Đề thi học sinh giỏi Văn: "Hay nhưng... bó tay"

Tào Nga Thứ hai, ngày 29/11/2021 12:47 PM (GMT+7)
Ai cũng cảm nhận đây là một đề thi hay, mang hơi thở cuộc sống nhưng để phân tích thì... đúng là chỉ dành cho học sinh giỏi Văn.
Bình luận 0

Nếu như đề thi Văn thông thường sẽ bám sát chương trình học với kiến thức cơ bản thì đề thi học sinh giỏi lại gây khó cho học sinh bởi sự am hiểu sâu sắc, tính logic, sức sáng tạo, trí tưởng tượng...

Mới đây, một đề thi Văn trong kỳ thi lập các đội tuyển dự thi học sinh giỏi Quốc gia THPT năm học 2021-2022 của Sở GDĐT tỉnh Đắk Lắk được chia sẻ đã gây ấn tượng. Được biết, buổi thi này được tổ chức vào ngày 24/11 với thời gian làm bài 180 phút.

Đề thi chọn học sinh giỏi Văn khiến ai nấy phải thốt lên: "Đề hay nhưng... bó tay" - Ảnh 1.

Đề thi Văn của Sở GDĐT tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: FB

Đề thi gồm hai câu. Câu 1: Paulo Coelho viết "Hãy cứ nhớ rằng, ở bất cứ nơi đâu cậu tìm thấy trái tim mình, thì cũng sẽ tìm thấy kho báu ở đó". Phải chăng kho báu trong cuộc sống hiện đại của con người đang dần vơi cạn?

Câu 2: Trong buổi Lễ khai giảng năm học 2021 - 2022 của Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, nhà giáo Huỳnh Như Phương đặt câu hỏi:

"Trong hoàn cảnh khắc nghiệt vừa qua, không tránh khỏi có lúc chúng ta tự hỏi, văn học để làm gì, văn học cần cho ai? Văn học có cần cho người bệnh đang giành lấy từng hơi thở tàn trong bệnh viện dã chiến? Văn học có cần cho người mẹ già đẩy chiếc xe với chút tài sản bé mọn trên đường về miền Tây? Văn học có cần cho đôi vợ chồng trẻ chở con dưới mưa gió trên đỉnh đèo Hải Vân theo đoàn người trốn dịch...". Bằng trải nghiệm văn học, anh chị hãy trả lời câu hỏi của nhà giáo Huỳnh Như Phương.

Với đề thi này, nhiều học sinh nhận xét khá hay, mang hơi thở cuộc sống, tuy nhiên lại "bó tay" vì không dễ dàng phân tích.

Trao đổi với PV báo Dân Việt, ông Đỗ Tường Hiệp, Phó giám đốc Sở GDĐT Đắk Lắk chia sẻ: "Đây là kỳ thi thường niên để chọn học sinh vào đội tuyển quốc gia. Ngày 24/11 vừa qua, Sở đã tổ chức cho 336 thí sinh ở hơn 30 trường THPT thi 10 môn. Trong đó môn Văn có nhiều thí sinh tham dự nhất và Sở sẽ chọn ra 6 học sinh vào đội tuyển tham dự kỳ thi học sinh giỏi Văn cấp Quốc gia".

Nhận xét về đề thi, cô Lê Trần Diệu Thu, Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp giảng dạy bộ môn Ngữ Văn bày tỏ: "Đây là đề thi hay, rất thực tế. Câu số 1 thì bình thường nhưng câu số 2 nói tới giá trị của văn học trong đời sống, đặc biệt trong đại dịch như hiện nay. Nhiều người cho rằng văn học là không cần thiết nhưng thực tế không thể định giá văn chương bằng tiền bạc, vật chất mà nó thức tỉnh con người bằng tiếng gọi của lương tâm, trong nỗi hổ thẹn của chính mình để từ đó mỗi người sống và hành động đúng đắn. Tuy vậy không phải ai cũng thấy điều này là đúng đắn. Chính bởi vậy năm ngoái nhà văn Diêm Liên Khoa từng cho rằng đối mặt với Covid-19, văn học trở nên yếu đuối và cô độc. 

Với đề này, học sinh hoàn toàn có nhiều cách tư duy, tranh biện theo nhiều góc nhìn song đáp án người ra đề hướng đến chính là dù trong bất kể hoàn cảnh nào thì không thể phủ nhận giá trị của văn chương".

Thầy Đặng Ngọc Ngận, giáo viên dạy Văn, Trường THPT Phạm Phú Thứ, quận 6, TP.HCM cho hay: "Đề nghị luận Xã hội đặt ra câu hỏi phải chăng "kho báu" trong cuộc sống hiện đại của con người đang dần vơi cạn là cách rất thú vị để thí sinh có thể suy nghĩ về "kho báu" của con người trong thời đại ngày nay. Câu này mang đậm chất nhân văn và rất ý nghĩa, nhưng là một kiểu đề không dễ viết, buộc thí sinh vừa phải am hiểu về đời sống hiện tại vừa phải có sự tinh tế trong suy nghĩ mới có thể viết thật tốt. 

Với kiểu đề như thế này, sẽ có nhiều thí sinh "quên" tư duy phản biện, rõ ràng "kho báu" của con người trong cuộc sống hiện đại có những biểu hiện "vơi" đi, nhưng nó luôn được lấp đầy. Nếu có vốn sống và sự chiêm nghiệm nhất định, chắc chắn thí sinh có thể làm tốt câu này.

Ở câu 2, đã bắt kịp tinh thần thời đại, nhưng đây cũng là một câu hỏi không mới và nó giới hạn sự sáng tạo của thí sinh. Việc trả lời các câu hỏi được nêu trên ngữ liệu của đề bằng sự trải nghiệm văn học, tất nhiên sẽ có nhiều màu sắc, nhưng có không ít câu trả lời "quen thuộc" từng xuất hiện ở nhiều nơi. Và chúng tôi hi vọng, với đề thi này, thí sinh sẽ có nhiều sáng tạo về hình thức làm bài cũng như những cách trả lời thuyết phục, mới mẻ".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem