Dự án nhà máy sản xuất sinh học Ethanol Phú Thọ với nhiều sai phạm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ
Đại biểu Cao Đình Thưởng cho rằng, trong quy hoạch phát triển vùng, Nhà nước phải là chủ thể thực hiện quy hoạch tổng thể trên phạm vi cả nước không nên để mỗi tỉnh, mỗi địa phương tự quy hoạch.
“Việc giao cho địa phương tự quy hoạch sẽ dẫn đến tình trạng “trăm hoa đua nở”. Việc đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ, thiếu tính liên thông, liên kết, không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước và làm phát sinh nhiều bất cập trong quá trình triển khai thực hiện", đại biểu Thưởng cho biết.
Lấy ví dụ về Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học (Ethanol) trên địa bàn huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, đại biểu Thưởng cho rằng: Dự án này ra đời là do sự đánh giá không đầy đủ và thiếu thận trọng, thể hiện trong quá trình giải phóng mặt bằng, thi công, quy hoạch vùng nguyên liệu sắn ở rất nhiều tỉnh, trong đó có Phú Thọ.
“Có thể nói đây là dự án kém khả thi, thời gian kéo dài, rất tốn kém và nhiều khả năng “đắp chiếu”, nguy cơ phá sản cao, để lại nhiều hệ lụy, gây thất thoát lãng phí tiền của, tài chính Nhà nước, làm mất an ninh trật tự, mất niềm tin của nhân dân”, vị đại biểu này nhận xét.
“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương, PVN và chủ đầu tư sớm có giải pháp đối với dự án này”, đại biểu Thưởng đề nghị.
Dự án Nhà máy Ethanol Phú Thọ, cơ quan chức năng đã làm rõ những sai phạm có liên quan đến nhà thầu là Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) vào thời điểm ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch HĐQT.
Dự án này có tổng mức đầu tư khi phê duyệt là 1.317,5 tỷ đồng, giá trị gói thầu EPC hơn 59 triệu USD nhưng trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư là công ty cổ phần hoá dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) và nhà thầu Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) đã điều chỉnh giá trị hợp đồng EPC tăng thêm hơn 14,3 triệu USD.
Theo Thanh tra Chính phủ, dự án Ethanol Phú Thọ, các nguyên nhân tăng giá gói thầu đã không xuất phát từ nhu cầu dự án và yêu cầu của Chủ đầu tư.
Đặc biệt, dự án Ethanol Phú Thọ được khởi công sớm nhất nhưng chưa hoàn thành, nhà thầu PVC đã dừng thi công từ tháng 11.2011, vi phạm hợp đồng PVC, gây hậu quả nghiêm trọng.
Đối với dự án Phú Thọ, nhà thầu PVC đã đơn phương dừng thi công dự án gây hậu quả nghiêm trọng khiến toàn bộ máy móc, thiết bị lắp đặt đã bị han gỉ, vốn đã đầu tư 1.534 tỷ đồng chưa phát huy, tăng chi phí vốn vay và các chi phí khác; việc thi công các gói thầu, dự án thành phần thuộc nhà máy cũng bị ngừng trệ.
Tình trạng dự án này tồi tệ đến nỗi, Thanh tra Chính phủ phải đưa ra nhận định: "Đến tháng 9.2016, chủ đầu tư PVB, nhà thầu PVC và PVN vẫn chưa có giải pháp, dự án ngày càng lâm sâu vào tình trạng bế tắc, tiềm ẩn nguy có khó tiếp tục thực hiện", kết luận Thanh tra Chính phủ cho biết.
Cũng tại dự án Phú Thọ, chủ đầu tư PVB còn lập và phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 1.317,5 tỷ đồng lên thành 2.484,9 tỷ đồng không đúng quy định về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.
Với hàng loạt sai phạm, Thanh tra Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, chỉ đạo PVN kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý theo quy định của pháp luật đối với những vi phạm, khuyết điểm theo từng việc cụ thể.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.