Đổ xô trồng
Sau thời gian rớt giá xuống chỉ còn 5.000 đồng/kg, gần đây cam sành tăng giá trở lại, có lúc lên đến 33.000 đồng/kg. Nhiều nhà vườn trồng cam sành thu tiền tỷ chỉ sau một mùa vụ. Điển hình như gia đình ông Phan Văn Sừng ở ấp Giồng Gòn, xã Thuận Thới (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) vừa thu hoạch xong 2ha cam sành, đạt lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng. Còn gia đình ông Nguyễn Văn Bố (ở ấp Cống Đá, xã Thuận Thới) cũng vừa thu hoạch 1,5ha cam sành, lời hơn 1 tỷ đồng.
|
Nhờ cam sành có giá cao, nhiều nông dân đã trở thành tỷ phú. |
Ông Nguyễn Phương Bình – cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Thuận Thới, cho biết: “Cây cam sành chỉ mới trồng ở vùng đất này khoảng 6 năm nay, nhưng phát triển rất nhanh. Đặt biệt vụ vừa rồi do có giá cao nên rất nhiều nông dân thu lợi nhuận tiền tỷ nhờ cam sành”.
Chính vì cam sành có giá, nên trong thời gian qua rất nhiều nông dân ở khu vực ĐBSCL đã đổ xô trồng. Dọc theo tuyến Quốc lộ 54 từ thị trấn Trà Ôn đến các xã Thiện Mỹ, Vĩnh Xuân, Thuận Thới… có rất nhiều ruộng lúa vừa mới chuyển qua trồng cam sành. Theo thống kê của Phòng NNPTNT huyện Trà Ôn, diện tích cam sành toàn huyện hiện đã lên đến 2.408ha. Trong đó, có khoảng 100ha vừa chuyển từ đất lúa sang trồng cam sành.
Riêng ở xã Thuận Thới có 286ha cam sành, trong đó chỉ riêng năm nay đã có 54ha vừa mới chuyển từ đất trồng lúa sang trồng cam. Gia đình bà Đặng Thị Bé Hai ở ấp Cống Đá vừa đầu tư gần 60 triệu đồng để trồng 8 công cam sành. Bà Bé Hai cho biết: “Do thấy cam sành có giá nên gia đình tôi chuyển qua trồng. Vùng này cũng có nhiều người bỏ lúa trồng cam sành, bởi vì chỉ cần 1 vụ trúng giá thì có thể kiếm lời gấp mấy chục lần so với trồng lúa”.
Theo tính toán của người dân nơi đây, đầu tư trồng cam sành trong năm đầu tiên tốn khoảng 8-10 triệu đồng/công, bao gồm: Chi phí đào đất, giống, cuốc mộ, phân bón và chỉ cần cam có giá cao thì có thể cho lợi nhuận 100 triệu đồng/công. Chính điều này đã kích thích nhiều nông dân đổ xô trồng cam sành, không chỉ ở Vĩnh Long mà ở các địa phương khác như Trà Vinh, Hậu Giang… đều vậy.
Cảnh báo điệp khúc trồng- chặt
Cây cam sành chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa, nên khi nhiều người đổ xô trồng rất dễ xảy ra tình trạng “dội chợ, ế hàng”. Ông Nguyễn Minh Thuấn – Phó trưởng Phòng NNPTNT huyện Trà Ôn cho biết: “Thời gian qua, khi cây cam sành được giá nên nhiều nông dân chuyển từ đất lúa sang trồng cam. Ngành nông nghiệp chỉ khuyến cáo bà con nông dân không nên ồ ạt trồng, vì đầu ra chưa ổn định. Song nhiều nông dân do thấy cam có giá vẫn chuyển sang trồng”.
Theo nhiều nhà vườn, nếu nhiều người trồng, thời gian thu hoạch cùng lúc chắc chắn cam sành sẽ bị rớt giá. Điều này đã từng xảy ra ở vụ cam năm rồi khi giá cam bán tại vườn chỉ còn từ 3.000-5.000 đồng/kg.
Cây cam sành ngoài việc đầu ra chưa ổn định, còn đòi hỏi phải có kỹ thuật cao và rất kén đất. Thời gian qua, có nhiều địa phương phát triển cây cam sành rồi gặp phải dịch bệnh, mất giá nên chuyển qua trồng các loại cây trồng khác. Ông Nguyễn Văn Thức (xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn), vừa đốn bỏ hơn 4 công cam sành, cho biết: “Thấy người ta trồng cam sành có ăn nên cách đây 3 năm tui đầu tư trồng, ai ngờ vùng đất này không thích hợp, cây bị vàng lá nên bị thất thu. Năm nay tui đành đốn bỏ toàn bộ để chuyển qua trồng đu đủ”.
Ông Nguyễn Văn Đồng – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang cho biết: “Toàn tỉnh Hậu Giang có khoảng 7.000ha cam sành, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành và thị xã Ngã Bảy. Nhiều năm qua, ngành nông nghiệp đã quy hoạch vùng trồng cam sành và khống chế diện tích ở mức vừa phải. Bởi vì cây cam sành cho thu nhập khá cao nhưng đầu ra chưa ổn định và phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện khác như thổ nhưỡng, kỹ thuật canh tác...”.
Hoàng Mai
Vui lòng nhập nội dung bình luận.