Thực hiện chỉ đạo của chính quyền huyện Bình Sơn, phòng Nội vụ huyện này tiến hành kiểm tra và xác minh để tham mưu đề xuất khen thưởng ông Phạm Tấn Lực (ở thôn Phú Lễ 2, xã Bình Trung), người đã gửi đơn tố cáo cho rằng đơn vị thi công gói thầu A3, dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi có gian dối, sai phạm.
Ông Phạm Tấn Lực, người đã gửi đơn tố cáo cho rằng đơn vị thi công gói thầu A3, dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi có gian dối, sai phạm.
Đến ngày 16.11 vừa qua, ông Nguyễn Tấn Thọ - Phó phòng Nội vụ huyện Bình Sơn đã ký văn bản kiến nghị (số 97/BC-PNV), gửi Huyện ủy và UBND huyện này, với nội dung "Việc khen thưởng nhằm động viên, biểu dương, khuyến khích người dân phát huy tinh thần giám sát. Tuy nhiên thành tích của ông Lực chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm chứng, kết luận; chính quyền địa phương chưa thống nhất đề xuất khen thưởng... ". Vì vậy Phòng Nội vụ huyện Bình Sơn đề nghị chưa khen thưởng cho ông Lực.
Trưa 27.11, trao đổi với PV Dân Việt, bà Hà Thị Anh Thư - Bí thư Huyện ủy Bình Sơn cho biết: "Không riêng gì ông Lực, việc khen thưởng nhằm động viên cho cá nhân tố cáo sai phạm là cần thiết. Nhưng huyện cần phải tham vấn các cơ quan chuyên môn để thực hiện khen thưởng cho cá nhân đã tố cáo sai phạm là đúng người, đúng việc. Đây là ý kiến của phòng Nội vụ, chứ chính quyền Bình Sơn chưa tổ chức họp để đưa ra kết luận cuối cùng là có hay không việc khen thưởng cho ông Lực".
Lý do thành tích của ông Lực chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm chứng, kết luận đúng sai; chính quyền xã Bình Trung chưa thống nhất đề xuất khen thưởng, vì vậy Phòng Nội vụ huyện Bình Sơn đã có văn bản gửi lãnh đạo Huyện ủy và UBND huyện này đề nghị chưa khen thưởng cho ông Lực.
Được biết vào năm 2015, lão nông Phạm Tấn Lực được tuyển vào làm bảo vệ tại gói thầu A3-dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, có chiều dài gần 11km, do Công ty TNHH công trình giao thông tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) trúng thầu. Tổng giá trị gói thầu này khoảng 1.360 tỷ đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng thế giới (WB). Tại đây ông Lực chứng kiến đơn vị thi công dùng loại đất không đảm bảo để đắp nền đường, lấy đất sình lầy đắp lên cao tốc, không bóc tách đất phong hóa theo quy định....nên nhiều lần phản ánh trực tiếp với các kỹ sư trên công trường nhưng bị bỏ ngoài tai.
Đoạn cao tốc trên hầm chui Phú Lễ, đoạn đi qua huyện Bình Sơn nơi bị phát hiện ổ gà, bị nước mưa xuyên làm thấm dột chỉ sau hơn 2 tháng chính thức thông xe và đưa vào hoạt động.
Vì vậy ông Lực quyết định nghỉ việc và bắt đầu tìm hiểu, ghi chép và chụp ảnh lại những nghi vấn sai sót trong quá trình thi công gói thầu này, gửi đến nhiều cơ quan chức năng, chủ đầu tư và báo chí để tố cáo sai phạm. Thế nhưng tố cáo của ông Lực đều không được hồi âm.
Trả lời về nội dung tố cáo của ông Lực, ông Nguyễn Tiến Thành - Giám đốc BQL Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cho rằng: "Có thể về mặt hiện tượng là đúng, tuy nhiên "người ta" (ông Lực) chỉ đưa ra hiện tượng mà không đưa ra được giải pháp nên thông tin đó không được toàn diện".
Một đoạn của tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, trị giá 1,6 tỷ USD nhìn từ trên cao.
Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, có chiều dài gần 140km, đi qua 3 tỉnh/thành phố là Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Dự án được khởi công ngày 19.5.2013, với tổng mức đầu tư gần 34.520 tỷ đồng (khoảng 1,6 tỷ USD), gồm vốn vay JICA gần 16.700 tỷ, vay Ngân hàng Thế giới 12.400 tỷ.
Đến tháng 8.2017, đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ (dài 65km/140km) đã được VEC đưa vào khai thác, đến ngày 2.9.2018, đoạn còn lại (Tam Kỳ-Quảng Ngãi) cũng chính thức hoàn thành và thông xe toàn tuyến. Tuy nhiên chỉ sau hơn 2 tháng chính thức thông xe và đưa vào hoạt động, nhiều hạng mục cầu và hầm chui dân sinh của gói thầu A3, đoạn đi qua huyện Bình Sơn xảy ra sự cố thấm dột, mặt đường bong tróc, lủng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.