Doanh nghiệp nợ thuế 'dựa hơi' dịch Covid-19 liệu có bị xử lý hình sự?

Quốc Hải Thứ tư, ngày 18/08/2021 10:22 AM (GMT+7)
Tính đến 31/7, số tiền nợ thuế toàn ngành ước khoảng 116.891 tỷ đồng, tăng gần 23% so với thời điểm cuối năm 2020 do bùng dịch Covid-19. Trong đó, tiền thuế không có khả năng thu hồi trên 25.000 tỷ đồng…
Bình luận 0

Nợ thuế tăng mạnh vì dịch Covid-19

Theo công bố của Cục Thuế TP.HCM, tổng nợ thuế trên toàn địa bàn 4 tháng đầu năm nay đã tăng thêm 60,58%, lên 38.843 tỷ đồng. Trong đó, nợ khó thu 11.746 tỷ đồng, chiếm 30,3%; nợ đang xử lý 1.205 tỷ đồng, chiếm 3,1%; nợ đang khiếu nại 872 tỷ đồng, chiếm 2,2%; còn lại là 25.020 tỷ đồng nợ có khả năng thu, chiếm 64,4%.

6 tháng đầu năm, đơn vị này thu ngân sách nhà nước được 140.762 tỷ đồng, đạt 54,79% dự toán năm. Trong đó, đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế được 4.747 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự kiến nguồn thu các tháng sắp tới sẽ bị ảnh hưởng nhất định do dịch bệnh.

Doanh nghiệp “ăn theo” dịch Covid-19, chây ì nợ thuế liệu có bị xử lý hình sự (!?) - Ảnh 1.

Dịch Covid-19 khiến số nợ thuế 6 tháng đầu năm 2021 của nhiều DN tăng lên so với cùng kỳ (Ảnh: luatdragon.vn).

Còn trên phạm vi toàn quốc, theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tổng số tiền nợ thuế do ngành thuế quản lý tính hết tháng 7 ước khoảng 116.891 tỷ đồng, tăng 22,8% so với thời điểm ngày 31/12/2020, tăng 0,8% so với thời điểm ngày 30/6.

Trong tổng số nợ thuế trên, theo phân tích của Tổng cục thuế, nợ thuế có khả năng thu khoảng 60,3 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 51%. Số còn lại là tiền thuế không có khả năng thu hồi trên 25 nghìn tỷ đồng và tiền thuế nợ đang xử lý xóa, giảm, gia hạn...

Theo tìm hiểu của Dân Việt, đối tượng nợ thuế khá đa dạng, từ doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) và cả doanh nghiệp nhà nước.

LS Lê Bá Thường, Giám đốc Công ty luật Dân Luật Tín Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM), lý giải, ngoài nguyên nhân làm ăn thua lỗ hoặc gặp khó khăn nhất thời phải nợ thuế đã đành, không ít doanh nghiệp cố tình chây ỳ và tìm mọi cách để… "xù" thuế. 

Chẳng hạn như nhiều doanh nghiệp FDI liên tục nhiều năm báo lỗ nhưng vẫn mở rộng sản xuất, xây dựng thêm nhà máy, chi nhánh. Hoặc, có doanh nghiệp khi bị nợ thuế thì đóng cửa rồi lập pháp nhân mới tiếp tục kinh doanh…

Doanh nghiệp “ăn theo” dịch Covid-19, chây ì nợ thuế liệu có bị xử lý hình sự (!?) - Ảnh 2.

Luật sư Lê Bá Thường. Ảnh: NVCC.

"Trong thực tế, nếu các doanh nghiệp có khả năng về tài chính nhưng vẫn lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid- 19 để chây ỳ nợ tiền các loại thuế thì việc chiếm dụng số tiền thuế, không nộp nợ thuế vào ngân sách Nhà nước của các doanh nghiệp phải bị xử lý bằng các hình thức cưỡng chế nộp thuế", LS Thường nói.

Liên quan đến tiền nợ thuế tăng mạnh, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho rằng, hiện tại, rất nhiều người lao động mất công ăn việc làm và nhiều doanh nghiệp cũng đang lao đao vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn tới tình trạng nợ thuế gia tăng. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng doanh nghiệp lợi dụng dịch bệnh, cố tình chây ỳ nộp thuế bởi vì con số nợ thuế này đã tăng dần qua nhiều năm.

"Với những cá nhân, doanh nghiệp làm ăn có lãi nhưng tìm cách trốn thuế, lách thuế, chây ỳ nộp thuế, cơ quan thuế cần phải có biện pháp mạnh tay để xử lý, tránh thất thu ngân sách", ông Hiếu nhấn mạnh.

Khó xử lý hình sự (!?)

Ở góc độ pháp luật, theo LS Lê Bá Thường, trong trường hợp cơ quan thuế khi thanh tra quyết toán thuế doanh nghiệp mà phát hiện doanh nghiệp có hành vi trốn thuế thì sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra. 

Nếu có chứng cứ doanh nghiệp trốn thuế thì tùy theo tính chất của số tiền trốn thuế và mức độ vi phạm mà cá nhân có thể sẽ bị xử phạt tiền từ 1,5 tỷ đồng đến 4,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. 

Và người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trách nhiệm của người đứng đầu các Cục, Chi cục thuế cũng phải được đề cập

"Người nộp thuế chậm đóng tiền thì bị xử phạt, thậm chí là khởi tố hình sự. Vậy cơ quan, cá nhân quản lý nợ thuế để nợ tăng cao cũng bị coi là gây tổn thất cho ngân sách, cũng phải bị xử lý, trước nhất là xử phạt hành chính, kể cả việc miễn nhiệm hoặc sa thải. Thậm chí trong những trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến vấn đề tham nhũng, làm thâm hụt ngân quỹ quốc gia, cần phải xử lý hình sự… " - TS. Nguyễn Trí Hiếu.

Đối với pháp nhân thương mại phạm tội trốn thuế thì bị phạt tiền từ 3 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm, và bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm (Điều 200 BLHS 2015).

"Tuy nhiên, trong thực tiễn, các doanh nghiệp chỉ có thể bị xử tội hình sự với hành vi trốn thuế. 

Vì căn cứ tại Khoản 1, Điều 76 Bộ luật hình sự 2015 thì pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm được quy định về tội trốn thuế là một trong những tội phạm bị xử phạt hình sự đối với doanh nghiệp. 

Do đó, rất khó xử doanh nghiệp khi chỉ có nợ thuế mà không có hành vi trốn thuế", LS Lê Bá Thường, bình luận.

Vì thế, nghĩa vụ nộp nợ thuế vào Ngân sách Nhà nước chủ yếu được thực hiện bằng ý thức tự giác của doanh nghiệp là chính.

"Có những doanh nghiệp vì bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid 19 gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, phải tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến nợ thuế hoặc chậm nộp tiền thuế còn có thể thông cảm được. 

Tuy nhiên, nếu có doanh nghiệp lợi dụng chính sách hỗ trợ về giãn nộp thuế để chây ỳ, không nộp thuế vào ngân sách nhà nước thì khó chấp nhận", LS Thường nói thêm.

7 biện pháp cưỡng chế với các DN "chây ỳ" nợ thuế

Khi doanh nghiệp nợ thuế sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế.

Vì tiền thuế là khoản thu lớn nhất cho ngân sách Nhà nước nên các doanh nghiệp sẽ bị Nhà nước thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế được quy định cụ thể tại Khoản 1, Điều 125, Luật quản lý thuế 2019, bao gồm:

1) Cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.

(2) Cưỡng chế bằng biện pháp khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập.

(3) Cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

(4) Cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn.

(5) Cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên.

(6) Cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản khác của người nộp thuế bị cưỡng chế do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang giữ.

(7) Cưỡng chế bằng biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem