Đề thi Văn vào lớp 10 TP.HCM: "Điều ngọt ngào mới làm nên yêu thương?"

Ngọc Phạm Thứ bảy, ngày 11/06/2016 12:33 PM (GMT+7)
“Phải chăng chỉ có những điều ngọt ngào mới làm nên yêu thương?”, đó là câu hỏi nghị luận xã hội trong đề Văn tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM.
Bình luận 0

img

Những thí sinh đầu tiên bước ra khỏi điểm thi THPT chuyên Lê Hồng Phong (Q.10, TP.HCM).

10h sáng 11.6, các thí sinh đã hoàn thành môn thi đầu tiên trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM, là môn Ngữ văn. Đề thi năm nay gồm 3 câu, trong đó câu 1 có 4 ý nhỏ liên quan tới đoạn trích trong tác phẩm “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” của tác giả Phạm Lữ Ân.

Đặc biệt, ở câu nghị luận xã hội (câu 2), hầu hết các thí sinh đều đánh giá đây là câu hỏi rất hay, đòi hỏi mỗi thí sinh phải có sự sáng tạo riêng. Nhiều thí sinh tại điểm thi THPT chuyên Lê Hồng Phong và THPT Diên Hồng khẳng định làm tốt câu nghị luận này - “Phải chăng chỉ có những điều ngọt ngào mới làm nên yêu thương?”.

“Em rất thích câu hỏi trong phần nghị luận xã hội, bởi trong đó em có thể nói được về tình cảm gia đình, thầy cô, bạn bè. Mà đôi khi yêu thương trong cuộc sống còn đến từ những điều khác nữa”, thí sinh Võ Văn Minh (Trường THCS Trần Bội Cơ, Q.5) chia sẻ, và hi vọng đạt điểm trên trung bình cho bài thi môn Văn.

Trong khi đó, thí sinh Hồng Cẩm đánh giá: “Câu hỏi này đòi hỏi sự sáng tạo và vận dụng nhiều kiến thức đã học, có thể mỗi thí sinh sẽ trả lời theo cách khác nhau. Tuy nhiên, em nghĩ nhiều bạn không thể phân tích sâu được câu hỏi này, bởi câu hỏi quá ngắn gọn. Em tự tin mình đạt trên 7 điểm”.

“Theo em, sự ngọt ngào có thể làm nên yêu thương, nhưng đôi lúc đắng cay, khó khăn, thử thách và sự sẻ chia, giúp đỡ cũng tạo nên yêu thương”, thí sinh Nguyễn Hoàng Thanh Mai (THCS Nguyễn Gia Thiều) nói. Mai là một học sinh chuyên Toán và có điểm tổng kết môn Văn trong năm học vừa qua là trên 8 “chấm”.

img

Thí sinh trao đổi bài làm sau khi ra khỏi điểm thi.

Về câu nghị luận xã hội trong đề thi này, thầy Thân Văn Kiều, tổ phó tổ Văn - Trường THPT Hùng Vương đánh giá, câu hỏi này vừa sức và hợp với học sinh.

Theo thầy Kiều, ngọt ngào có thể làm nên yêu thương nhưng cần nhớ cuối câu có dấu chấm hỏi. Các trường THCS đã luyện kỹ năng lật ngược vấn đề nên tỉ lệ học sinh làm sáng tạo ở câu này sẽ vào khoảng khoảng 55 - 65%. Thậm chí, câu hỏi này cũng có thể dành cho học sinh lớp 10.

"Ngọt ngào sẽ làm nên yêu thương nhưng có những điều ngọt ngào đi liền với man trá thì sao? Đối tượng nào làm nên yêu thương? Thí sinh có thể dẫn chứng ông bà, cha mẹ nuôi dạy, bồi dưỡng tâm hồn con cháu bằng sự ngọt ngào, nhưng đôi khi cũng là sự nghiêm khắc, răn đe như câu "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi". Bên cạnh đó, khi ra dòng đời bon chen thì cũng có những điều không làm nên yêu thương. Dạng đề này, học sinh phải lật lại vấn đề và luận thêm nhiều khía cạnh chứ không thể chỉ làm theo chiều xuôi", thầy Kiều nói.

img

Đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2016 - 2016 tại TP.HCM.

Cuối cùng, ở câu hỏi thứ 3 trong đề thi, vẻ đẹp của sức trẻ Việt Nam đã được nhắc tới. Theo đó, thông qua nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích từ truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”, đề văn yêu cầu thí sinh liên hệ với hình ảnh của thế hệ trẻ trong một tác phẩm văn học khác hoặc trong thực tế đời sống để thấy được vẻ đẹp của sức trẻ Việt Nam.

Kết thúc môn Ngữ văn, chiều nay, các thí sinh sẽ tiếp tục bước vào môn thi Ngoại ngữ với thời gian 60 phút, kèo dài từ 14h đến 15h.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem