Kỳ thi chọn học sinh giỏi đều đặn diễn ra hàng năm. Học sinh sẽ bắt đầu thi chọn từ vòng cấp trường, huyện/thành phố, tỉnh và đến cấp quốc gia nhằm động viên, khuyến khích giáo viên và học sinh sáng tạo, dạy tốt - học tốt, phát hiện học sinh có năng khiếu về môn học để tạo nguồn bồi dưỡng, đào tạo, đồng thời góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục.
Chính vì kỳ thi dành cho học sinh giỏi nên đề thi sẽ khác biệt hơn hẳn so với các kỳ thi thông thường. Và thực tế đã có không ít đề thi khiến người đọc phải... hoa mắt chóng mặt.
Mới đây, một đề thi học sinh giỏi Ngữ văn cấp huyện năm học 2021-2022 dành cho học sinh lớp 9 chia sẻ trong nhóm giáo dục đã thu hút quan tâm của phụ huynh và giáo viên THCS.
Trong thời gian 150 phút, học sinh trả lời 2 câu hỏi 8 điểm và 12 điểm. Đáng chú ý nhất là câu 2 với nội dung như sau: "Bàn về văn học, nhà phê bình Chu Văn Sơn từng quan niệm: "Văn chương, xét đến cùng, là sự cất tiếng của lòng hiếu sinh". Em hãy làm sáng tỏ quan niệm trên qua việc phân tích một số tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 9".
Cụm từ "lòng hiếu sinh" khiến mọi người... toát mồ hôi vì không hiểu hết nghĩa của từ là gì. Nhiều giáo viên dạy Văn sau khi đọc xong đề thi bày tỏ: "Quá khó", "Ngữ liệu quá trừu tượng, quá khó với học sinh", "Từ khi đi dạy đến nay năm nào mình cũng bồi dưỡng học sinh giỏi. Đỗ huyện, tỉnh có cả nhưng cái đề này mình chưa bao giờ nghĩ dành cho các em học sinh lớp 9. Đọc câu hỏi thấy mông lung quá"...
Được biết, quan niệm trên được dẫn theo bài "Văn chương là sự cất tiếng của lòng hiếu sinh" của nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm, đăng trên báo Văn nghệ Thái Nguyên ngày 1/5/2020.
Chúng tôi đã liên hệ với nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm nhưng anh không đưa ra bình luận về đề thi này. Tuy nhiên, trong bài viết của mình, nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm có lý giải về "lòng hiếu sinh" như sau: "Nghĩ về bản mệnh của văn chương, tôi nhớ lại lời thầy tôi (TS. Chu Văn Sơn), rằng: "văn chương, xét đến cùng là sự cất tiếng của lòng hiếu sinh". Mà, "cốt lõi của lòng hiếu sinh là gì nếu không phải là yêu và thương". Chỉ có yêu và thương mới mở rộng lòng người đến với đức hiếu sinh. Văn chương rời xa đức hiếu sinh, còn lại gì ngoài những tô vẽ rườm rà, vô nghĩa.
Dưới cái nhìn tổng quát về văn hóa, văn chương là một phần tạo dựng thể hiện nhân tính, góp phần vào việc định hình văn hóa. Và, văn hóa là gì nếu không phải là sự diễn giải thành hình tượng giá trị người trên hành trình sống của mình".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.