Sau khi kích nổ quả bom nguyên tử đầu tiên năm 1949, Liên Xô đã tiến hành tổng cộng 715 vụ thử hạt nhân trong 41 năm. Những vụ thử này củng cố vị trí siêu cường hạt nhân của Liên Xô với đối thủ Mỹ, nhưng cũng để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về môi trường và con người.
Chuyên gia quân sự Kyle Mizokami cho biết phần lớn vụ thử hạt nhân của Liên Xô diễn ra ở bãi thử Semipalatinsk (STS), đông bắc nước Cộng hòa Kazakhstan. Đây là một bãi thử hẻo lánh, cách xa khu vực dân cư. Có tổng cộng 456 thiết bị hạt nhân phân hạch và nhiệt hạch được kích nổ ở Semipalatinsk, trong đó nhiều vụ thử nghiệm diễn ra trên bầu khí quyển.
Khu vực Semipalatinsk do giám đốc Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô (NKVD) Lavrenti Beria chọn, ông cho rằng đó là "nơi không có người ở". Tuy nhiên, trên thực tế có gần 700.000 người sống ở các ngôi làng quanh khu vực này.
Ngày 29/8/1949, Liên Xô kích nổ quả bom nguyên tử đầu tiên có tên mã RDS-1, có thiết kế giống quả bom Mỹ ném xuống thành phố Nagasaki, Nhật Bản trong Thế chiến II. Vụ nổ có sức công phá tới 22 kiloton, tương đương 22.000 tấn thuốc nổ TNT. Dân làng trong khu vực vô tình hứng chịu cơn mưa phóng xạ, hiện tượng họ sẽ liên tục trải qua trong nhiều thập kỷ.
Giống Mỹ, Liên Xô cũng lồng ghép nội dung diễn tập quân sự trong các vụ thử hạt nhân. Cuộc diễn tập Totskoye tổ chức tháng 9/1954 là vụ thử hạt nhân đầu tiên diễn ra bên ngoài bãi thử Semipalatinsk, cũng như trên lãnh thổ Nga ở châu Âu. Totskoye có sự tham gia của 44.000 lính bộ binh, một số lực lượng chỉ cách địa điểm kích nổ hạt nhân khoảng 2,4 km.
Trong cuộc tập trận này, một oanh tạc cơ T-4 thả bom RDS-3 có sức công phá 40 kiloton, kích nổ ở độ cao 304 m so với mặt đất. Trong vòng 40 phút sau vụ nổ, bộ binh thực hành cơ động cách đó 1,5 km, khiến nhiều người bị nhiễm xạ và mắc các bệnh liên quan như ung thư.
Ngoài Semipalatinsk, gần một phần ba số vụ thử hạt nhân Liên Xô diễn ra tại bãi thử vịnh Mityushikha, trên đảo hoang Novaya Zemlya. Tổng cộng 244 quả bom được kích nổ tại đây, bao gồm cả "Bom Sa hoàng" (Tsar Bomba) lớn nhất thế giới với sức công phá 50 triệu tấn TNT, mạnh gấp hơn ba lần Castle Bravo, quả bom hạt nhân lớn nhất trong lịch sử Mỹ.
Bom Sa hoàng nặng 27 tấn được thả từ oanh tạc cơ Tu-95 cải tiến vào ngày 30/10/1961. Sức công phá quá lớn của nó khiến phi hành đoàn chỉ có 50% cơ hội sống sót. Bức xạ nhiệt từ vụ thử có thể gây bỏng độ ba ở khoảng cách 100 km, trong khi ánh sáng từ vụ nổ có thể nhìn thấy từ cách 965 km. Vụ nổ còn khiến các ngôi nhà gỗ cách xa trên 160 km bị phá hủy, sóng xung kích làm cửa sổ ở cách 900 km bị vỡ. Quả bom tạo ra đám mây hình nấm cao 64 km, rộng 95 km.
Sức công phá khủng khiếp của quả bom khiến Liên Xô không thử tiếp những thiết bị có sức công phá tương tự. Nước này vẫn tiến hành 124 vụ thử hạt nhân vì mục đích hòa binh trong chương trình kinh tế quốc gia. Chúng phục vụ mục đích thăm dò dầu khí, xây dựng và cải tạo tuyến đường thủy, khai thác than, tạo hồ, xây dựng kho dự trữ khí tự nhiên ngầm và chứa chất thải độc hại trong lòng đất. Chương trình này bị xem là thất bại do vấn đề ô nhiễm phóng xạ diễn ra thường xuyên.
Liên Xô sau đó cùng Mỹ ký Hiệp ước hạn chế thử hạt nhân năm 1963, cấm hoàn toàn việc thử bom hạt nhân dưới lòng đất.
Tương tự Mỹ, nhiều binh sĩ và người dân Liên Xô cũng gánh chịu hậu quả từ những lần thử hạt nhân. Năm 1992, ước tính gần 60.000 người Kazakhstan gần bãi thử STS đã qua đời vì ung thư do nhiễm phóng xạ, nhiều con cháu của họ cũng bị dị tật bẩm sinh.
Ngày 24/10/1990, Liên Xô tiến hành vụ thử hạt nhân cuối cùng. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga kế thừa kho vũ khí hạt nhân và không tiến hành thêm các vụ thử. Moscow chỉ tập trung vào phát triển tên lửa hạt nhân thế hệ mới như RSM-56 Bulava, Topol-M và Sarmat. Hiệp định dừng thử hạt nhân không chính thức giữa Nga và Mỹ vẫn được duy trì cho đến nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.