Đề thi tham khảo THPT quốc gia 2017: Phép thử hiệu quả cho thí sinh

Tùng Anh Thứ hai, ngày 15/05/2017 06:29 AM (GMT+7)
Chiều 14.5, Bộ GDĐT đã chính thức công bố đề thi tham khảo theo dạng bài thi thật của kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Với đề thi này, học sinh và giáo viên sẽ có những “bước thử” cuối cùng để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng sẽ diễn ra vào cuối tháng 6 tới.
Bình luận 0

Cấu trúc 5 bài thi

Khác với đề thi minh họa được công bố vào tháng 10.2016 và đề thi thử nghiệm công bố vào tháng 1.2017, đề thi tham khảo lần này có định dạng như đề thi chính thức. Theo đó, bài thi Khoa học tự nhiên (KHTN), Khoa học xã hội (KHXH) mỗi bài có 120 câu; trong đó mỗi môn thi thành phần là 40 câu, sắp xếp theo thứ tự. Bài thi KHTN: Môn thi vật lý từ câu 1-40; hóa học từ câu 41- 80; sinh học từ câu 81-120. Bài thi KHXH: Lịch sử từ câu 1-40; địa lý từ câu 41- 80; giáo dục công dân từ câu 81-120. Đặc biệt, các câu hỏi trong mỗi đề thi được sắp xếp theo trật tự lần lượt từ câu dễ đến câu khó.

img

   Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia tại Hà Nội năm 2016.   ảnh: Tùng Anh  

Theo TS Sái Công Hồng – Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GDĐT): “Việc sắp xếp các câu hỏi trong đề thi như vậy sẽ tạo thuận lợi cho thí sinh có thể làm bài theo tuần tự các câu hỏi mà không cần mất nhiều thời gian đọc toàn bộ đề thi, tạo cảm hứng cho các em trong quá trình làm bài thi và đánh giá sát thực hơn năng lực của thí sinh”.

Ông Hồng cho biết thêm, kiến thức trong đề thi cũng được đảm bảo khoảng 60% số câu hỏi kiểm tra kiến thức, kỹ năng cơ bản với mục đích giúp học sinh có kết quả xét tuyển THPT ở mức độ nhận biết và thông hiểu; 40% số câu hỏi còn lại kiểm tra kiến thức, kỹ năng nâng cao để phân hóa học sinh ở mức độ vận dụng và vận dụng cao.

Ngay sau khi Bộ GDĐT đăng tải đề thi tham khảo, nhiều giáo viên và học sinh thở phào nhẹ nhõm vì có cơ sở hình dung được độ khó, dễ của đề thi trắc nghiệm theo bài thi lần đầu thực hiện.

Em Trần Thị Hương – học sinh Trường THPT Phù Cừ (Hưng Yên) cho biết, so với các đề thi minh họa lần trước đề lần này không khác nhiều, chỉ thay đổi cách đánh số các câu hỏi trong bài thi KHTN và KHXH. “Mới đầu nhìn thấy số lượng câu hỏi cũng “choáng” nhưng bài thi vẫn phân thành các môn thi rõ ràng nên giúp chúng em hình dung được chắc chắn đề thi chính thức. Đây là năm đầu tiên thi theo hình thức trắc nghiệm mới, nên chúng em rất sợ có những điều chỉnh dù là nhỏ nhất”.

Nhận định về bài thi KHXH, thầy Trần Trung Hiếu – giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho biết, thời điểm “nước rút” này, việc Bộ GDĐT ra đề thi tham khảo đã giúp học sinh và giáo viên được “chấn an” tinh thần rất nhiều. “Với đề thi lần này, học sinh không khó để đạt được điểm 5, 6” – thầy Hiếu.

Không dễ để... khoanh bừa

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 được tổ chức thi theo 5 bài thi, gồm 3 bài độc lập là: Toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là KHTN (vật lý, hóa học, sinh học), KHXH (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục THPT; tổ hợp các môn lịch sử, địa lý đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT). Trừ Ngữ văn thi tự luận, các bài thi còn lại đều thi theo hình thức trắc nghiệm. Lịch thi sẽ được bắt đầu sớm hơn mọi năm, từ ngày 21.6 – 24.6.

Với cách ra đề thi lần này, lãnh dạo Bộ GDĐT cũng cho rằng, nếu không ôn luyện thực sự, thí sinh khó có thể đạt được điểm cao, cũng khó trông mong vào việc “khoanh bừa” để thoát điểm liệt.

Theo phân tích của TS Sái Công Hồng, những năm trước, có thể đáp án đúng của các câu hỏi thi trong một mã đề được chia đều cho 4 phương án A, B, C, D. Theo đó, mỗi phương án lựa chọn sẽ có khoảng 25% rơi vào đáp án đúng. Khi học sinh khoanh bừa xác suất sẽ được khoảng 2,5 điểm (đồng nghĩa với việc thoát điểm liệt). Tuy nhiên, với đề thi như năm nay, việc bố trí đáp án các câu hỏi sẽ do máy tính tự động sắp xếp. Do đó, nếu thí sinh không chịu học, làm bài theo kiểu chống đối và chọn bừa 1 đáp án cho tất cả câu hỏi, có thể vô tình chọn vào phương án đúng nhưng xác suất này cũng chỉ được 1 điểm và vẫn bị... liệt.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga khuyên, giáo viên và học sinh nên căn cứ vào đề thi thử nghiệm, lấy đó làm tài liệu căn bản nhất để dựa vào đó ôn tập ổn định tâm lý trước và trong kỳ thi, không nên thi thử quá nhiều, điều này hoàn toàn không cần thiết.

Cô Nguyễn Thị Hương – giáo viên bộ môn giáo dục công dân tại một trường THPT ở TP.Thái Bình chia sẻ: “Đối với môn giáo dục công dân, kiến thức trong đề thi tham khảo cuối cùng này cũng không khác nhiều với các đề thi trước. Tất cả đều nằm trong chương trình, một số câu hỏi dạng vận dụng xử lý tình huống ở phần sau hơi khó một chút nhưng hầu hết đã được giáo viên ôn tập dưới dạng các tình huống tương tự. Chỉ cần nắm chắc kiến thức là các em có thể suy luận ra đáp án đúng” – cô Hương nói.

Cô Hương cũng khuyên, với đề thi dạng này thí sinh không thể học tủ, ôn tủ được vì vậy các em cần tập trung cao độ để hệ thống được kiến thức theo logic các bài giảng trên lớp. “Môn giáo dục công dân lần đầu thi nhưng không hề khó, thậm chí sẽ là môn gỡ điểm nếu các em biết vận dụng việc học và hiểu kiến thức, không học... chống đối hoặc chủ quan, thờ ơ với môn học này” – cô Hương nói./.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem