Đại biểu Quốc hội: "Tôi có cảm giác chúng ta chỉ làm rốt ráo mỗi khi có vụ cháy thương tâm nào đó xảy ra"

Quỳnh Nguyễn Thứ sáu, ngày 24/05/2024 11:19 AM (GMT+7)
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, bà cảm giác chúng ta chỉ làm rốt ráo mỗi khi có vụ cháy thương tâm nào đó xảy ra, nhưng công tác PCCC và tập huấn kỹ năng ứng phó khi có sự cố dường như chưa được quan tâm đúng mức.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã thông tin, 0 giờ 30 phút ngày 24/5, tại ngõ 119 Trung Kính (Trung Hoà, Cầu Giấy, TP. Hà Nội) đã xảy ra vụ hỏa hoạn nghiêm trọng tại một ngôi nhà cho thuê trọ. Theo cơ quan chức năng, hiện đã xác định 14 người tử vong trong vụ cháy và nhiều người bị thương đang điều trị tại bệnh viện.

Cháy nổ là vấn đề trong thời gian qua Hà Nội chưa khắc phục được

Trao đổi với Dân Việt bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nhấn mạnh "đây là vụ cháy rất thương tâm". Ông cho hay, cháy nổ là vấn đề mà Hà Nội trong thời gian qua chưa khắc phục được, trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ cháy liên quan đến nhà trọ mini, quán karaoke, chung cư mini... do không đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Đại biểu Quốc hội:

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ - Thứ trưởng điều hành Bộ Công an trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, sáng 24/5. Ảnh: TTXVN

Đại biểu Hòa nêu quan điểm, để xảy ra nhiều vụ cháy nghiêm trọng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư. Tuy nhiên, theo ông, trách nhiệm của chính quyền địa phương, của đơn vị phòng cháy, chữa cháy cũng rất lớn. Đặc biệt, trong công tác kiểm tra, đánh giá PCCC và đưa ra cảnh báo để người dân nắm được tình hình và phòng tránh cháy nổ.

"Trong công tác kiểm tra, đánh giá đối với trường hợp này ra sao? Phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá thì biết được thực trạng để có cảnh báo, còn nếu không thường xuyên cảnh giác thì làm sao anh cảnh báo được?

Nếu đánh giá là không đảm bảo an toàn PCCC thì tước giấy phép hành nghề, không cho hoạt động. Có sự cương cương quyết như thế thì tất cả các nhà trọ, khách sạn, chung cư mini... ở Thủ đô Hà Nội, TP.HCM và khắp cả nước sẽ không dám lơ là công tác này", ông Hòa nói.

Đại biểu Quốc hội:

Hiện trường ngổn ngang sau vụ cháy khiến 14 người chết tại Hà Nội. Ảnh: DV

Nêu thực tế rất nhiều vụ cháy xảy ra mà khi kiểm tra đều không có cửa thoát hiểm, thang thoát nạn, hệ thống chữa cháy yếu, hệ thống điện không đảm bảo an toàn... ông Hòa nhấn mạnh, đây là một vấn đề cần phải kiểm điểm, phải có nghiên cứu để khắc phục.

Phải yêu cầu chủ đầu tư đảm bảo được lối thoát hiểm

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, để rà soát một cách triệt để trên địa bàn Hà Nội sẽ rất khó khăn. Bởi lẽ, số lượng chung cư mini, khu nhà trọ ở thủ đô là rất lớn, nếu xử lý theo hướng tất cả không đảm bảo tiêu chuẩn PCCC thì không được hoạt động nữa, sẽ dẫn đến 2 hệ lụy.

Thứ nhất, với chủ đầu tư, một số lượng không nhỏ người lao động có thu nhập thấp đang sinh sống trong các khu trọ sẽ bị ảnh hưởng, tác động xã hội là vô cùng lớn.

Tuy vậy, công tác PCCC không thể không làm, theo đại biểu Việt Nga, các quy định PCCC đã có, trách nhiệm từng cấp từng ngành cũng đã có, điều quan trọng hiện nay là ra soát, có phương án với từng loại hình chứ không thể áp dụng công thức chung.

Ví dụ với loại hình nhà cho thuê trọ chật hẹp, nhiều tầng, ở trong ngõ sâu, không thể mở đường cho xe chữa cháy vào được, thay vào đó có thể kiểm tra kết cấu. Phải yêu cầu chủ đầu tư đảm bảo được lối thoát hiểm, khi có tai nạn thì người trong nhà nhanh chóng thoát ra.

Về công tác tập huấn PCCC và kỹ năng ứng phó khi có sự cố, bà Nga cho là là rất cần thiết nhưng chưa được quan tâm đúng mức.

"Tôi có cảm giác chúng ta chỉ làm rốt ráo mỗi khi có vụ cháy thương tâm nào đó xảy ra, khi ấy mới tập trung, nhưng sau đó lại bị trôi đi. Việc tập huấn hằng năm rất quan trọng", bà Nga nói, đồng thời lưu ý vấn đề ý thức PCCC của mỗi người cũng rất quan trọng.

Đại biểu Quốc hội:

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Về góc độ chính sách, nữ đại biểu tỉnh Hải Dương cho rằng, trong khi phát triển nhà ở xã hội, các cơ quan có thẩm quyền cần quan tâm hơn phân khúc nhà ở xã hội cho thuê.

Theo bà Nga, hiện giá cho thuê loại hình này đã được nhiều ưu đãi nhưng vẫn khá cao so với thu nhập của người lao động có thu nhập trung bình và thấp. Ví dụ ở Hải Dương, giá nhà ở xã hội dao động khoảng 11-14triệu/m2, với 1 căn khoảng 50m2 thì người lao động phải bỏ ra số tiền lớn, vượt khả năng chi trả trong khi mức lương chỉ đủ sống, không có tích lũy hoặc tích lũy không đáng kể.

"Nguyện vọng của rất đông người lao động ở đô thị mong được sở hữu một căn nhà ở xã hội nhưng dưới dạng cho thuê trả tiền hàng tháng chứ không phải mà mua đứt luôn. Khi ở những nơi như này, chắc chắn hạ tầng PCCC sẽ đảm bảo hơn", bà Nga nói.

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho biết, sáng nay, Chủ tịch Quốc hội đã có sự chia sẻ, đặc biệt là nhắc nhở về phía Quốc hội. Phản ứng của các cấp chính quyền của Hà Nội và của các cơ quan Chính phủ, của lực lượng chuyên trách Bộ Công an cũng rất nhanh. 

Tại kỳ họp này, chúng ta đang xem xét để sửa Luật phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn. "Khi chúng tôi thẩm tra cách đây khoảng vài tuần, thì cá nhân tôi cũng đã đề cập câu chuyện phải rà soát lại quy định về phòng cháy nhà ở, nhất là nhà ở kết hợp với kinh doanh. Rủi ro và khả năng xảy ra cháy đối với đối tượng là nhà ở, nhất là nhà ở kết hợp kinh doanh hiện hữu rất rõ và có thể xảy ra bất kể khi nào. Nhất là nhà ở tại các thành phố lớn có khu nhà trọ nhà cho người lao động, cho học sinh, sinh viên thuê. Nếu xảy ra cháy thì khả năng để dẫn đến chết người với số lượng lớn là hiện hữu", ông An nói.

Theo vị đại biểu, phải cụ thể được quy định đối với nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh nghiệp kinh doanh thì phải có phương án và các giải pháp phòng cháy và phải có biện pháp ngăn cháy. Nếu trường hợp kết hợp với sản xuất kinh doanh có cả phòng trọ thì nên cấm, để không thể tạo ra những rủi ro cao.

Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm vi phạm nếu có

Thông tin từ Công an TP.Hà Nội cho biết, vụ cháy xảy ra tại địa chỉ số 1, hẻm 31, ngách 98, đường Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy lúc 0 giờ 46 phút ngày 24/5.

0 giờ 52 phút cùng ngày, các đơn vị đã tiếp cận hiện trường, triển khai chữa cháy, ngăn cháy lan cùng các mũi trinh sát tìm kiếm, cứu người bị nạn.

Đến 01 giờ 26 phút cùng ngày, đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Qua tìm kiếm, sơ bộ các lực lượng phát hiện 14 người tử vong.

Giám đốc Công an TP.Hà Nội đang chỉ đạo các đơn vị liên quan, Công an quận Cầu Giấy phối hợp các Cục nghiệp vụ Bộ Công an khẩn trương điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân vụ cháy để giải quyết, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trong sáng 24/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã có công điện yêu cầu các đơn vị khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy khiến 14 người chết ở phố Trung Kính, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội để xử lý nghiêm vi phạm (nếu có).



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem