ĐBSCL: Nguồn cung khan hiếm, mỗi lít xăng dầu bán lẻ, doanh ngiệp lỗ từ 1.000 - 3.000 đồng
ĐBSCL: Nguồn cung khan hiếm, mỗi lít xăng dầu bán lẻ, doanh nghiệp lỗ từ 1.000 - 3.000 đồng
Huỳnh Xây
Thứ tư, ngày 31/08/2022 20:04 PM (GMT+7)
Các doanh nghiệp phân phối xăng dầu ở TP.Cần Thơ, Sóc Trăng và Hậu Giang cho biết, rất khó khăn trong việc mua xăng dầu do nguồn cung khan hiếm. Riêng ở TP.Cần Thơ, có tình trạng, mỗi lít xăng dầu bán lẻ, doanh nghiệp lỗ từ 1.000 - 3.000 đồng.
Hội doanh nghiệp xăng dầu Cần Thơ "cầu cứu" Thủ tướng, Bộ Công Thương
Hội doanh nghiệp xăng dầu Cần Thơ vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương, UBND TP.Cần Thơ, Sở Công Thương TP.Cần Thơ về việc khó khăn trong việc mua xăng dầu do nguồn cung khan hiếm. Hiện các đơn vị lớn như Petromekong, Saigonpetro, Petrolimex Tây Nam bộ chỉ đáp ứng được nguồn cung cho hệ thống cửa hàng trực thuộc.
Theo Hội doanh nghiệp xăng dầu Cần Thơ, trong thời gian từ 15/8/2022 đến nay, để đảm bảo nguồn xăng cung cấp cho thị trường, các doanh nghiệp đang phải mua xăng dầu với mức chiết khấu 0 đồng/lít. "Mỗi lít xăng dầu bán lẻ, doanh nghiệp phải lỗ từ 1.000 - 3.000 đồng" - nội dung thể hiện trong văn bản của Hội doanh nghiệp xăng dầu Cần Thơ gửi ngành chức năng.
Trước tình trạng trên, Hội doanh nghiệp xăng dầu Cần Thơ đề nghị thanh tra, kiểm tra các đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu (bao gồm các đầu mối xuất nhập khẩu có phần vốn của nhà nước) ngưng bán hàng hoặc bán nhỏ giọt cho doanh nghiệp phân phối và đại lý bán lẻ, gây nên tình trạng khan hàng.
Hội doanh nghiệp xăng dầu Cần Thơ nhấn mạnh: "Chúng tôi khẳng định nguồn cung xăng dầu tại TP.Cần Thơ và các tỉnh lân cận là thiếu hụt cục bộ, nhiều cửa hàng xăng dầu của chúng tôi trên địa bàn khó đáp ứng nguồn cung cho người dân trong dịp lễ 2/9 và thời gian tới".
Theo nguồn tin của phóng viên, liên quan đến việc nguồn cung xăng dầu khan hiếm, UBND TP.Cần Thơ đã kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các thương nhân đầu mối hỗ trợ cung ứng thêm nguồn xăng dầu cho các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn thành phố và điều chỉnh chiết khấu một cách hợp lý, đảm bảo không gián đoạn nguồn cung xăng dầu trên thị trường.
Ngoài ra, UBND TP.Cần Thơ đã kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu điều chỉnh kế hoạch nhập khẩu, kế hoạch sản xuất sao cho đảm bảo nguồn cung.
Ngoài tra, tỉnh Sóc Trăng đang có khoảng 20 cửa hàng bán lẻ treo biển hết xăng dầu (theo số liệu khảo sát của Cục Quản lý thị trường).
Theo Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, tình trạng trên gây nên việc hết xăng dầu cục bộ. Nguyên nhân chính do các cửa hàng không nhập được hàng, nguồn cung từ các thương nhân phân phối hạn chế.
Các cửa hàng này chủ yếu thuộc hệ thống đại lý hoặc nhượng quyền bán lẻ của một số công ty như Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Cửu Long, Công ty Cổ phần Dầu khí Mêkong, Công ty TNHH Thương mại Dầu khí Nam Sông Hậu...
Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng nhận định, việc hết xăng dầu cục bộ tại một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh là do một số đầu mối kinh doanh xăng dầu phân bổ sản lượng, lượng hàng không đảm bảo nhu cầu cho các chi nhánh. Do đó, Sở Công Thương đã đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các đầu mối kinh doanh xăng dầu như Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Cửu Long, Công ty cổ phần Dầu khí Mêkong, Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu... tăng sản lượng phân bổ cho thị trường Sóc Trăng để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong thời gian tới, nhất là phục vụ mùa thu hoạch và các dịp nghỉ lễ.
Hậu Giang: Nguồn cung xăng dầu đang khan hiếm
Chiều nay 31/8, nguồn tin từ Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang cho hay, đơn vị này vừa tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Tại đây, các doanh nghiệp cho hay, nguồn cung xăng dầu đang khan hiếm, thiếu hụt cục bộ.
Cụ thể như Công ty Cổ phần thương mại hóa dầu Ressol; Công ty TNHH MTV Dầu khí Bông Sen Vàng; Công ty TNHH MTV Xăng dầu Bảo Bảo; Công ty TNHH Petro Hoàng Yến Cần Thơ; Công ty Cổ phần dầu khí Đông Phương cho hay, đang gặp khó khăn do không mua được hàng hóa từ các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu để cung cấp cho hệ thống.
Nguyên nhân là một phần là do các thương nhân đầu mối không chủ động được nguồn cung, sợ lỗ nên nhập hàng số lượng đủ cung cấp cho hệ thống và các doanh nghiệp phân phối xăng dầu có đăng ký sản lượng ổn định.
Vì vậy, có một vài doanh nghiệp phân phối xăng dầu không mua được hàng từ thương nhân đầu mối. Ngoài ra, chiết khấu xăng dầu khi cung cấp đến các cửa hàng bán lẻ quá thấp (chiết khấu bằng 0 hoặc âm) đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường, hạn chế tình trạng gián đoạn nguồn cung trên địa bàn tỉnh dịp lễ Quốc khánh 2/9, Tết trung thu, giáng sinh sắp đến cũng như để phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân, Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang đã đề nghị Bộ Công Thương xem xét, điều tiết nguồn cung xăng dầu và tính giá đảm bảo cho các doanh nghiệp phân phối có lãi để duy trì hoạt động...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.