Trên trang cá nhân của mình, đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã có những chia sẻ khá tâm huyết xung quanh vấn đề cổ phần hóa Hãng phim Truyện.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh viết: “Hãng phim truyện Việt Nam là một phần của cuộc đời chúng ta. Các bạn đang chiến đấu để lưu giữ và tôn trọng phần đời ấy. Theo dõi cuộc chiến của các bạn – tôi biết các bạn sẽ thua. Việc chúng ta đòi lương là sự vô lý. Nếu là bất cứ ai làm chủ hãng cũng không đáp ứng cho điều đó. Việc chúng ta đòi làm phim cũng thậm vô lý vì không ai bỏ tiền ra làm phim khi không tin là sẽ thu lại vốn. Vậy sẽ sao đây?
Tôi thiển nghĩ: Chúng ta hãy đòi lại cái tên Hãng phim Truyện Việt Nam đã bị những người không có tâm đánh giá 0 đồng. Hãy quên đi các danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân mà cùng nhau làm những bộ phim khán giả chờ đợi. Các bạn phải dũng cảm quay lưng với ông chủ mới đó.
Thử hỏi nếu không có cái tên Hãng phim Truyện Việt Nam thì họ có dám làm gì nào. Có dám bán một mét đất nào không? Nếu các bạn còn có ý ngóng đợi và hy vọng vào những lời hứa thì chính các bạn vô tình là kẻ tiếp tay cho những mưu đồ của họ. Hãy quên đi những mét đất. Hãy đòi lại tên Hãng phim Truyện Việt Nam. Không cho họ sử dụng bằng bất cứ hình thức nào vì họ bỏ 0 đồng để mua cái tên đó. Còn không các bạn chỉ là những người thua cuộc đang cầu xin bố thí”.
Những chia sẻ của đạo diễn Lưu Trọng Ninh có cái nhìn khá khác so với những nghệ sĩ trước đó bức xúc lên tiếng. Nhà quay phim, NSND Lý Thái Dũng cũng có góc nhìn khác về cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam, anh viết: "Không cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam mà cho nó quyền sử dụng đất và một cơ chế như Trung tâm Chiếu phim Quốc gia hay Viện Tư liệu phim Việt Nam. Hãng phim Truyện sẽ tự phát triển rực rỡ về văn hóa, kinh tế mà không cần một đồng kinh phí nhà nước.
(60 năm và 400 bộ phim cùng hàng ngàn giá trị xương máu của nghệ sĩ đi cùng lịch sử đất nước là giá trị thương hiệu văn hóa lớn của quốc gia).
Điều này Chính phủ làm được…Còn nếu vẫn phải cổ phần hóa thì vẫn có một giải pháp: Nhà nước giữ 51% và kèm cơ chế hoạt động như Trung tâm Chiếu phim Quốc gia.
Tiếp đến thật minh bạch quá trình cổ phần hóa với giá trị thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam là số một…lớn hơn 5000m đất vốn đã giá trị khoảng hơn 2000 tỷ VNĐ”.
Trước đó, sau những bức xúc từ cách ứng xử của Hội đồng quản trị công ty TNHH MTV Hãng phim Truyện Việt Nam với anh em nghệ sĩ, từ việc trả lương, đến đạo cụ, kịch bản. Gần 60 nghệ sĩ đã làm lá đơn kêu cứu gửi lên Hội Điện ảnh Việt Nam. Ngay sau lá đơn kêu cứu được Hội Điện ảnh Việt Nam tiếp nhận và gửi tới các cơ quan có thẩm quyền. Bộ VHTTDL, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cùng Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đã gặp ban lãnh đạo Công ty Hãng phim Truyện để lắng nghe và đề nghị Ban lãnh đạo Hãng phim giải quyết những bức xúc. Chiều ngày 21.9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tổ chức cuộc họp với Ban lãnh đạo Công ty Hãng phim cùng với Bộ VHTTDL. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu thanh tra quá trình cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.