ĐBSCL: Giao thông thủy tê liệt vì kênh, rạch cạn kiệt

Tấn Phong - Hiếu Lam Thứ bảy, ngày 21/05/2016 17:03 PM (GMT+7)
Hạn hán kéo dài ở ĐBSCL không chỉ tác động tiêu cực đến sản xuất mà còn làm nước trên kênh, rạch cạn kiệt, gây ra sụt lún, sạt lở nghiêm trọng các tuyến giao thông đường bộ và đường thủy vùng nông thôn.
Bình luận 0

Sụt lún hàng nghìn km đường bộ vì hạn

Tỉnh lộ 965, còn gọi là đường đê bao ngoài rừng quốc gia U Minh Thượng dài 32km, thuộc huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) đang bị  sạt lở, sụt lún nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông và đời sống của người dân sống trên tuyến đê bao. Được biết, từ đầu mùa khô đến nay, trên tuyến đường này đã xảy ra hơn 10 vụ sạt lở nhà ở và lộ giao thông nông thôn, tập trung ở xã An Minh Bắc và xã Minh Thuận, trong đó có 8 đoạn đường đã bị sạt lở, sụt lún hoàn toàn. Ước tổng thiệt hại hơn 8 tỷ đồng.

img

ột đoạn đường ở U Minh Thượng bị sạt lở. Ảnh: Hiếu Lam

 Theo nhận định của cơ quan chức năng, phần lớn các vụ sạt lở do hạn hán kéo dài khiến hầu hết các kênh, mương vùng ngọt bị khô cạn. Khi nước trong kênh, rạch… bị hạ thấp sẽ tạo thành vùng rỗng khiến kết cấu các tầng đất bị yếu. Vì vậy, nền đất sẽ không chịu được sức tải của các công trình xây dựng kiên cố trên bề mặt, gây sạt lở, sụt lún nặng nề.

Những ngày qua, nhiều địa phương ở tỉnh Cà Mau đã phải huy động nhân lực, vật lực tại chỗ để rào chắn, gắn biển cảnh báo nguy hiểm và khắc phục tạm thời tuyến lộ nhựa huyết mạch từ tỉnh lộ Cà Mau về xã Khánh Bình Đông (huyện Trần Văn Thời). Lãnh đạo xã Khánh Bình Đông cho biết, nhiều vụ sụt lún, sạt lở đất đã làm hư hỏng nặng đường sá, khiến xe ô tô không thể vào được trung tâm xã,  gây khó khăn cho việc giao lưu buôn bán của bà con.

Theo khảo sát từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, chỉ riêng Tiểu vùng ba Bắc Cà Mau (huyện Trần Văn Thời), đã có 89 tuyến công trình bị sạt lở, với tổng chiều dài hơn 18.300m.

Giao thông thủy tê liệt

Tình trạng hạn hán kéo dài cũng khiến các con kênh, rạch trên địa bàn ĐBSCL cạn trơ đáy. Trong khi đó, nhiều hệ thống cống, đập được đóng lại để ngăn mặn, giữ ngọt đã khiến giao thông thủy tại nhiều nơi bị tê liệt. Điển hình là ở Cà Mau,  trong vùng ngọt hoá của tỉnh đã có hơn 1.000km kênh, rạch bị khô cạn. Nghiêm trọng nhất là huyện Trần Văn Thời, giao thông bộ bị sụt lún, sạt lở, còn kênh rạch lại cạn kiệt không có nước, khiến bà con như bị “bó chân bó tay”, việc đi lại, mua bán, vận chuyển hàng hóa vô cùng khổ sở.

Ông Nguyễn Đồng Khởi - Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho biết: “Kênh, rạch cạn trơ đáy, giao thông thủy bị tê liệt nên hàng hóa, vật tư, lương thực thực phẩm… chỉ trông chờ vào các tuyến đường liên xã, liên huyện. Trớ trêu là đường bộ cũng bị hư hỏng nhiều đoạn, chẳng khác nào bị cô lập giữa mùa hạn”.

Theo TS Đỗ Văn Lĩnh – Phó Liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam), xu thế sụp lún ở Cà Mau và nhiều vùng ở ĐBSCL sẽ còn tiếp tục trong những năm tới, ngoài nguyên nhân do khai thác nước ngầm quá mức, còn do sụt lún kết cấu do trầm tích trẻ và do chuyển động kiến tạo tự sụt xuống. 

Được biết, lãnh đạo tỉnh Cà Mau và các ngành hữu quan đã tiến hành khảo sát thực địa, theo đó kinh phí để khắc phục tình trạng này vào khoảng 100 tỷ đồng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem