Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản 2021-2030: 'Gọi tên' Nữ hoàng Cá tra VHC và vua tôm Minh Phú?

Quang Dân Thứ tư, ngày 18/08/2021 15:22 PM (GMT+7)
Cột mốc giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 14-16 tỷ USD vào năm 2030 mà Đề án đưa ra đầy tham vọng, nhưng hoàn toàn có thể đạt được với đà tăng trưởng của toàn ngành như thời gian vừa qua.
Bình luận 0

Đề án đầy "tham vọng"

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030 nhằm phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản và đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030.

Trong đó sẽ hình thành một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến thủy sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới. Giá trị chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa đạt 40.000 - 45.000 tỷ đồng. Góp phần vào giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 14-16 tỷ USD.

Số liệu Hải quan Việt Nam cho thấy, 6 tháng đầu năm cả nước xuất khẩu thủy sản đạt hơn 4,1 tỷ USD, tăng trưởng 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong quý II, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng hơn 21% so với cùng kỳ, đạt gần 2,4 tỷ USD.

Nữ hoàng Cá tra VHC, vua tôm Minh Phú và Đề án doanh nghiệp chế biến thủy sản hiện đại ngang tầm thế giới - Ảnh 1.

Xuất khẩu thủy sản của Top 10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn. Nguồn: Số liệu Hải Quan Việt Nam

Sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường Mỹ, thị trường các nước trong nhóm CPTPP và EU đã khỏa lấp sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc mở rộng, giúp cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng trưởng cao, vượt xa kỳ vọng của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) trong quý II và 6 tháng đầu năm 2021.

Theo VASEP, nhìn chung, trừ việc thị trường Trung Quốc kiểm soát chặt hàng nhập khẩu liên quan đến kiểm tra Covid làm ảnh hưởng đến doanh số xuất khẩu, những kết quả xuất khẩu rất khả quan sang các thị trường trọng điểm và các thị trường khác trong nửa đầu năm nay, cho thấy đích xuất khẩu 8,8-9 tỷ USD vào cuối năm 2021 là con số khả thi với thuỷ sản Việt Nam.

Như vậy, cột mốc giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 14-16 tỷ USD vào năm 2030 mà Đề án đã đưa ra là đầy tham vọng, nhưng hoàn toàn có thể đạt được với đà tăng trưởng của toàn ngành như thời gian vừa qua.

Bứt tốc của Nữ hoàng Cá tra và vua tôm Minh Phú

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 680 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản, trong đó nhiều doanh nghiệp có quy mô và thương hiệu đã tạo được chỗ đứng tại các thị trường chủ lực như Mỹ, Nhật bản, EU, Anh bao gồm Minh Phú, Vĩnh Hoàn, Stapimex, Fimex Việt Nam hay các doanh nghiệp mới đang nổi lên như Thuận Phước Corp.

Số liệu Hải quan cũng cho biết, Top 10 doanh nghiệp thủy sản lớn nhất Việt Nam ghi nhận kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng bình quân 20,6% trong 6 tháng và 31,7% trong quý II/2021 so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Navico dẫn đầu với mức tăng trưởng 50,4%; Thuận Phước Corp tăng trưởng 46,5%, Biendong Seafood tăng trưởng 40,2% trong 6 tháng đầu năm 2021.

Nữ hoàng Cá tra VHC, vua tôm Minh Phú và Đề án doanh nghiệp chế biến thủy sản hiện đại ngang tầm thế giới - Ảnh 2.

Nguồn: Báo cáo tài chính DN

Thủy sản Minh Phú (mã MPC) giữ ngôi đầu kể cả khi chưa hợp nhất với Minh Phú - Hậu Giang với kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt hơn 176 triệu USD, tăng trưởng 24%. Nếu hợp nhất với Minh Phú – Hậu Giang, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng của Tập đoàn Minh Phú sẽ đạt 286 triệu USD, tăng trưởng 26,2%. Lưu ý rằng, 6 tháng đầu 2021, xuất khẩu tôm chân trắng của toàn ngành tăng 22,2% và xuất khẩu tôm sú giảm 10%.

Định hướng trong năm nay Minh Phú sẽ tiếp tục mở rộng các vùng nuôi tôm, đổi mới con giống và công nghệ nuôi. Tính đến cuối năm 2020, công ty đã tự nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm thành công mô hình nuôi tôm công nghệ cao 2-N-4, vận hành hiệu quả tại 2 vùng nuôi: Minh Phú Kiên Giang (600 hecta) và Minh Phú Lộc An (300 hecta), đồng thời hướng đến mô hình nuôi tôm bền vững.

Thông tin từ doanh nghiệp này cho hay, Minh Phú hiện có kế hoạch xây dựng Nhà máy Chế biến Thủy sản Minh Phát tại Khu công nghiệp Khánh An (Cà Mau), dự kiến khởi công trong tháng 5 này và sẽ đưa vào hoạt động vào tháng 5 năm sau. Dự án có vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, quy mô công suất là 30.000 tấn/năm.

Trước đó, tại báo cáo thường niên năm 2020, Minh Phú cũng nêu rõ mục tiêu chiến lược Chiến lược kinh doanh dài hạn của Tập đoàn là tập trung vào việc đạt 25% thị phần tôm thế giới vào năm 2045 . Mục tiêu này được hiện thực hóa bằng các chiến lược ngắn, trung và dài hạn, cụ thể chiến lược 05 năm gần nhất 2021 – 2025 tập trung vào các nội dung chính bao gồm, làm chủ được nguồn nguyên liệu sạch và bền vững, Đẩy mạnh năng suất chế biến và giảm giá vốn hàng bán.

Vĩnh Hoàn (mã VHC) xếp vị trí thứ 3 trong Top 10 doanh nghiệp thủy sản lớn, sau Stapimex, tuy nhiên vẫn giữ vững ngôi vị "nữ hoàng cá tra". 6 tháng đầu năm 2021, Vĩnh Hoàn ghi nhận kim ngạch xuất khẩu đạt 124,4 triệu USD, tăng trưởng 14%, thấp hơn mức tăng trưởng chung của nhóm cá tra.

Nữ hoàng Cá tra VHC, vua tôm Minh Phú và Đề án doanh nghiệp chế biến thủy sản hiện đại ngang tầm thế giới - Ảnh 3.

Nguồn: Báo cáo tài chính doanh nghiệp

Tuy nhiên, doanh thu VHC ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng khi 6 tháng đầu năm đạt hơn 4.130 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, doanh thu từ thị trường Mỹ của VHC tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng hai chữ số (77%) nhờ nhu cầu tăng cao tại các nhà hàng và ngành dịch vụ thực phẩm tại Mỹ.

Được biết, Vĩnh Hoàn có trại ươm cá giống cùng các dự án sản xuất giống công nghệ cao, 610ha nuôi trồng, 5 nhà máy chế biến cá fillet, 1 nhà máy chế biến sản phẩm giá trị gia tăng, 2 nhà máy sản xuất bột mỡ cá, 1 nhà máy sản xuất collagen và gelatin, ngoài trụ sở ở Cao Lãnh – Đồng Tháp họ có 3 văn phòng đại diện tại TP. HCM – Quảng Châu – Los Angeles.

Thật thiếu sót khi không nhắc đến sự trở lại của Stapimex -"hiện tượng" ngành tôm khi lọt top 2 nhà xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất Việt Nam năm 2020 và vượt mặt "vua tôm" Minh Phú của ông Lê Văn Quang để trở thành doanh nghiệp tôm báo lãi lớn nhất năm 2020 với lãi ròng đạt 757 tỷ đồng cao gấp 1,2 lần "vua tôm" Minh Phú (617 tỷ đồng) và 3,3 lần Fimex VN (225 tỷ đồng).

Mục tiêu phát triển của Stapimex trong thời gian tới vẫn hướng đến chiến lược tiếp tục đầu tư và nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị nhằm đáp ứng kịp thời cho nhu cầu chế biến xuất khẩu. Cũng như mở rộng, nâng cao tỷ trọng các mặt hàng giá trị gia tăng tại hai xí nghiệp chế biến tôm.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem