Nơi cần không có, nơi có không cần!
Trạm Y tế xã Sơn Vĩ (Mèo Vạc, Hà Giang) hiện đã đạt chuẩn cả 10 tiêu chí: Từ gói đỡ đẻ sạch, vườn thuốc Nam, các trang thiết bị như máy đo huyết áp… Trạm cũng có 1 bác sĩ trạm trưởng. Trung bình 1 tháng, trạm y tế đón khoảng 50 - 60 bệnh nhân tới khám bệnh, điều trị và cũng đỡ đẻ cho khoảng 5-10 ca.
|
Cần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến xã để thu hút người bệnh. |
Bác sĩ Ma Văn Viện - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Sơn Vĩ cho biết, trạm mới đạt chuẩn năm 2009, trước đó trang thiết bị nghèo nàn nên trạm cũng không có điều kiện khám, chữa bệnh cho bà con, có những ca bệnh nhẹ như sơ cấp cứu ngoại khoa, bệnh nhân cũng phải xuống bệnh viện huyện, cách nhà cả trăm cây số. Khi trạm đạt chuẩn, số bệnh nhân được khám, điều trị tại chỗ tăng lên, các dịch vụ tối thiểu về chăm sóc sức khoẻ đã bước đầu được thực hiện như tiêm chủng, khám thai, đỡ đẻ, sơ cứu ngoại khoa…
Thế nhưng, Sơn Vĩ chỉ là một trong số ít xã ở miền núi có được cơ sở vật chất tốt như vậy. Số liệu thống kê giữa các năm của Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế) cho thấy: Tỷ lệ các trạm y tế xã đạt CQGYT tăng rõ rệt theo từng năm. Năm 2007 đạt 46%, thì đến năm 2010 là 74,8% (mỗi năm chỉ tăng được từ 5-6%).
Tuy nhiên, cũng theo thống kê của vụ này, tỷ lệ chuẩn này không đồng đều giữa các vùng trong cả nước. Vùng đồng bằng tỷ lệ đạt chuẩn cao hơn, đạt trên 80%. Trong khi đó tại một số vùng khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên- nơi rất cần các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở trạm y tế xã thì tỷ lệ này chỉ ở mức 40-60%. Cá biệt có tỉnh như Gia Lai chỉ có 17% số xã đạt CQGYT.
Cũng là trạm y tế đạt chuẩn và được đánh giá là khang trang nhất miền Bắc, Trạm Y tế thị trấn Cầu Diễn (Từ Liêm, Hà Nội) cả tháng không có bệnh nhân nào tới khám. Bác sĩ Đặng Thị Lan- Trưởng trạm Y tế cho biết: “Khu vực này gần nhiều bệnh viện lớn như 198, E, Y học cổ truyền… và rất nhiều phòng khám tư nên người dân không cần tới trạm y tế xã”. Và đó cũng là tình trạng chung của các trạm y tế, nhà hộ sinh xung quanh các thành phố lớn, nơi đã có các bệnh viện đầu ngành và đa khoa.
Khó áp dụng kỹ thuật cao ở tuyến xã
Ở vùng sâu, vùng xa còn có tình trạng cố để đạt CQGYT nhưng sau đó buông tay để “rớt” chuẩn cũng khá phổ biến. Nhiều tỉnh tuy đã đạt 100% xã có y tế chuẩn, nhưng chưa đầy 1 năm sau khi chấm lại thì có tới 50% số xã bị “rớt” chuẩn. Điển hình cho tình trạng này là Lào Cai.
Ông Lương Công Sĩ – Giám đốc Sở Y tế Lào Cai cho rằng: “Chuyện để đạt chuẩn y tế là rất khó, nhưng để duy trì nó lại càng khó hơn. Đặc biệt, một khi còn tình trạng “nợ” chuẩn và “chấm điểm gượng” cho các xã để đợi chuẩn thì tình trạng chuẩn về tiêu chí mà không chuẩn về chất lượng vẫn sẽ xảy ra”. Và cứ mất chuẩn người dân lại phải vượt tuyến để đi khám, điều trị các dịch vụ mà lẽ ra có thể được phục vụ ở trạm y tế xã.
Bên cạnh vấn đề chuẩn y tế xã thì câu chuyện tăng cường năng lực khám chữa bệnh ở cấp xã cũng là câu chuyện dài. Ông Nguyễn Hoàng Long - Vụ phó Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết: “Các trạm y tế xã ở vùng sâu, vùng xa thường có bác sĩ thì thiếu trang thiết bị và ngược lại. Ngay cả những trạm y tế có bác sĩ, có thiết bị thì vẫn không thể áp dụng khám, chữa bệnh kỹ thuật cao, hoặc có thì cũng không được thanh toán BHYT”.
Trạm y tế xã là nơi chăm sóc sức khoẻ gần dân nhất. Nó không chỉ góp phần tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, mà qua đó giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, cần có phân loại để đầu tư các trạm y tế xã đạt chuẩn.
Ông Nguyễn Hoàng Long
Đại diện Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long đã kiến nghị với Cục Khám, chữa bệnh cần xem xét lại hoạt động giao quyền tự chủ trong khám, chữa bệnh cho tuyến xã. Theo văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, tuyến xã có quyền được áp dụng các kỹ thuật cao vào khám và điều trị, với điều kiện đơn vị phải có trình độ và phương tiện kỹ thuật.
“Tuy nhiên, khi có đủ cả 2 yếu tố này rồi, tại nhiều xã thuộc tỉnh Vĩnh Long triển khai khám, chữa bệnh cho người dân xong thì lại không được thanh toán chi phí. Đây là một bất cập, vô hình trung đã trói tay các bác sĩ trong điều trị”.
Bà Mai Thị Thanh – Phó Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa cũng cho rằng: “BHYT thì lúc nào cũng khó khăn, nhất là với thanh toán cho dịch vụ kỹ thuật cao ở tuyến dưới. Mà để làm theo trình tự thì rất mất thời gian, phải thành lập hội đồng xem xét, khảo sát chất lượng rồi làm hồ sơ, công nhận…”. Vì vậy đã xảy ra tình trạng nhiều trạm y tế tuyến xã có đủ điều kiện để khám, chữa bệnh thì không được làm, mà nhiều nơi làm rồi lại không được BHYT chi trả.
Cũng theo ý kiến bà Thanh, câu chuyện “nói một đường làm một nẻo” vẫn sẽ xảy ra khi các vướng mắc giữa BHYT với cơ sở khám, chữa bệnh không được giải quyết. Và như vậy, mục tiêu hoàn thiện cơ sở y tế tuyến dưới góp phần chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân, đặc biệt là giảm quá tải của các bệnh viện tuyến trên vẫn sẽ là một câu chuyện dài, không thể làm trong một sớm một chiều được.
Minh Nguyệt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.