ĐBQH: Không lẽ thành lập Trung đoàn không quân của Bộ Công an lại đi mượn máy bay
ĐBQH: Không lẽ thành lập Trung đoàn không quân của Bộ Công an lại đi mượn máy bay
PVCT
Thứ ba, ngày 26/10/2021 13:21 PM (GMT+7)
Theo ĐBQH Quản Minh Cường, việc Cảnh sát cơ động sử dụng máy bay không gây tốn kém, lãng phí về tài chính, vấn đề là sử dụng loại máy bay nào, sử dụng như thế nào trong trường hợp nào và phối hợp với lực lượng quân đội ra sao.
Cần báo cáo đánh giá tác động việc Cảnh sát cơ động được trang bị máy bay, tàu biển
Sáng 26/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật cảnh sát cơ động. Liên quan quy định trang bị phương tiện máy bay cho Cảnh sát cơ động, được nhiều ĐBQH góp ý. Luồng ý kiến ủng hộ quy định trang bị máy bay và tàu biển cho lực lượng Cảnh sát cơ động để thực hiện nhiệm vụ và luồng ý kiến cho rằng cần phải cân nhắc.
ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, việc quy định Cảnh sát cơ động được trang bị máy bay, tàu biển là chính sách lớn, cần có báo cáo đánh giá tác động cụ thể. Theo ĐB Thắng, các luật hiện hành đã quy định cụ thể phạm vi hoạt động của Công an nhân dân, trong đó có Cảnh sát cơ động; Quân đội, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển. Về quy chế phối hợp của Quân đội nhân dân với Công an nhân dân, có việc huy động phương tiện đã được các cấp có thẩm quyền quy định và đang thực hiện, vận hành tốt.
Trong thực tế khi thực hiện nhiệm vụ, Cảnh sát cơ động sử dụng tàu bay, tàu biển không thường xuyên. Mặt khác trong các tình huống cụ thể đã có cơ chế để các đơn vị quân đội hoặc các lực lượng khác phối hợp, huy động phương tiện thiết bị giữa các đơn vị quân đội, công an.
"Hiện nay máy bay của Không quân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển và các lực lượng liên quan quan khác đã bố trí khắp các khu vực tác chiến có thể huy động thêm để phối hợp với Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ trong mọi tình huống và bất cứ nơi nào theo yêu cầu, quy định. Còn nếu vướng quy định của pháp luật trong huy động, sử dụng thì xem xét, yêu cầu điều chỉnh, bổ sung. Mặt khác, việc trang bị máy bay cho Cảnh sát cơ động thì có làm phát sinh xung đột với điều khoản quản lý bay, làm phức tạp thêm quản lý vùng trời của lực lượng phòng không hay không?", ĐBQH Hoàng Đức Thắng nêu vấn đề
Ông nói thêm, việc trang bị loại phương tiện cho cảnh sát cơ động như dự thảo Luật chắc chắn sẽ tiêu tốn nguồn lực quốc gia rất lớn. Đất nước chúng ta còn khó khăn, nhưng đã dành những ưu tiên rất lớn để trang bị cho các lực lượng vũ trang nhằm thực hiện nhiệm vụ, đó là tiền của nhân dân, tài sản quốc gia, nhất thiết phải được quản lý, sử dụng có trách nhiệm, hiệu quả.
Lực lượng Quân đội, Công an rất cần được đầu tư thêm phương tiện để tiến lên chính quy, hiện đại, vậy làm cách nào tốt hơn và có ý nghĩa hơn?.Từ phân tích trên, ĐBQH Hoàng Đức Thắng cho rằng, có nhất thiết trang bị riêng phương tiện máy bay, tàu thủy cho Cảnh sát cơ động mới thực hiện được nhiệm vụ không khi mà chúng ta có sẵn phương tiện để huy động, sử dụng khi cần thiết.
"Vì vậy đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá kỹ vấn đề này báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định", ĐB Thắng nói.
Nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động cần phải có máy bay
Theo ĐBQH Quản Minh Cường (Đồng Nai), việc sử dụng máy bay trong Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013 đã đề cập. Thực tiễn Bộ Công an đã thành lập Trung đoàn không quân trong lực lượng Cảnh sát cơ động. Vấn đề ở đây không phải là sử dụng máy bay hay không sử dụng máy bay mà nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động cần phải có máy bay.
ĐB Cường nói thêm, thực tế cách đây 7 năm, Quốc hội đã đưa vào Luật hàng không là công an có thể sử dụng máy bay nên quy định như dự thảo Luật Cảnh sát cơ động không có gì mới. Trong thực tế ở các nước xung quanh như Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan và Cảnh sát Hoàng gia Campuchia đã sử dụng máy bay trực thăng rất nhiều. Theo quan điểm của ĐBQH Cường, việc Cảnh sát cơ động sử dụng máy bay không gây tốn kém, lãng phí về tài chính, vấn đề là sử dụng loại máy bay nào, sử dụng như thế nào trong trường hợp nào và phối hợp với lực lượng quân đội ra sao.
Theo ĐB Cường, khi sử dụng máy bay phải huấn luyện, có quy chế phối hợp với lực lượng quân đội chặt chẽ, vấn đề quản lý không lưu, quản lý đường bay thì Luật hàng không đã điều chỉnh nên không có vấn đề gì phải tranh luận nhiều. Sau khi phân tích xu thế phát triển hiện nay và xu thế của tội phạm, ĐBQH Cường nhấn mạnh: "Đối với lực lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng Cảnh sát cơ động nói riêng, việc sử dụng phương tiện máy bay là hoàn toàn cần thiết. Không lẽ thành lập Trung đoàn không quân của Bộ Công an lại đi mượn máy bay ở đâu. Trung đoàn không quân lại đi mượn máy bay thì không ổn".
ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) cho rằng, không thể nói vì tiết kiệm mà không trang bị máy bay, tàu thủy cho lực lượng Cảnh sát cơ động. Hơn nữa, kinh nghiệm quốc tế là phải trang bị cho Cảnh sát cơ động thiết bị hiện đại nhất.
Còn ĐBQH Nguyễn Minh Đức cho biết: Theo các quy định, công ước quốc tế, trong mọi trường hợp xảy ra xung đột về dân sự, ảnh hưởng an ninh, quốc gia như bạo loạn, khủng bố thì không bao giờ được phép sử dụng quân đội để trấn áp bảo đảm an ninh mà phải sử dụng lực lượng cảnh sát.
Trong thực tế đang có một số hiện tượng xảy ra gây tổn hại đến một phần nào đó an ninh quốc gia, vì vậy, thời gian qua đã phải sử dụng lực lượng cảnh sát. Nếu không trang bị sớm cho lực lượng cảnh sát các loại phương tiện hiện đại như máy bay, tàu biển để đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh quốc gia thì rất khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.