Đề thi tham khảo THPT 2017: Nhiều băn khoăn và... choáng

Tùng Anh Thứ ba, ngày 16/05/2017 06:05 AM (GMT+7)
Sau khi Bộ GDĐT công bố đề thi tham khảo kỳ thi THPT Quốc gia 2017, nhiều giáo viên, học sinh cho rằng, đề thi đã bám sát kiến thức, đúng tiêu chí “nói không” với học tủ, học lệch. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn quanh nội dung, độ khó, dễ của đề thi.
Bình luận 0

img

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 tại Hà Nội. (Ảnh: Đàm Duy)

“Choáng” với đề tham khảo tiếng Anh

Ngay sau khi có đề thi tham khảo, rất nhiều trường THPT và các trung tâm luyện thi đã tổ chức cho học sinh làm bài thi thử theo thời gian quy định của Bộ GDĐT. Em Nguyễn Thị Thúy - học sinh lớp 12 Trường THPT Quỳnh Thọ (Quỳnh Phụ, Thái Bình) cho biết, em “choáng” nhất với đề thi tiếng Anh vì đề dài, nhiều từ vựng khó. 

“Chủ đề phần bài đọc hiểu trong đề thi thử nói về các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng rất mới nên có nhiều từ vựng học sinh không biết vì không quan tâm nhiều. Em hy vọng đề thi thật sẽ đi vào những chủ đề gần gũi với học sinh hơn để chúng em không bị sốc vì… từ mới” – Thúy nói.

Về đề thi môn hóa, thầy Lê Phạm Thành – giáo viên luyện thi môn hóa trực tuyến tại hoc24h.vn cho biết, đề thi đã bao quát được chương trình lớp 12, các câu hỏi được phân bố độ khó tăng dần, đề cũng đã cố gắng khai thác được nhiều dạng bài. Tuy nhiên, theo thầy Thành, một số điểm trong đề thi vẫn còn khiến giáo viên và học sinh băn khoăn.

“Cụ thể, trong đề vẫn còn có 1 câu gây tranh cãi, đó là câu số 74, đây là câu về hỗn hợp muối. Qua phân tích, có thể coi cả đáp án A và B đều đúng, chưa thể nói chính xác đáp án A hay B là đúng hơn. Ngoài ra, đề thi còn có sự phân hóa rất mạnh, câu dễ thì dễ hẳn, câu khó thì khó hẳn. Sự phân bố các đáp án A, B, C, D cũng không đồng đều. Cụ thể, đáp án A xuất hiện dày đặc, nhưng đáp án D xuất hiện rất ít, vì vậy yếu tố may, rủi rất cao. Hy vọng đề thi thật phân hóa đáp án sẽ không lớn như đề thi tham khảo này” – thầy Thành nhận định.

Thầy Thành cũng lưu ý thí sinh, khi đi thi cần tỉnh táo, không để bị rơi vào “bẫy” của đề bài, nhìn thấy đáp án nào được chọn ít lại nghiêng về việc cân nhắc đáp án ấy sẽ dễ bị sai. Cần dựa vào kiến thức thật của mình để làm bài.

Trong khi đó, ở đề thi môn văn, nhiều giáo viên và học sinh cho rằng, so với các đề thi thử trước đó, đề lần này “khó nhằn” hơn nhiều. Cô Vũ Thu Trang – giáo viên văn tại Trung tâm luyện thi Đức Trí (TP.Hải Dương) cho rằng, đề “mắc” nhất là câu hỏi phần đọc hiểu. “Giữa các câu hỏi có nhiều ý liên quan đến nhau, nếu học sinh không nắm chắc kiến thức hay chỉ có sức học trung bình rất dễ bị lạc đề hoặc lặp ý. Câu 2, 3 và 4 đều hỏi về đam mê và trải nghiệm nhưng các hướng hỏi không giống nhau, nếu không đọc kỹ đề sẽ bị trùng ý. Câu 4 hơi quá sức với học sinh bình thường. Câu này cũng đòi hỏi các em phải có kiến thức và trải nghiệm thực tế mới có những ý hay, bứt phá và đạt được điểm tốt. Với đề này học sinh khó được điểm cao”- cô Trang nói.

Thận trọng ôn tập

Sau khi có đề thi minh họa, điều đầu tiên các giáo viên khuyên học sinh là không nên ngay lập tức đi tìm… đáp án. Hiện trên các trang web và báo mạng đã đăng tải đáp án tham khảo của đề thi. Thí sinh rất dễ dàng có thể tìm đáp án ngay lập tức. Tuy nhiên, các em nên tập trung vào việc làm thử đề, đừng dựa vào đáp án.

Khi làm thử đề nên “bấm” thời gian xem khả năng của mình đến đâu. Câu hỏi nào vướng mắc để lại. Sau khi hết thời gian vẫn chưa hoàn thành đề có thể cho mình thêm 10 – 15 phút “bù giờ” để giải những câu hỏi khó. Cuối cùng mới nhờ đến đáp án.

“Từ việc gặp những vướng mắc khi làm đề thi thử, học sinh sẽ biết mình bị “hổng” chỗ nào, từ đó phải quyết tâm bù đắp kiến thức “hổng” bằng việc hỏi bạn bè hoặc nhờ thầy cô chỉ giúp. Sau đó tìm và làm thêm một số đề tương tự đề nhuần nhuyễn thêm cách làm bài” – cô Thu Trang cho biết.

Thầy Đặng Xuân Chất – giáo viên hóa Trường THPT Hồng Hà (Hà Nội) cho rằng: “Cấu trúc đề hiện nay hơn một nửa kiến thức là cơ bản nên nếu học chắc kiến thức sách giáo khoa, các em có khả năng đạt điển khá. Chính vì vậy, các em cần học đến đâu, chắc đến đó, không nên tham bài khó. Giai đoạn cuối cần rà soát lại xem mình đang hổng kiến thức ở đâu để bổ sung cho đủ”.

Đề thi tham khảo lần nay coi như là bước chuẩn bị cuối cùng cho các em. Những ngày này, các em nên tập trung cao độ hơn vào việc khái quát các kiến thức cơ bản. Chuẩn bị tâm lý vững vàng, không nên quá phân tán cảm xúc vào các hoạt động liên hoan, chia tay trường lớp, chụp ảnh kỷ yếu... để sẵn sàng cho kỳ thi”.

Thầy Trần Trung Hiếu – GV sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem