Để doanh nghiệp "băm nát" núi Chín Khúc, hai cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa đối diện hình phạt nào?
Để doanh nghiệp "băm nát" núi Chín Khúc, hai cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa đối diện hình phạt nào?
Quang Trung
Thứ bảy, ngày 02/04/2022 15:31 PM (GMT+7)
Hai cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chuẩn bị phải hầu tòa vì để doanh nghiệp "băm nát" núi Chín Khúc. Với hành vi trên, hai cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ đối mặt với mức phạt như thế nào?
Theo quyết định TAND Khánh Hòa, ngày 4/4, TAND tỉnh Khánh Hòa sẽ mở phiên tòa xét xử vụ án vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung thuộc khu vực núi Chín Khúc.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Đức Vinh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh bị TAND Khánh Hòa đưa ra xét xử cùng về tội Vi phạm quy định về quản lý đất đai.
5 cựu lãnh đạo khác gồm ông Đào Công Thiên (60 tuổi, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh); ông Lê Mộng Điệp, cựu Giám đốc Sở TN&MT; Võ Tấn Thái, cựu Giám đốc Sở TN&MT; Lê Văn Dẽ, cựu Giám đốc Sở Xây dựng; Trần Văn Hùng, cựu Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai - Sở TN&MT cùng hầu tòa với tội danh trên.
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, tội Vi phạm quy định về quản lý đất đai mà hai cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa và các cựu lãnh đạo sở tỉnh này bị khởi tố được quy định tại Điều 229 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Điều luật này có 3 khung hình phạt. Khung một (khoản 1) có mức phạt phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Khung hai (khoản 2) có mức phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Khung ba (khoản 3) có mức phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.
Luật sư Hòe cho biết, theo cáo trạng, hai cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh bị truy tố theo khoản 3 Điều 229 Bộ luật hình sự.
Cụ thể, khoản 3 Điều 229 Bộ luật hình sự 2015 quy định người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp:
Đất trồng lúa có diện tích 70.000 mét vuông (m2) trở lên; đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích 100.000 mét vuông (m2) trở lên; đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích 80.000 mét vuông (m2) trở lên; hoặc đất có giá trị quyền sử dụng đất được quy thành tiền 7 tỷ đồng trở lên đối với đất nông nghiệp hoặc 15 tỷ đồng trở lên đối với đất phi nông nghiệp sẽ bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.
Như vậy hai cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa sẽ đối diện với mức phạt tù từ 5 năm đến 12 năm như đã phân tích ở trên.
Ngoài ra hai người này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 150 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Đây là hình phạt bổ sung.
Vị luật sư phân tích, vi phạm các quy định về quản lý đất đai được hiểu là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý Nhà nước về đất đai đã lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn để giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật.
Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có chức vụ, quyền hạn liên quan đến việc giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất mới có thể là chủ thể của tội phạm này.
Người phạm tội vi phạm quy định về quản lý đất đai thực hiện hành vi của mình là do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình là vi phạm quy định của nhà nước về quản lý đất đai, mong muốn cho hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.
Động cơ của người phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, nhưng chủ yếu vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.
Theo cáo trạng, 7 cựu lãnh đạo tỉnh bị cáo buộc ký nhiều văn bản sai quy định trong việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho thuê đất, phê duyệt giá đất …, cho Công ty TNHH sản xuất và xây dựng Khánh Hòa (Công ty Khánh Hòa) thực hiện dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung, Sinh thái tâm linh Cửu long Sơn Tự ở trên núi Chín Khúc từ năm 2012-2015.
Tại dự án Sinh thái tâm linh Cửu long Sơn Tự có diện tích hơn 513ha trên núi Chín Khúc, ông Thắng bị cáo buộc ký văn bản chỉ đạo về chủ trương và quyết định giao đất trái pháp luật cho doanh nghiệp.
Ông Đào Công Thiên, Lê Mộng Điệp, Võ Tấn Thái, Trần Văn Hùng đã tham mưu, ký các văn bản liên quan. Những người này vi phạm các quy định về Luật Đất đai và các văn bản liên quan.
Tương tự, dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung với diện tích hơn 19ha thuộc núi Chín Khúc cũng do Công ty Khánh Hòa làm chủ đầu tư.
Với dự án này, ông Vinh bị xác định ký các quyết định giao đất, vi phạm phạm pháp luật về quản lý đất đai; giao đất khi chưa xác định mức thu tiền sử dụng đất, giao đất trên thực địa trước khi chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính; giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Ông Lê Mộng Điệp, Lê Văn Dẽ, Lê Mộng Điệp, Trần Văn Hùng cũng có vi phạm tại dự án trên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.