Đề Sử ngắn và dễ, thí sinh thở phào

Nhóm P.V Thứ bảy, ngày 04/07/2015 11:58 AM (GMT+7)
Sau giờ làm bài thi môn Lịch sử, nhiều thí sinh cho biết, đề thi không khó, bám sát chương trình học. Trong đề thi, có câu hỏi mở khiến học sinh hào hứng.
Bình luận 0

Ngày 4.7, hơn 180.000 thí sinh cả nước thi môn Lịch sử. Kết thúc 180 phút làm bài thi, nhiều thí sinh nhận định đề thi vừa sức.

img
Đề thi môn Lịch Sử  

 

Hà Nội: Nhiều thí sinh kết thúc bài thi sớm

Ghi nhận của phóng viên tại điểm thi Đại học Thủy Lợi, nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi sớm. Thí sinh Nguyễn Thị Hương, học sinh trường THPT Lý Nhân, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam cho biết, đề thi môn Lịch sử có 4 câu hỏi. Đề thi năm nay dễ hơn năm trước. Thí sinh có thể dễ dàng vượt qua điểm trung bình.

img

Nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi sớm tại điểm thi Đại học Thủy Lợi  

Hương cho biết thêm, trong đề thi có câu hỏi mở khiến thí sinh hào hứng, gánh nặng học thuộc lòng cũng không còn trong đề thi năm nay. Cụ thể ở câu hỏi số 4, đề bài hỏi: Từ những nhân tố chủ quan đảm bảo thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Việt Nam (1945-1954) hãy chọn lựa một nhân tố cần phát huy trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Theo anh chị, thanh niên Việt Nam cần làm gì để góp phần củng cố và phát triển nhân tố đó.

“Trong câu hỏi này, em đã nêu hai ý cơ bản: thanh niên Việt Nam phải không ngừng học tập, trau dồi kiến thức để thực hiện mục tiêu đề ra; thanh niên nâng cao nhận thức về mọi mặt để hoàn thiện mình hơn. Với dạng câu hỏi mở này, nhiều thí sinh thấy thích thú vì có thể trình trình bày suy nghĩ, quan điểm của mình về một vấn đề được đưa ra”, Hương nói.

Vũ Thị Hoa, học sinh trường THPT Lê Quý Đôn, quận Hà Đông cho hay, hết 2/3 thời gian, thí sinh trong phòng em ra gần hết. Đề thi có nhiều câu hỏi mở, chiếm tỷ lệ 50%. Năm nay đề thi có sự mới mẻ, câu hỏi mở nhiều,

“Em thích nhất câu hỏi về Hiệp định Giơ-ne-vơ. Mặc dù không đi học thêm môn Lịch sử nhưng em có thể hoàn thành bài thi này ở mức trung bình – khá. Cách ra đề này tạo điều kiện cho thí sinh có học lực trung bình gỡ điểm. Em làm được khoảng 70% bài thi”, Hoa nói.

Ghi nhận của phóng viên tại cụm thi trường ĐH Bách Khoa (Hà Nội), sau khi kết thúc 2/3 thời gian làm bài, hàng trăm thí sinh đã rời phòng thi.

img

Thí sinh dự thi tại điểm thi trường Đại học Bách Khoa 

Khá tự tin với bài làm của mình, thí sinh Hoàng Nam Cường, trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), cho biết đề thi năm nay khá dễ, không đánh đố thí sinh.

“Sau 2 tiếng làm bài em đã kết thúc bài thi của mình. Đề thi năm nay có những câu hỏi rất dễ, như câu 2 có thể nhìn vào bảng sự kiện có thể trả lời được câu hỏi này. Em khá tự tin với bài làm của mình” – Hoàng Anh nói.

Tuy nhiên, tại điểm thi trường ĐH Bách Khoa cũng có nhiều thí sinh ra sớm do không làm được bài, cũng có thí sinh bị đình chỉ do sử dụng tài liệu.

Tại điểm thi ĐH Ngoại ngữ (Hà Nội) nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi sớm so với thời gian làm bài thi.

img
Nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi sớm tại điểm thi ĐH Ngoại ngữ (Hà Nội) 

Thí sinh Phùng Văn Trung (Vĩnh Yên), Vĩnh Phúc cho biết, đề năm nay có nhiều câu hỏi mở giống như môn Văn và khác so với đề minh họa của Bộ Giáo dục đưa ra cho học sinh ôn luyện.

“Đề thi năm nay dài, nhưng có nhiều gợi ý cho thí sinh, nhất là những câu cảm nhận. Em thấy khó nhất câu hỏi số 4, đòi hỏi học sinh cần có kiến thức thực tiễn cuộc sống và kiến thức trong sách vở. Tuy nhiên, với đề thi năm nay, những học sinh khiến thức kém về môn Sử vẫn có thể làm được bài để chống điểm liệt”, Trung vui vẻ nói.

Thí sinh TP.HCM: "Đề Lịch sử ngắn và dễ"

Ghi nhận tại điểm thi Trường ĐH Tôn Đức Thắng, khoảng 10h 30 phút, lượng TS đổ ra khỏi phòng thi khá lớn, nhiều TS  vui vẻ: Đề Sử năm nay dễ và ngắn hơn những năm trước, học sinh nếu ôn bài kỹ hoàn toàn có thể lấy được điểm 8 - 9 điểm, thậm chí là 10 điểm. Bạn Lê Ngọc Như Mai (H.Cần Giuộc, Long An) cho biết, em chỉ dành gần 2 tiếng tiếng đồng hồ là hoàn thành bài làm, tuy nhiên để tránh những sai sót hoặc nhầm lẫn số liệu trong lúc làm bài, em dành gần 20 phút để đã rà soát lại toàn bộ bài làm từng câu, từng chữ. Sau khi chắc chắn phần thi, em mới mới nộp bài ra về.

img

Thí sinh dự thi môn Lịch sử tại điểm thi trường ĐH Tôn Đức Thắng

Không chỉ có Như Mai, hầu hết các TS ở cụm thi này đều khen đề dễ, các bạn hoàn thành bài thi khá sớm và dành gần 30 phút để rà soát bài vở. TS Đinh Hoàng Anh (TP Phan Thiết, Bình Thuận) cho biết: Em không tưởng tượng được đề ra lại dễ như thế này. Em làm xong hết và dò lại bài chỉ trong vòng hơn 2 tiếng đồng hồ một chút. Để chắc chắn, em dò lại một lần nữa rồi mới nộp bài. Với bài làm này, em tự tin có thể đạt trên 9 điểm và hy vọng môn này sẽ kéo lên các môn khác của khối C để em có thể trúng tuyển vào ngành báo chí trường ĐH KHXH&NV TP.HCM.

Kết thúc môn thi này, nhiều TS cho biết sẽ lên đường về quê vì đã hoàn thành xong những môn thi của khối A và C.

Tại hội đồng thi trường ĐH Sài Gòn, thí sinh Trương Thúy Hằng (Quận 4) cho biết: “Mặc dù có đến 7 câu hỏi, nhưng chỉ có câu đầu tiên là tụi em bắt buộc phải học thuộc lý thuyết, những câu hỏi sau chỉ cần vận dụng những kiến thức đã học để trình bày suy nghĩ, đánh giá của mình. Với đề thi dạng này, chúng em bớt được nhiều nỗi lo khi phải ghi nhớ từng mốc thời gian, địa điểm, vốn là ác mộng khi học bài môn Lịch sử”.

img
Nhiều thí sinh rời khỏi phòng thi chỉ sau 2/3 thời gian làm bài - ảnh chụp tại hội đồng thi trường ĐH Sài Gòn 

 

Trong khi đó, tại hội đồng thi trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thí  sinh Trần Mai Anh, trường THPT Marie Curie chia sẻ: “Em chỉ đăng ký môn này để lấy điểm xét tốt nghiệp, nhưng với đề thi này, em tự tin mình có thể lấy được điểm 6, 7. Trong phòng thi của em, khá nhiều bạn ra về khi mới chỉ hết 2/3 thời gian làm bài”.

img
Thí sinh thảo luận lại bài thi sau môn thi Lịch sử

 

Sau 4 ngày thi, dù khá hài lòng với bài làm của mình, nhưng bạn Hoàng Ngọc Anh (Long An) cũng có một chút lo lắng. “Em thấy năm nay đề thi có sự phân hóa khá rõ ràng giữa đề thi cho các bạn chỉ xét tốt nghiệp và các bạn xét ĐH. Những năm trước, bọn em có thể dự trù mức điểm chuẩn của ngành mà mình thi dựa trên điểm chuẩn năm ngoái của trường. Từ đó, có thể lựa chọn nguyện vọng sao cho phù hợp với khả năng của bản thân. Thế nhưng với cách thi năm nay, việc dùng điểm chuẩn năm ngoái để so sánh coi như bỏ. Thôi thì tới đâu hay tới đó, bây giờ, em với mẹ sẽ về nhà, ngủ một giấc thật đã để bù cho những ngày căng thẳng vừa qua”.

Trong buổi thi môn Lịch sử sáng nay, tại các cụm thi khu vực TP.HCM có hàng chục trường hợp bị đình chỉ thi vì “lỗi” mang tài liệu, ĐTDĐ vào phòng thi. 

Đà Nẵng: Thí sinh nhận định đề Sử giống đề Văn

Ghi nhận tại Đà Nẵng, môn thi Sử, theo nhiều thí sinh đề thi đòi hỏi phân tích, suy luận và ty duy khá giống đề Văn.

Thí sinh Đặng Quang Thông, học sinh trường THPT Phan Chu Trinh cho biết, đề thi năm nay lạ, đề yêu câu phải suy nghĩ, phân tích hơn là thuộc lòng theo kiểu sự kiện, chủ yếu là liên quan đến vấn đề xã hội nhiều. “Đề này phù hợp với học sinh thi tốt nghiệp THPT, đề khai thác tính lịch sử nhưng yêu cầu phải vận dụng kiến thức xã hội”, Thông nói.

img
Nhiều thí sinh Đà Nẵng cho rằng đề sử giống đề Văn 

 

Tuy nhiên có thí sinh cho rằng, đề Sử khó đối với học sinh thi đại học khối C. Thí sinh Lưu Thị Trang, học sinh trường THPT Quế Sơn Quảng Nam than thở, “đề khó, em chỉ làm được 30 % bài, đợi hết 2/3 thời gian để nộp bài ra, vì không làm được nữa”.

Theo ghi nhận tại Đà Nẵng, thi môn Sử, cụm thi 27 do ĐH Đà Nẵng chủ trì có 3.644 thí sinh đăng ký dự thi. Hội đồng thi Đà Nẵng đã tập trung tất cả thí sinh dự thi vào 5 hội đồng thi, 24 điểm thi còn lại “trắng” thí sinh.  Theo Đại học Đà Nẵng, môn Sử là môn có thí sinh dự thi ít nhất tại Đà Nẵng. 

25 TS thi lại môn Toán vì giám thị… ký nhầm

Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, sáng nay 4.7, Hội đồng thi Trường Đại học Đà Lạt đã tổ chức thi lại môn Toán cho 25 TS do buổi thi Toán  hôm 1.7 vì các giám thị phòng thi ký nhầm vào ô cán bộ chấm thi.  Cụ thể, trong ngày thi môn Toán, tại phòng thi M18 (có 29 TS), điểm thi Trường Đại học Yersin của cụm thi này, sau hơn 1/2 thời gian làm bài, hai giám thị (một là giáo viên THPT và một người là SV) phát hiện ra đã ký nhầm vào ô dành cho GV chấm thi nên đã phát lại giấy làm bài, nhiều TS đã làm hết tờ thứ hai nên chép không kịp thời gian.

Để tránh thiệt thòi cho TS, Trường ĐH Đà Lạt và Bộ GD-ĐT tạo điều kiện để các TS phòng này thi lại. Theo PGS.TS Nguyễn Đức Hòa, Hiệu trưởng trường ĐH Đà Lạt, Chủ tịch Hội đồng thi  này: Chúng tôi sẽ sử dụng đề dự bị để tổ chức cho các em thi lại, hội đồng sẽ chấm bài của cả hai lần thi và sẽ lấy kết quả cao nhất của TS. Tuy nhiên, trong buổi thi lại sáng nay chỉ có 25 TS dự thi, 4 TS không dự thi mà lấy kết quả bài thi lần 1.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem