc, cơ quan quản lý dược của nước đó đều yêu cầu phải qua giám sát, kiểm tra của đơn vị trung gian có chuyên môn để kiểm tra chất lượng, mặc dù thuốc của Việt Nam đã đạt chuẩn GMP. Vì sao Việt nam không làm tương tự như vậy?
"Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh… nước nào cũng vậy, chỉ cần nộp hồ sơ, coi thấy đạt là cho vô, mà cũng chỉ là đạt trên giấy tờ. Trong suốt bao nhiêu năm chúng ta không hề có một cuộc kiểm tra nào với lý do là Cục quản lý Dược không có tiền, không có người. Tại sao không thuê các công ty chính danh khác làm chuyện đó? Ngay cả phí đăng ký thuốc của chúng ta cũng là một trong những nước có mức phí rẻ nhất thế giới, vài triệu đồng một hồ sơ. Dẫn đến rất nhiều công ty cứ đăng ký "để dành" từ từ xài nhưng suốt 5 năm, đến khi hết hạn vẫn chưa hề sản xuất", bà Lan thẳng thắn.
Theo vị ĐBQH này, bà ủng hộ những doanh nghiệp dược xây nhà máy để phát triển lâu dài, hướng đến những bào chế hiện đại chứ không phải cùng nhau tham gia sản xuất đại trà, trong khi những thuốc thiếu thì vẫn thiếu.
Bà Lan nhìn nhận, cần có một sự thay đổi từ chủ trương, gốc rễ. Hiện nay các cơ quan quản lý dược vẫn đang đặt nặng vấn đề tiền kiểm, siết cấp chứng chỉ nhưng hậu kiểm lại không thể làm chặt. Trong quản lý, cần xem lại vai trò của Hội Dược học, trách nhiệm của ngành y khi người dân đã đóng BHXH, đi khám bệnh mà vẫn phải ra ngoài tự mua thuốc vì trong bệnh viện không có. Ai chịu trách nhiệm đền bù khi người dân mua thuốc hợp pháp, ở nhà thuốc hợp pháp được Bộ Y tế cấp số đăng ký nhưng sau đó bị phanh phui là thuốc giả, thuốc kém chất lượng?
"Sửa thì phải tốt hơn, nếu không đừng sửa. Sửa phải sửa cho xứng đáng chứ đừng sửa lỗi chính tả", bà Lan nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.