Ông Trần Văn Nghĩa. Ảnh: Hồng Liên
Đề thi của kỳ thi quốc gia sẽ được thiết kế như thế nào để đảm bảo được sự phân hóa thí sinh thi ĐH, CĐ và xét tốt nghiệp?
- Ông Trần Văn Nghĩa: Đề thi sẽ được thiết kế khá giống với đề thi ĐH CĐ năm 2014 vì cấu trúc của đề thi ĐH, CĐ các năm trước đã đảm bảo được yêu cầu của việc phân hóa thí sinh. Đề thi của kỳ thi chung sẽ vấn đảm bảo tính chất mở, thí sinh có thể dùng kỹ năng để xử lý.
Đối với những môn thi tự luận và trắc nghiệm vẫn giữ nguyên như các năm trước. Trong đó, tự luận thời gian thi 180 phút, trắc nghiệm thi 90 phút. Nội dung đề thi vẫn tiếp cận với chương trình sách giáo khoa phổ thông và đảm bảo ổn định để thí sinh không gặp khó khăn nhiều trong việc ôn thi, không bị…sốc.
Cấu trúc đề cũng không tách riêng làm hai phần dành cho thi tốt nghiệp và thi ĐH mà hòa chung nhưng kiến thức sẽ đảm bảo phân hóa được thí sinh.
Với cấu trúc đề thi như thế này thì điểm chuẩn đỗ tốt nghiệp sẽ rất thấp, ngược lại điểm chuẩn thi ĐH, CĐ sẽ cao hơn. Trong đó việc xét tốt nghiệp gồm điểm thi 4 môn tối thiểu, điểm đánh giá quá trình học 3 năm và điểm khuyến khích.
Việc thực hiện thi cụm sẽ thực hiện như thế nào để tránh quá tải cho các cụm thi? Lấy gì để đảm bảo các trường được giao tổ chức cụm thi không phải để chọn thí sinh cho trường mình mà vẫn đảm bảo được công tâm khách quan?
- Ông Trần Văn Nghĩa: Việc tổ chức thi theo cụm đã được thực hiện nhiều năm nay ở kỳ thi “3 chung” và đã được các cụm thực hiện rất tốt ví dụ như cụm thi ĐH Vinh, ĐH Hải Phòng, ĐH Quy Nhơn…đã rất công tâm và không có chuyện nới lỏng cho thí sinh vì không biết đây là thí sinh có xét tuyển vào trường mình không. Bộ GD ĐT sẽ tính toán để việc thi cụm không xảy ra việc quá tải.
- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Bộ GD ĐT sẽ tính toán đến các yếu tố: năng lực của các trường sẽ đứng ra tổ chức thi cụm, số lượng thí sinh dự thi ở cụm thi, lưu lượng và khoảng cách đi lại của các em đến cụm thi…từ đó sẽ đưa ra biện pháp để tổ chức cụm thi tốt nhất. Mỗi năm có khoảng 1,2 triệu học sinh thi ĐH CĐ, Bộ sẽ tính toán để mỗi cụm thi sẽ có khoảng 30 – 40.000 thí sinh.
Đối với môn thi ngoại ngữ, những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ sẽ được đặc cách không phải thi, liệu Bộ có tính đến việc thí sinh sẽ đi mua chứng chỉ để được đặc cách không?
- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Bộ sẽ đưa ra những quy định cụ thể về việc công nhận các chứng chỉ ngoại ngữ như thế nào, khống chế việc mua các chứng chỉ không đảm bảo tiêu chuẩn. Tới đây, Bộ sẽ tiến tới thành lập các trung tâm ngoại ngữ quốc gia làm cơ sở để kiểm soát chất lượng các chứng chỉ ngoại ngữ được đặc cách.
Với cách làm này Bộ có nghĩ đến việc kết quả đỗ tốt nghiệp sẽ thay đổi, ví dụ như đỗ 100% hoặc chỉ đỗ 50%?
- Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Kết quả thi tốt nghiệp chắc chắn sẽ không thay đổi nhiều so với các năm trước vì theo phổ điểm của kỳ thi tốt nghiệp các năm trước rất đều nên chắc chắn sẽ không có đột biến. Bộ GD ĐT sẽ công khai phổ điểm lên mạng để các trường dựa vào đó để tham khảo đưa ra các tiêu chí xét tuyển.
Bộ có khống chế nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH,CĐ không? Thí sinh được bao nhiêu nguyện vọng? Làm thế nào để giảm thí sinh ảo?
- Ông Trần Văn Nghĩa: Cách thức xét tuyển sẽ giống như các năm trước đó. Bộ sẽ khống chế số lượng xét tuyển nguyện vọng cho thí sinh, trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của thí sinh và tránh tối đa "ảo" cho trường. Tất cả sẽ có trong quy chế tuyển sinh sau này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.