Để tiếng nói của Hội “nặng” hơn

Thứ tư, ngày 03/07/2013 06:44 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội ND nhiệm kỳ VI là “Tham gia xây dựng cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giám sát, phản biện xã hội...”. Làm sao để Hội thực hiện tốt nhiệm vụ này, để tiếng nói của Hội có sức nặng hơn? NTNN đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu tham dự đại hội.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Phú Ban - Chủ tịch Hội ND TP. Đà Nẵng: Tập trung nâng cao năng lực cán bộ

img
Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng tìm hiểu vụ cưỡng chế thu hồi đất của hộ ND ở Tiên Lãng (Hải Phòng) tháng 2.2012.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Phú Ban (ảnh) khẳng định, tham gia xây dựng cơ chế chính sách phát triển tam nông; giám sát, phản biện xã hội... là nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao cho Hội ND nhằm phù hợp với tình hình mới, đáp ứng được nguyện vọng của ND.

Để thực hiện nhiệm vụ này, theo ông, Hội sẽ phải làm gì?

- Ngay bây giờ, T.Ư Hội phải làm việc với Chính phủ, Ban Bí thư để có một cơ chế chính sách phù hợp. Về phía Hội, cần phải đào tạo, nâng cao trình độ của cán bộ, hội viên ND. Nói giám sát, phản biện mà chúng ta không đủ năng lực thì không thể giám sát, phản biện được. Với cơ chế thị trường hiện nay mà chỉ tập hợp ND để vận động thôi, rõ ràng hiệu quả không cao.

Dự đại hội này, cá nhân ông có kiến nghị gì để hoạt động Hội hiệu quả hơn?

- Thảo luận về các văn kiện đại hội, tôi cũng đã góp ý kiến là ngoài sản xuất nông nghiệp, làm lúa, chúng ta cần phải quan tâm đến kinh tế biển và kinh tế rừng. Hiện lũ lụt, nước biển dâng đã hiện hữu chứ không còn là vấn đề dự báo nữa. Tôi đề nghị Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến người dân trong việc trồng và phát triển kinh tế rừng. Chỉ có người dân mới có thể trồng và bảo vệ rừng một cách tốt nhất.

Tôi rất vui vì Ban Bí thư đã có Kết luận 61 về “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội NDVN trong phát triển NN, xây dựng NTM và xây dựng giai cấp NDVN giai đoạn 2010 - 2020”. Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 673 “Về việc Hội NDVN trực tiếp thực hiện và tham gia thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020”. Nếu chúng ta không tập trung đào tạo, nâng cao năng lực của cán bộ từ tỉnh, huyện đến xã thì cho dù có nhiều chính sách như thế nào đi nữa cũng không áp dụng được. Nếu không đủ năng lực, chúng ta sẽ làm hạn chế, thậm chí làm mất vai trò của mình.

Trong tình hình hiện nay, ngân sách hạn hẹp, nếu chúng ta không xây dựng một lộ trình, vốn ít nhưng phân cấp nhiều, sẽ không có hợp lực. Tôi nghĩ T.Ư Hội và các bộ, ngành cần bàn thảo để có một cơ chế rõ ràng hơn. Tham gia xây dựng chính sách xã hội thì Hội phải đủ năng lực để đề nghị những chính sách đáp ứng nguyện vọng của người dân.

Nếu Hội thực hiện tốt nhiệm vụ này thì sẽ giúp giải quyết được những vấn đề gì trong tình hình hiện nay?

- Nếu tổ chức Hội làm được công tác phản biện, đủ năng lực phản biện, tôi nghĩ đời sống xã hội, sản xuất, đời sống của ND sẽ ổn định hơn, hiệu quả đồng vốn của các chương trình mục tiêu đầu tư cho ND, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa sẽ hiệu quả hơn.

Hiện nay, ND vẫn cứ luẩn quẩn trong cái vòng “được mùa, mất giá”, nguyên nhân là chúng ta chưa có quy hoạch vùng, sản phẩm cụ thể, ai cũng làm dẫn đến thừa, rớt giá. Nếu không thay đổi, định hướng lại, tôi nghĩ người dân vẫn phải sống trong cái vòng luẩn quẩn đó mãi.

Thực tế thời gian qua, Hội ND Đà Nẵng đã thực hiện quyền và nhiệm vụ mới này như thế nào?

- Chúng tôi tập trung vào phát triển kinh tế biển, trong đó chú trọng vào du lịch. Ngoài những chính sách của Nhà nước, Đà Nẵng có một cơ chế hỗ trợ riêng. Cụ thể, các hộ đóng tàu phục vụ cho việc đánh bắt xa bờ với công suất 300CV trở lên sẽ được hỗ trợ ít nhất 400 triệu đồng/tàu, với trên 600CV hỗ trợ 800 triệu đồng. Ngoài ra còn hàng loạt các chính sách khác như miễn học phí cho người dân học nghề thuyền trưởng. Hoặc những hộ nào chưa có hệ thống vệ sinh, nước sạch, sau khi xây dựng kế hoạch sẽ được thành phố hỗ trợ một phần kinh phí, Hội sẽ đứng ra cho vay ủy thác để xây dựng.

Xin cảm ơn ông!

Đb Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch Hội ND Tuyên Quang: Mạnh dạn tham gia các dự án

Trong tham gia xây dựng chính sách tam nông, Hội ND Tuyên Quang đã chủ động, sáng tạo tham mưu với cấp ủy, chính quyền trong việc xây dựng chính sách phát triển nông thôn, hỗ trợ nông dân. Trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Hội căn cứ thấy chương trình, dự án nào có thể tham gia được hoặc trực tiếp thực hiện thì mạnh dạn đề xuất, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền.

Đb Hoàng Thị Thành - Chủ tịch Hội ND huyện Quỳnh Nhai (Sơn La): Cần nhiều chính sách

Nhờ có tiếng nói của Hội ND nên quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương đã có những tiến triển rõ rệt. Tuy nhiên, việc thiếu vốn để kinh doanh sản xuất, trình độ dân trí chưa cao, không đồng đều đã tạo ra những rào cản trong tiến trình xây dựng NTM. Trong bối cảnh hiện nay, Đảng và Nhà nước, T.Ư Hội NDVN cần có nhiều cơ chế, chính sách cho nông thôn hơn nữa, đặc biệt là tăng cường đầu tư các dự án kinh tế- xã hội để người dân vùng lòng hồ sông Đà có nhiều cơ hội thụ hưởng hơn

ĐB Trần Văn Thành - Chủ tịch Hội ND huyện Thạnh Hóa (Long An): Định hướng sản xuất cho nông dân

Hiện nay, cả hoạt động trồng trọt và chăn nuôi ở Thạnh Hóa đang rất bấp bênh. Các nguyên liệu, sản phẩm đầu vào có xu hướng tăng cao nhưng đầu ra nông sản còn khó khăn. Vì thế, các ngành chức năng cần làm tốt công tác dự báo thị trường, chủ động định hướng sản xuất để hạn chế rủi ro cho nông dân. Hội ND cũng sẽ bám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất của nông dân; vận động bà con tuân thủ những nguyên tắc, định hướng sản xuất để đảm bảo lợi ích cho nông dân.

ĐB Dương Phong Ba - Phó Ban Tuyên huấn, Hội ND tỉnh Điện Biên: Tăng cường tiếp xúc người dân để nắm bắt nguyện vọng

Để tham gia tốt việc giám sát, phản biện xã hội, các cấp hội phải thường xuyên tiếp xúc với người dân để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, đồng thời nắm bắt được chính sách nào phù hợp hoặc cần phản biện, sửa đổi.

Tôi đề nghị các cấp, ban ngành, UBND các tỉnh, huyện, xã cần chú trọng nghe ý kiến kiến nghị của các cấp hội, từ đó có sự điều chỉnh cho hợp lý. Trước đây, Hội mới chỉ vận động, tuyên truyền người dân trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chứ chưa có chức năng phản biện. Đây là một hạn chế, thiệt thòi cho Hội và người dân. Khi được giao thêm chức năng nhiệm vụ tham gia giám sát, phản biện là cơ hội mở để Hội, người dân nói lên tiếng nói, kiến nghị của mình. Ví dụ trong xây dựng NTM, có một số tiêu chí không phù hợp với điều kiện của các thôn, bản vùng sâu, vùng xa. Sau khi người dân phản ánh, Chính phủ đã có những điều chỉnh cho thích hợp hơn.

Nam Tùng Sơn - Hữu Thông (ghi)

Ông Nguyễn Thọ Trí - Phó tổng Giám đốc Vinafood 2: Thu hẹp khoảng cách doanh nghiệp - nông dân

Nhiệm kỳ VI (2013 - 2018) là nhiệm kỳ thứ 2 lãnh đạo Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) tham gia Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN. Những năm qua, tổng công ty luôn tìm cách phát triển thị trường xuất khẩu, cải tiến biện pháp thu mua, cải tiến cách bảo quản tích trữ, đầu tư kho tàng, máy móc... Những hoạt?động này ngày càng góp phần thu hẹp khoảng cách giữa doanh nghiệp kinh doanh với ND trực tiếp sản xuất. Trước kia, doanh nghiệp mua gạo của ND là chủ yếu thì nay chuyển sang thu mua lúa, sấy, xay, chế biến, xuất khẩu nhiều hơn. Cách làm này không chỉ giúp doanh nghiệp chủ động trong kinh doanh mà còn góp phần thu mua được nhiều lúa hơn cho ND.

Qua tiếp xúc với hội viên, ND, tôi có điều kiện lắng nghe nhiều hơn tâm tư, nguyện vọng của ND, đặc biệt là ND trồng lúa. Điều này có tác dụng rất lớn trong việc điều chỉnh phương thức sản xuất, kinh doanh của Vinafood 2 để có thể làm những điều tốt hơn cho người sản xuất lúa...

Bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Chủ tịch HĐQT PVFCCo: Thuận lợi hơn trong hoạt động hỗ trợ

Thực ra các hoạt động hướng về nông dân, nông thôn đã được Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo, thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) tổ chức nhiều năm nay. PVFCCo chiếm 50% thị phần phân đạm của cả nước. Ngân sách dành cho hoạt động an sinh xã hội của PVFCCo hàng năm từ 100 - 200 tỷ đồng. PVFCCo đã tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ ND như tương trợ giảm nghèo, ND 2 giỏi, tổ chức hội thảo đầu bờ, hỗ trợ kỹ thuật sử dụng phân bón, kỹ thuật thâm canh... Chúng tôi vẫn thường nói “2 lúa 1 phân”, nghĩa là bà con ND có được mùa, trúng giá thì mới mua phân bón. Nhà nông giàu thì doanh nghiệp mới giàu.

Có lãnh đạo tham gia BCH T.Ư Hội NDVN khóa VI, PVFCCo có điều kiện thuận lợi hơn trong hoạt động hỗ trợ, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực phân bón, kỹ thuật canh tác cho ND. Tới đây, hoạt động này sẽ được PVFCCo tổ chức có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả hơn.

Ông Lê Quốc Phong - Tổng giám đốc công ty cP phân bón Bình Điền: Tôn vinh nhà nông của năm

Hội ND triển khai rất nhiều chương trình, phong trào hay, như ND SXKD giỏi. Theo tôi, nhiệm kỳ này, Hội cần thêm một chương trình nữa là “Tôn vinh các nhà nông của năm”. Chương trình này do T.Ư Hội NDVN chủ trì; nên giao cho Báo Nông thôn Ngày nay triển khai. Mỗi tỉnh chọn 2 nhà nông tiêu biểu để tôn vinh vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Hội NDVN (14.10) hàng năm. Như vậy, mỗi năm cả nước có trên 100 ND được tôn vinh. Đây là việc làm để tạo sự quan tâm của các ngành, các cấp, cả xã hội với ND. Doanh nghiệp chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ kinh phí cho chương trình này.

Phương Đông - Anh Trang (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem