Để cán bộ khuyến nông "sống" được bằng nghề của mình

Minh Huệ Thứ tư, ngày 04/01/2023 11:21 AM (GMT+7)
Quan điểm của Bộ NNPTNT là cán bộ khuyến nông phải sống được từ nghề khuyến nông của mình. Bởi vì công việc của cán bộ khuyến nông rất vất vả. Tức là, cán bộ khuyến nông được phép làm các loại hình dịch vụ để cải thiện thu nhập từ dịch vụ khuyến nông ở địa phương.
Bình luận 0

Hình thành đội ngũ cán bộ khuyến nông “đa di năng”

Tại Hội nghị triển khai Đề án khuyến nông cộng đồng giai đoạn 2022 – 2025 tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Nghị định số 83/2018/NĐ-CP, ngày 24/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Khuyến nông với một phần nội dung về đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động khuyến nông chính là vấn đề mấu chốt để triển khai Đề án khuyến nông cộng đồng giai đoạn 2022 – 2025. Đề án lần này hướng tới mục tiêu xây dựng được một đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở gần gũi, sát sao, trực tiếp tham gia sản xuất với nhân dân.

"Hơn lúc nào hết, cán bộ khuyến nông phải tự hào về nghề và ý thức rõ hơn về nghề của mình, nhất là khi tham gia vào tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ). Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục đồng hành để nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông" – ông Nam nói.

Để cán bộ khuyến nông "sống" được bằng nghề của mình - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Cán bộ khuyến nông phải tự hào về nghề và ý thức rõ hơn về nghề của mình. Ảnh: Đ.T

Cán bộ KNCĐ khác với cán bộ tư vấn dịch vụ nông nghiệp, cũng không đơn thuần là cán bộ kỹ thuật mà phải là một cán bộ khuyến nông có đầy đủ kỹ năng, am hiểu và có thể tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội của địa phương; gần gũi, gắn bó với nông dân. Những cán bộ này liên tục phải được tập huấn kiến thức về kỹ thuật, thị trường, tổ chức sản xuất và công nghệ số, để trở thành một cán bộ chuyên nghiệp, “đa di năng”, đáp ứng các yêu cầu mới của ngành nông nghiệp, của doanh nghiệp, nông dân…

Các kiến thức trang bị cho đội ngũ KNCĐ sẽ do nhà nước đào tạo sau đó kết hợp với doanh nghiệp để thực hiện xã hội hóa hoạt động khuyến nông, từ đó có điều kiện phục vụ tốt nhất cho xã hội và cũng sẽ mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Đây cũng chính là cơ chế mới, để cán bộ KNCĐ có thể sống được với nghề, yên tâm cống hiến cho công việc.

Vai trò của KNCĐ sẽ là: Truyền tải những thông tin, định hướng của ngành tới cuộc sống; tiếp thu kiến thức để hỗ trợ địa phương và liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Đề án ở giai đoạn thí điểm nên thời gian tới sẽ là chặng đường gian nan, nhưng với sự quan tâm sát sao của Bộ NNPTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các địa phương, các bên sẽ cùng nhau đoàn kết, khắc phục khó khăn, vất vả để đề án thành công.

Để cán bộ khuyến nông "sống" được bằng nghề của mình - Ảnh 2.

Các hộ nông dân, cộng tác viên khuyến nông đi tham quan mô hình trồng dưa công nghệ cao trong nhà màng, nhà kính tại HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Tâm Phúc (xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). ảnh: Ngọc Ánh

Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông

Còn nhớ tại Hội nghị Khuyến nông toàn quốc tổ chức ngày 27/7/2022 tại Quảng Ninh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đã có ý kiến chỉ đạo thông qua ghi hình phát trực tiếp tại Hội nghị. Bộ trưởng đánh giá cao sự chuyển động tư duy, cách làm của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trong thời gian gần đây, đã hình thành được tư duy, có những đột phá trong chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. 

Bộ trưởng chỉ đạo phải hình thành được hệ sinh thái khuyến nông gắn kết, trong đó hạt nhân là Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hệ thống khuyến nông ở cơ sở gắn với khuyến nông doanh nghiệp. Như vậy, chúng ta hình thành được một chuỗi khuyến nông từ vấn đề kỹ thuật sang vấn đề kinh tế và tiếp cận vấn đề thị trường.

Với phương châm “Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”, người nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Mọi hoạt động khuyến nông cần phải hướng tới người nông dân, xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của nông dân và phù hợp với năng lực, điều kiện sản xuất của nông dân. 

"Khuyến nông không chỉ dừng lại ở làm nông nghiệp, dạy nông dân mà phải hướng dẫn nông dân tổ chức lại sản xuất, vào kinh tế tập thể, tổ chức lại một ngành hàng. Khuyến nông phải nâng cao tri thức của người nông dân, cung cấp nhiều kiến thức, nhiều kỹ năng, nhiều thông tin cho người nông dân" - ông Lê Minh Hoan nói. 

Vị tư lệnh ngành nông nghiệp cũng bày tỏ tâm huyết, nếu không có khuyến nông thì chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn sẽ không đến được với người nông dân. Khuyến nông là người kết nối gắn kết giữa các cơ quan khác trong Bộ để đưa tất cả những vấn đề về tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại thị trường đến với người nông dân...



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem