Đề thi môn Giáo dục Công dân THPT 2021 gây tranh cãi vì có chi tiết phản cảm

Tào Nga Thứ bảy, ngày 10/07/2021 08:51 AM (GMT+7)
Trong đề thi môn Giáo dục Công dân tốt nghiệp THPT 2021 có những câu hỏi gây tranh cãi vì chi tiết phản cảm, sởn gai ốc mà một số phụ huynh cho rằng không phù hợp để hỏi học sinh.
Bình luận 0

Kỳ thi tốt nghiệp THPT chính thức diễn ra trong 2 ngày 7 và 8/7 vừa qua. Hơn 1 triệu thí sinh đã bước vào kỳ thi với 4 môn thi là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân).

Ngay sau khi kết thúc môn thi Giáo dục Công dân ở ngày thi cuối cùng, một số câu hỏi trong đề thi đã gây tranh cãi vì mang yếu tố rùng rợn, phản cảm.

Cụ thể trong mã đề 323, câu 113 có câu "Anh D là tài xế xe taxi bị hành khách trên xe là anh C khống chế, dùng dao đâm vào bụng". Đặc biệt ở câu 114 có tình huống như sau: "Thôn X có ông C, vợ chồng anh B, chị P, vợ chồng chị Y, anh A và con gái là cháu M cùng sinh sống. Vốn có định kiến từ trước nên khi thấy chị P vào nhà mình, chị Y cho rằng chị P có mục đích xấu nên đã tri hô và hỗ trợ anh A đánh đuổi chị P. Sau đó ít lâu, bị chị P đưa tin sai sự thật về mình, anh A đã bí mật giam chị tại một ngôi nhà hoang. Qua hai ngày chị P mất tích, anh B phát hiện sự việc nên đã thuê ông C dùng hung khí đe dọa giết anh A buộc anh A phải thả vợ mình"...

Đề thi môn Giáo dục Công dân gây tranh cãi vì có yếu tố rùng rợn, các chuyên gia nói gì? - Ảnh 1.

Đề thi môn Giáo dục Công dân, mã đề 323. Ảnh: T.N

Một số phụ huynh cho biết đọc đề thi cảm thấy "nổi gai ốc" vì như đọc một vụ án trên báo chí chứ không phải đề thi dành cho học sinh cấp 3. Số phụ huynh này đều đồng tình rằng không nhất thiết phải đưa nội dung xấu, mặt trái của xã hội để tạo dựng tình huống phản cảm, rùng rợn cho học sinh bình luận.

Tuy nhiên một số phụ huynh khác lại bày tỏ nên để các em nhận biết các tình huống xấu trong thực tế để phòng tránh và biết cách xử lý, cuộc sống không phải lúc nào cũng "màu hồng".

Đề thi môn Giáo dục Công dân gây tranh cãi vì có yếu tố rùng rợn, các chuyên gia nói gì? - Ảnh 2.

Các thí sinh trao đổi sau khi thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: Phạm Hưng.

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, thầy Đào Tuấn Đạt, hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Tình huống trên đúng là trong thực tế có xảy ra nhưng không phải tình huống nào cũng có thể đưa vào đề thi".

Thầy Đạt lý giải 2 vấn đề, trong cuộc sống mỗi người sẽ có nhu cầu tiếp nhận thông tin mình quan tâm nhưng theo cách chủ động và ở trong một bối cảnh bình thường. Còn đây là thí sinh đang dự thi và các em bắt buộc phải tiếp nhận thông tin nhưng lại vô cùng phải thận trọng vì đây là đề thi.

"Thực tế xã hội có rất nhiều điều xảy ra nhưng chúng ta cần phải nói với một bạn cấp 1 thông tin gì, cấp 3 thông tin gì. Mặc dù các em thi tốt nghiệp là 18 tuổi, tuổi này đã được xem là trưởng thành nhưng những chi tiết như "đâm dao vào bụng", "đuổi đánh", "đe dọa"... phải thực sự cân nhắc. Nếu là tôi, tôi sẽ không đưa chi tiết này vào đề thi", thầy Đạt bày tỏ.

Nhận xét chung về đề thi môn Giáo dục công dân thi tốt nghiệp THPT năm 2021, tổ Giáo dục Công dân, Hệ thống giáo dục Hocmai cho biết: "Đây là môn thi cuối cùng trong bài thi tổ hợp Khoa học xã hội. Trong đó, 90% tổng số câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12 và 10% câu hỏi thuộc lớp 11, riêng với câu hỏi lớp 12, có 66% câu hỏi thuộc phạm vi kiến thức học kỳ I. 75% câu hỏi trong đề thuộc mức độ Nhận biết – Thông hiểu. Học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức SGK có thể đạt điểm 7 - 8. Hai chuyên đề Pháp luật và đời sống; Quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo là những chuyên đề mới, mức độ câu hỏi trong hai chuyên đề này khó hơn đề thi tham khảo.

25% câu hỏi thuộc mức độ vận dụng và vận dụng cao rải đều ở các chuyên đề lớp 12, đây là những câu hỏi liên hệ thực tế, dạng bài không có điểm mới so với đề thi tốt nhiệp THPT 2020, có một số câu hỏi mang tính thời sự như vấn đề dịch bệnh Covid-19, (câu 111 - mã 321, vấn đề cá độ bóng đá (118 - 321)....

Các câu hỏi cực khó tập trung ở các chuyên đề như: Thực hiện pháp luật, Quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội, Công dân với các quyền tự do cơ bản, Công dân với các quyền dân chủ. Đặc biệt, các câu hỏi cực khó: 111, 116, 118, 119 (mã 321), 111, 113, 114, 116 (mã 324) là những câu hỏi tình huống phức tạp, nhiều tình tiết, nhiều nhân vật, yêu cầu kết hợp nhiều kiến thức, độ nhiễu cao. Học sinh phải nắm chắc kiến thức lí thuyết và phân tích từng chi tiết của tình huống để tìm ra câu trả lời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem