ĐBSCL điêu đứng bởi nạn cướp nghêu, sò

ĐỨC KHÁNH - HUỲNH XÂY Thứ tư, ngày 13/07/2016 06:10 AM (GMT+7)
Nhiều khu vực nuôi nghêu, sò huyết của người dân ở vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thường bị người lạ dùng hung khí tấn công và cướp phá. Tình trạng này xảy ra nhiều năm liền nhưng các địa phương vẫn chưa có hướng xử lý triệt để, khiến người nuôi hoang mang, lo lắng, làm ăn thua lỗ...
Bình luận 0

Người nuôi bất an

Vài năm trở lại đây, lợi nhuận từ việc nuôi nghêu và sò huyết ngày một cao nên nhiều khu vực ven biển ở tỉnh ở ĐBSCL được nhiều người dân đầu tư thả nuôi. Tuy nhiên, cũng chính nguồn lợi từ mặt hàng này đã làm nảy sinh nạn cướp phá các vùng nuôi. Cùng với đó, việc đảm bảo an ninh trật tự của chính quyền, cơ quan chức năng không tốt khiến tình trạng cướp phá vùng nuôi nghêu, sò vẫn diễn ra dai dẳng.

img

Một chiếc ghe cào khai thác sò trái phép bị Công an huyện Kiên Lương (Kiên Giang) tạm giữ. Ảnh: Đ.K

Không riêng gì các khu vực trên, trước đó tại khu vực bãi nghêu của HTX Rạng Đông (Cồn Chày Mười, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre); bãi nghêu giống ở xã Tân Điền (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang)... cũng xảy ra tình trạng cướp nghêu, sò hết sức manh động.

Tại Cà Mau, tháng 6.2015, tại bãi biển Khai Long (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển), nghêu giống xuất hiện sớm và nhiều hơn so với các năm trước; do đó hàng ngày có khoảng hơn 500 người, với hàng trăm phương tiện đến cào nghêu giống (nghêu cám) trái phép. Những người này làm ngày làm đêm, quân bình mỗi người khai thác được trên dưới 1 triệu đồng/ngày. Đàn ông thì dùng máy hút có công suất lớn để hút nghêu giống, còn phụ nữ, trẻ em dùng cào tay… mạnh ai nấy bắt kiểu vô chủ.

Ở thời điểm lúc bấy giờ, bên cạnh người khai thác nghêu, các tay thương lái cũng xuất hiện tại bãi Khai Long, việc mua bán nghêu giống diễn ra sôi động ngay trên biển. Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá nghêu giống được chào hàng tại bãi nghêu Khai Long rất cao, 1 thau nhỏ nghêu lẫn với cát được mua từ 500.000 - 1 triệu đồng (tùy loại).

Cũng trong thời gian này, bãi nghêu hơn 40ha ấp Cái Cùng, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu bị khoảng 300 người từ các nơi  tràn vào khai thác. Khi người sản xuất ở bãi nghêu ra ngăn cản, nhóm người khai thác nghêu trái phép này sẵn sàng hành hung, chống cự.

Và từ đầu tháng 7.2016 đến nay, hàng đêm có hàng chục người chạy ghe gắn máy (ghe thông dụng ở địa phương) trang bị đèn pin, vợt, máy hút vào khu vực nuôi sò huyết giống của người dân ở xã Lâm Hải (huyện Năm Căn, Cà Mau) ngang nhiên cắt lưới, xông vào khai thác. “Họ mang theo mã tấu, chĩa nhọn nên chúng tôi không dám chống trả” - ông Nguyễn Minh Có, một trong những hộ dân bị cướp sò huyết, cho biết.

Ngày 12.7, trao đổi với Dân Việt, anh Có buồn bã cho hay: “Vốn liếng tích cóp 2 năm nay, cộng thêm vay tiền ngân hàng đầu tư hơn 2 tỷ đồng để nuôi sò huyết, đâu ngờ lại xảy ra cớ sự này, tôi coi như trắng tay rồi. Mong rằng các cơ quan chức năng sớm tìm ra những kẻ phá hoại, đồng thời mong muốn các cấp chính quyền có hướng hỗ trợ, bảo lãnh kịp thời về nguồn vốn để chúng tôi tái sản xuất lại”.

“Tình trạng cướp nghêu, sò vẫn cứ xảy ra liên tục nhiều năm qua nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp quản lý hữu hiệu nào khiến người nuôi vô cùng bất an” – anh Năm Hà ở huyện Bình Đại, Bến Tre cũng bức xúc lên tiếng.

Quản lý và bảo vệ vùng nuôi chưa chặt chẽ

Theo tìm hiểu của Dân Việt, ngoài việc cướp sò huyết, nghêu để thu lợi bất chính, nguyên nhân khiến cho các vụ cướp sò huyết, nghêu xảy ra nhiều năm ở ĐBSCL còn xuất phát từ bất đồng trong thu chi tiền trong ban lãnh đạo các HTX hoặc HTX “ém” tiền, không trả cho các xã viên.

Tháng 7.2014, bãi nghêu của HTX Đồng Tâm dọc theo bãi biển xã Thừa Đức (huyện Bình Đại, Bến Tre) bị hàng trăm người từ khắp nơi đến khai thác trái phép. Thấy vậy, không ít xã viên cũng tràn vào bắt nghêu bán gây thiệt hại cho tài sản tập thể. Thống kê của HTX Đồng Tâm, từ ngày 7-15.7.2014, tổng giá trị nghêu thịt và nghêu giống bị thiệt hại do khai thác trái phép lên đến khoảng 50 tỷ đồng... Ông Nguyễn Thành Sa – Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Bình Đại cho biết: “Trước đây, ban chủ nhiệm HTX Đồng Tâm ở xã Thừa Đức không thống nhất trong khâu lãnh đạo, không chi tiền cho xã viên dẫn đến việc nội bộ HTX bất đồng rồi giành nghêu, theo đó người dân các tỉnh khác hay tin đã kéo đến cướp nghêu”. Cũng theo ông Sa, vụ việc đến nay đã được khắc phục, tỉnh đã cho thay đổi ban chủ nhiệm HTX, kỷ luật nhiều cán bộ có liên quan vì buông lỏng trong khâu quản lý.

Ngày 12.7, trao đổi với phóng viên Dân Việt về vụ việc “sò tặc” lộng hành ở bãi bồi xã Lâm Hải, Phó Trưởng Công an huyện Năm Căn Phạm Thanh Tuấn cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, lực lượng công an huyện đang khẩn trương tiến hành điều tra, làm rõ vụ việc. Để đảm bảo tình hình trật tự ở khu vực nuôi sò huyết trên địa bàn huyện trong thời gian tới, chúng tôi đã có kế hoạch cụ thể kiên quyết không để xảy ra tình trạng tương tự...

Liên quan đến vụ việc này, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan vào cuộc điều tra, xác minh các đối tượng cầm đầu để có hướng xử lý theo pháp luật. Nguyên nhân vấn nạn cướp nghêu, sò thường xuyên tái diễn ở các tỉnh ven biển một phần là do khâu quản lý, tổ chức vùng nuôi, nguồn lợi ven biển chưa được quản lý khai thác chặt chẽ. Lợi dụng tình hình đó, các đối tượng xấu trà trộn vào đám đông khai thác trái phép...

“UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát lại toàn bộ về quy trình tổ chức vùng nuôi, việc mời gọi đầu tư, các đối tượng nuôi. Tập trung cụ thể vào 2 vấn đề chính: Việc tổ chức đối tượng nuôi phải lựa chọn người có năng lực, có kinh nghiệm, kỹ thuật cụ thể là những doanh nghiệp có tiềm năng. Cùng với đó phải kết hợp huy động dân nghèo ở địa phương, tạo việc làm cho họ, cùng nhau khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Thứ hai việc triển khai nuôi phải được bảo vệ, quản lý chặt chẽ, hoàn thiện quy trình quản lý nuôi ngay từ đầu” – ông Sử nhấn mạnh. 

Kẻ cướp thách thức nạn nhân

Cuối tháng 3, đầu tháng 4.2016, hàng loạt ghe cào đã vào khu vực bãi sò của HTX Đồng Lợi (xã Bình Trị, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) khai thác trộm sò lụa, bất chấp sự cảnh báo, xua đuổi của các xã viên. Trong số ghe cào trái phép xâm phạm bãi sò, có nhiều chiếc công suất trên 90CV vốn không được phép khai thác ở khu vực ven bờ.
Ban lãnh đạo HTX Đồng Lợi đã báo cho UBND xã và các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh để có biện báo đẩy đuổi các đối tượng cướp phá, bảo vệ quyền lợi của xã viên (bãi sò còn hơn 2 tháng mới đến kỳ khai thác). “Sáng 1.4 thì chúng tôi đếm được có khoảng 180 chiếc ghe tràn vô bãi sò của HTX, nhiều chiếc vô cách bờ chỉ vài trăm mét. Chúng tôi ra tận nơi yêu cầu họ ra khỏi khu vực thì nhiều ghe còn quay lại thách thức” - một lãnh đạo HTX cho hay.
Theo tính toán của ban lãnh đạo HTX, trung bình mỗi ghe cào trộm 2-3 tấn, giá bán cho vựa thu mua 5,2 triệu đồng/tấn, thu lợi bất chính không dưới 10 triệu đồng. Như vậy, chỉ riêng trong ngày 1.4, gần 200 chiếc ghe cào trái phép đã cướp của các xã viên HTX khoảng 2 tỷ đồng.

Ông Lê Thanh Lựu (Hội Nghề cá Việt Nam): 
Chính quyền phải bảo vệ dân
Việc ngang nhiêu cướp nghêu, sò của người dân ở các tỉnh miền Tây là hành động bất hợp pháp, rất manh động của những kẻ xấu và không thể chấp nhận được. Một số đối tượng thấy người dân hiền lành, chất phác, chỉ biết sản xuất và họ cũng chẳng có vũ khí gì để tự vệ nên ngang nhiên cướp đi những thành quả của họ làm ra. Nếu cứ để xảy ra tình trạng này sẽ gây ra tâm lý bi quan, chán nản cho hoạt động sản xuất của người dân. 
Trước tình trạng này, chính quyền địa phương phải đứng ra bảo vệ người dân. Ở đây, phải làm rõ được vai trò của chính quyền, bí thư, chủ tịch xã, huyện, tỉnh có đảm bảo được an ninh trật tự cho người dân hay không? Nếu không làm được thì phải kỷ luật, thậm chí phải cách chức để người khác thay thế làm tốt hơn.

Ông Hồ Xuân Hùng – nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT:
Không để nông dân chán nản, bi quan

Phải nói đây là hành vi cướp giật, liên quan tới vấn đề an ninh nông thôn nên lực lượng an ninh ở địa phương phải xử lý mạnh tay chứ không thể nhân nhượng được. Ngoài ra, các lực lượng đoàn thể quần chúng như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… cũng phải vào cuộc để kêu gọi quần chúng nhân dân tố giác và tập hợp lực lượng chống lại kẻ xấu. Phải trừng trị thật thích đáng những đối tượng quá manh động như thế, không thể để mất an ninh ở nông thôn, gây tâm lý hoang mang, chán nản, khiến người dân không muốn sản xuất nữa.

TS Đào Thế Anh (chuyên gia nông nghiệp): 
Liên kết gìn giữ thành quả lao động
Trong xây dựng nông thôn mới hiện nay, vấn đề an ninh nông thôn và xử lý môi trường được xác định là hai nội dung nóng nhất. Nên trước tiên, chính quyền địa phương phải quan tâm và làm tốt vấn đề này. Ngoài ra, để bảo vệ thành quả của mình, ở miền Bắc thường có những tổ chức của nông dân như tổ bảo vệ, tổ hợp tác, HTX làm dịch vụ bảo vệ để bảo vệ cho người dân. Điểm khác biệt là ở khu vực miền Nam với các vườn cà phê, bãi nghêu, sò... diện tích quá rộng, muốn bảo vệ chắc chắn từng hộ nông dân không thể làm được. Do đó, bà con càng cần phải liên kết nhau lại để bảo vệ thành quả sản xuất, bảo vệ tài sản của mình. 

Thanh Xuân (ghi) 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem