Đề nghị tách, đấu giá "đất vàng" khi cổ phần hoá các "ông lớn" nhà nước
Đề nghị tách, đấu giá "đất vàng" khi cổ phần hoá các "ông lớn" nhà nước
An Linh
Thứ tư, ngày 08/06/2022 15:04 PM (GMT+7)
Trước nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi chính sách, tách xác định giá đất khỏi tài sản doanh nghiệp khi cổ phần, để đấu giá chuyển vào ngân sách nhà nước.
Trả lời lý do, giải pháp về đẩy mạnh cổ phần hoá, thoái vốn của đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn ngày 8/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, việc sắp xếp định giá nhà đất, bất động sản trong xác định giá trị doanh nghiệp trước cổ phần, thoái vốn đang là nút thắt cho tiến trình này. Chính vì thế, quá trình cổ phần hoá diễn ra rất chậm.
Đề xuất tách "đất vàng" khỏi xác định giá doanh nghiệp khi cổ phần
Tư lệnh ngành tài chính cho rằng, trong quá trình cổ phần hoá, khi trình phương án sắp xếp tài sản công của doanh nghiệp nhà nước, UBND các tỉnh được giao thẩm quyền phê duyệt phương án, tuy nhiên việc phê duyệt phương án cổ phần hoá hiện nay rất chậm.
"Năm 2021 cổ phần hóa được 18 doanh nghiệp, thoái vốn được 4 doanh nghiệp, thu ngân sách 4.402 tỷ đồng, vấn đề ở đây là về mặt luật pháp cũng phải được hoàn thiện", ông Phớc nêu thực trạng.
Về ý kiến gắn sắp xếp nhà đất vào cổ phần hoá có phù hợp không? ông Phớc dẫn quy định: Theo Nghị định của Chính phủ, tài sản doanh nghiệp nhà đất thuê hàng năm thì không tính vào giá trị doanh nghiệp, nhưng nộp thuế một lần thì tính vào giá trị tài sản doanh nghiệp.
"Đây là lỗ hổng cần được khắc phục, nhằm đảm bảo sau khi cổ phần hoá, đất đai không bị thất thoát", Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Theo ông Phớc, hiện quy định không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau khi cổ phần hoá mà phải thực hiện theo chủ trương được phê duyệt trước cổ phần hoá. Ông Phớc nhấn mạnh: Vừa qua có nhiều sai phạm liên quan đến đất đai như Nông nghiệp Sài Gòn, Tân Thuận… chủ yếu là sai phạm từ đất đai, từ việc chuyển mục đích sử dụng đất.
Ông Phớc nêu một số sai phạm như khi UBND tỉnh phê duyệt thì đất thuê, doanh nghiệp nộp tiền thuê đất một lần 50 năm, sau khi chuyển qua cổ phần hoá, thì doanh nghiệp lại xin tỉnh phê duyệt chuyển mục đích sử dụng, khi chuyển mục đích sử dụng đất lại tính giá không sát thị trường, tạo ra thất thoát, tài sản nhà nước.
Chuyển đất đai về quản lý của nhà nước, đấu giá chuyển tiền vào ngân sách
Ông Phớc nói: "Nhiều chuyên gia có ý kiến sửa lại quy định của pháp luật, doanh nghiệp nhà nước cũng như cổ phần đều sử dụng đất đai, mà đất đai là sở hữu toàn dân, tài sản toàn dân do nhà nước quản lý. Chính vì vậy cho nên đất của doanh nghiệp nhà nước là đất thuê, có mục đích kinh doanh, khi chuyển ra cổ phần, cũng phải sử dụng là mục đích kinh doanh, khi chuyển đổi phải đúng mục đích sử dụng".
Ông Phớc nói rằng: Nếu doanh nghiệp nhà nước nào không có nhu cầu sử dụng đất đai thì khi cổ phần phải trả lại đất cho nhà nước, nhà nước sẽ đấu giá đất đó để thu tiền về cho ngân sách, địa tô chênh lệch sẽ không vào túi doanh nghiệp mà là vào ngân sách nhà nước.
Ông Phớc khẳng định: Có làm được như vậy sẽ có lợi thúc đẩy năng lực nền kinh tế, doanh nghiệp cổ phần hoá để nâng cao năng lực, chứ không phải để bán máy móc thiết bị, bán đất lấy chênh lệch, chuyển sang đất ở hay thải hồi công nhân.
"Nếu chúng ta làm được điều này, chắc chắn năng lực nền kinh tế, không khuyến khích doanh nghiệp nhìn những khu đất vàng như đất thương mại, tổ chức cổ phần hoá", Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.
Về trách nhiệm để xảy ra chậm cổ phần hoá, thoái vốn, ông Phớc cho rằng: Trách nhiệm trực tiếp là chủ sở hữu của doanh nghiệp. Ở địa phương, UBND tỉnh chịu trách nhiệm; các doanh nghiệp thuộc Bộ, Bộ trưởng chịu trách nhiệm, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc chịu trách nhiệm về lập phương án, đối với doanh nghiệp đã có kế hoạch cổ phần hoá. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phớc cho rằng: "Cổ phần hoá chậm hiện nay thể hiện chưa quyết tâm, chưa trách nhiệm, phương án không được phê duyệt không lên sàn, không bán được".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.